Mắt đỏ được xác nhận là một trong những triệu chứng mới của bệnh nhân mắc XBB.1.16 - một biến thể phụ mới của Omicron, hay còn được gọi là Arcturus. Đây là thông tin được đưa ra từ văn phòng y tế Jakarta, Indonesia.
Đau mắt đỏ có thể là một triệu chứng chính của Covid-19
Theo đó, mắt đỏ là biểu hiện của tình trạng viêm kết mạc. Các triệu chứng đau mắt đỏ thường kèm theo chảy nước mắt, ho và tức ngực. Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, triệu chứng này từng xuất hiện nhưng chưa phổ biến, tuy nhiên số bệnh nhân được xác nhận có biểu hiện này hiện nay đang tăng cao. Nguyên nhân là do biến chủng XBB.1.16 của Covid-19 gây ra. Đặc biệt là ở khu vực châu Á, số ca mắc biến chủng này đang gia tăng đột biến.
Theo các chuyên gia, đột biến nhỏ của virus cũng có thể tạo nên những thay đổi trong triệu chứng. Biểu hiện của từng bệnh nhân khác nhau tùy thuộc vào tình trạng tiêm chủng.
Mất khứu giác và vị giác, sốt cao, khó thở được coi là những dấu hiệu "kinh điển" cho thấy một người đã mắc Covid-19. Tuy nhiên, một vài đột biến nhỏ trong virus đã tạo ra những thay đổi trong triệu chứng. Sau khi Omicron xuất hiện, các vấn đề được ghi nhận nhiều nhất là đau đầu, sổ mũi, đau họng và mệt mỏi. Một số bệnh nhân bị đau ở vai, chân, còn gọi đau cơ.
Những cơn đau cơ được cho là bắt nguồn từ tác động của các chất gây viêm do các tế bào miễn dịch giải phóng để phản ứng với virus. Theo một ứng dụng theo dõi dấu hiệu của bệnh nhân mắc Covid-19, đau cơ được coi là dấu hiệu hàng đầu của Covid-19 và hiện đã được ghi nhận rộng rãi.
Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam tăng đột biến
7 ngày qua, cả nước ghi nhận 2.653 ca mắc COVID-19 mới, đây là tuần có số ca mắc cao nhất từ đầu năm đến nay, có 2 ngày liên tiếp số ca mắc ở con số 780 và 775 ca/ ngày. Trong khi các tuần trước đó, số mắc COVID-19 mỗi ngày chỉ vài ca, cao nhất cũng chỉ vài chục ca/ ngày .
Ngày 14/4, số bệnh nhân COVID-19 phải thở oxy qua mặt nạ lên đến 22 ca - cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.
Tuần qua, tại Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh đã xuất hiện một số chùm ca bệnh COVID-19, tuy nhiên các địa phương đã nhanh chóng kiểm soát, khống chế, không để dịch lây lan.
Theo thông tin từ ngành y tế TP HCM cho biết, đã phát hiện mẫu biến thể mới XBB.1.5. Đây hiện đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu (chiếm 47,1% số trường hợp trong tháng 3/2023, so với 39,8% trong tháng 2/2023). Biến thể XBB.1.5 đã được phát hiện ở 94 quốc gia.
Các dữ liệu phân tích hiện nay trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn hay gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong do biến thể từ dòng XBB đang lưu hành.
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19
Tăng cường phòng chống, giám sát không để Covid-19 bùng phát trở lại
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch.
Theo đó, để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tỉnh hình dịch, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung như sau. Cụ thể:
- Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
- Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ- CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023 của Bộ Y tế.
- Cùng đó, thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.
- Đồng thời chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
- Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới.
- Cùng với đó là tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vaccine; bám sát xu hướng tâm lý của người dân, xã hội, nâng cao sự tin tưởng của người dân và vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
XEM THÊM:
- Số ca Covid-19 bất ngờ tăng mạnh, có đáng lo ngại?
- Biến chủng mới của Omicron – Có thể là phiên bản lây lan nhanh nhất của Covid-19