Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, dự kiến cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, bàn thảo liên quan đến nội dung chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B để công bố hết dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Bà Lan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
“Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch Covid-19, căn cứ vào các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo dự kiến thì vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 tập trung bàn thảo nội dung đó”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Người đứng đầu Bộ Y tế cho hay, ngay sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, năm 2023, Quốc hội đã dành thời gian lựa chọn vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế, công tác phòng, chống dịch để đánh giá việc triển khai thực hiện, rút kinh nghiệm, đưa ra những việc làm được, chưa làm được. Điều đó giúp ngành y tế phục hồi, củng cố phát triển hơn nữa, nhằm đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của một đất nước với hơn 100 triệu dân.
Ba điều kiện công bố hết dịch Covid-19
Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) khẳng định trước Quốc hội: “Việt Nam có thể yên tâm công bố hết Covid-19 bởi đã hội tụ đủ ba yếu tố cần thiết”.
Điều kiện thứ nhất, theo ông Hiếu, hiện nay tỷ lệ bệnh nặng do Covid-19 gây ra hầu như không còn, những ca tử vong chủ yếu do tiền sử bệnh nền nặng. Điều đó cho thấy Covid-19 vẫn còn lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không còn nguy cơ gây tử vong cao.
Thứ hai, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở nước ta đạt tỷ lệ rất cao. Toàn quốc đã tiêm được hơn 266 triệu liều.
Điều kiện thứ ba, tình hình Covid-19 trên thế giới đã ổn định. Đầu tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
"Đây là ba điều kiện cơ bản và cần thiết để Việt Nam chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm) sang nhóm B, có nghĩa là thành bệnh đặc hữu.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, cuộc chiến với Covid-19 hiện nay tương đối lạc quan khi số ca mắc và tử vong vì Covid-19 đã giảm mạnh so với thời điểm đỉnh dịch.
Trải qua ba năm chống dịch, ông Hiếu cho rằng cần rút ra bài học kinh nghiệm về công tác chống đại dịch. Theo ông, cần khẩn trương chuẩn bị cả vật chất, văn bản pháp luật, quy trình, hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn với các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai hoặc khả năng Covid-19 bùng phát trở lại.
Chuyển Covid-19 sang nhóm B thì không được miễn phí điều trị
Như vậy nếu Covid-19 được chuyển sang nhóm B, theo quy định hiện hành sẽ không còn áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nơi công cộng trong vùng có dịch.
Đặc biệt, việc chuyển Covid-19 sang nhóm B thì khi mắc, người bệnh sẽ không được miễn phí điều trị như trước
Trong thời gian vừa qua, người mắc Covid -19 có bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả phí điều trị, người không có bảo hiểm được ngân sách nhà nước chi trả chi phí. Từ đó, đã có hàng triệu người bệnh Covid -19 điều trị tại bệnh viện (có bệnh nhân mức chi phí điều trị thành công lên đến hàng tỉ đồng)được hai nguồn này chi trả.
Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp phòng chống dịch với bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc miễn phí điều trị sẽ thay đổi: Chỉ người có bảo hiểm y tế được bảo hiểm trả phí, người không có bảo hiểm sẽ phải chi tiền túi để điều trị.
Còn đối với việc tiêm vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định về kế hoạch sử dụng vaccine Covid-19 năm 2023. Quyết định này nêu rõ, việc tiêm vaccine Covid-19 theo chiến dịch hoặc có thể lồng ghép với hoạt động tiêm chủng thường xuyên phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), dù Covid-19 chuyển sang nhóm B thì vẫn cần có những đặc thù riêng trong giám sát, phòng chống. Vì trên thế giới, WHO mới tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của Covid-19, chứ chưa công bố kết thúc dịch Covid-19.
"Việt Nam cần có chính sách, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, làm sao theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không bất ngờ, vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân.
Đặc biệt lưu ý, các hoạt động giám sát, dự phòng cá nhân, tiêm chủng, truyền thông, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương…”, PGS.TS Phu khẳng định.
Như vậy, người dân vẫn cần chủ động phòng chống dịch, tuân thủ khuyến cáo đeo khẩu trang, khử khuẩn và tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt đối với nhóm nguy cơ cao, những người có hệ miễn dịch suy giảm, người cao tuổi, có bệnh nền… cần tiêm chủng đủ liều, đúng lịch.
XEM THÊM: