Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 1/4 đến nay, số người nhiễm Covid-19 tăng dần. Cụ thể, trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình là 79 ca/ngày. Hiện toàn thành phố có 566 trường hợp đang điều trị Covid.
Biến chủng Covid mới lây lan nhanh
Hà Nội phát hiện biến chủng lây lan nhanh
Theo đó, kết quả giải trình tự gen virus SARS - CoV-2 tại Hà Nội thì có 2 mẫu cho kết quả thuộc biến chủng XBB.1.9.1. Đây là chủng có đặc điểm lan truyền nhanh và diễn biến lâm sàng nhẹ. đã xuất hiện ở nhiều nước Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Singapore, Philippines…
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Phan Trọng Lân cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, biến thể Omicron đang lưu hành chủ yếu trên thế giới với một số biến thể phụ như BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Trong đó biến thể phụ XBB.1.5 đã phát hiện tại 95 quốc gia trong đó có cả Việt Nam.
Sở Y tế TP. HCM cho hay, XBB.1.5 hiện đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu (chiếm 47,1% số trường hợp trong tháng 3/2023, so với 39,8% trong tháng 2/2023).
Các dữ liệu phân tích hiện nay trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành, cũng không có báo cáo nào về việc gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong do bất kỳ biến thể từ dòng XBB hiện đang lưu hành.
Cũng trong tuần qua, tại một số địa phương như Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh đã xuất hiện một số chùm ca bệnh Covid-19, tuy nhiên các địa phương đã nhanh chóng kiểm soát và không để dịch lây lan.
Hà Nội phân bổ gần 18.000 liều vaccine Covid
Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định tiếp tục phân bổ thêm 17.850 liều vaccine AstraZeneca cho 30 quận, huyện, thị xã để sử dụng tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.
Bốn ngày trước, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết thủ đô chỉ còn vài trăm liều vaccine Covid-19. Nhiều người dân gọi đến một số trạm y tế cơ sở nhưng đều nhận được câu trả lời "chưa có vaccine", dẫn đến tâm lý lo lắng.
Ông Tuấn cũng khuyến cáo, để phòng chống dịch hiệu quả, người dân nếu chưa tiêm đủ các mũi vaccine phòng COVID-19 cơ bản (mũi 1, mũi 2) thì cần tiêm đủ. Còn với những người đã tiêm đủ mũi cơ bản nhưng chưa được tiêm mũi bổ sung (mũi 3, mũi 4) thì đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn để tiêm.
Sở Y tế Hà Nội giao CDC thành phố tiếp nhận vaccine từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và phân bổ cho Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã; đồng thời, theo dõi sát nhu cầu sử dụng vaccine của các đơn vị. Căn cứ quyết định phân bổ, tiến độ phân bổ vaccine của Bộ Y tế và nhu cầu sử dụng thực tế để tham mưu kế hoạch sử dụng vaccine, phân bổ và điều chuyển đúng quy định. Đồng thời, đảm bảo tiêm đúng đối tượng, sử dụng vaccine hiệu quả, tránh lãng phí, không để tình trạng hủy vaccine.
Sở Y-tế Hà Nội cũng đã bố trí 10 điểm tiêm vaccine Covid-19. Người dân sinh sống, làm việc tại thành phố có thể liên hệ các điểm tiêm dưới đây đây để được hướng dẫn cụ thể về địa điểm, thời gian tiêm:
1. Tại Sơn Tây - Số điện thoại (SĐT): 0243.3823.835
2. Tại Tây Hồ - SĐT: 0243.758.3334 / 0869.538.580
3. Tại Thạch Thất - SĐT: 0243.3675.993
4. Tại Cầu Giấy - SĐT: 0243.768.0014 / 0243.993.6118
5. Tại Ba Đình - SĐT: 0243.7340.301
6. Tại Thanh Xuân - SĐT: 0243.558.1582 / 0248.582.3468
7. Tại Hoàn Kiếm - SĐT: 0243.8284.827
8. Tại Hai Bà Trưng - SĐT: 0243.972.7867
9. Tại Mỹ Đức - SĐT: 0243. 3740.641
10. Tại Thanh Oai - SĐT: 086.242.9697
Bộ Y tế khuyến cáo cần người dân cần tiêm vaccine đầy đủ
Hà Nội bắt buộc đeo khẩu trang nơi đông người
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành công văn hỏa tốc về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại thủ đô.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang theo hướng dẫn ngày 6-9-2022 của Bộ Y tế.
Cụ thể, Hà Nội yêu cầu các tài xế, nhân viên phục vụ trên các phương tiện giao thông công cộng, hành khách phải thực hiện việc đeo khẩu trang.
Tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, quy định bắt buộc đeo khẩu trang áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Nhân viên tại các quán bar, vũ trường, karaoke, cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp, phòng tập thể hình, nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu... bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Tại các cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện đông người, nhân viên phục vụ, người quản lý và người tham dự cũng phải đeo khẩu trang.
Sở Y tế Hà Nội được giao tăng cường biện pháp phòng, chống dịch tại trường học, cửa khẩu, cơ sở y tế. Đồng thời, liên tục thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch theo nghị quyết số 128 của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID" và các hướng dẫn liên quan của Bộ Y tế.
"Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp "2K" (khẩu trang và khử khuẩn) của Bộ Y tế trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới” - văn bản của UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Bộ Y-tế đánh giá nguy cơ dịch vẫn ở mức thấp
Trước tình hình dịch hiện nay, về phân loại cấp độ dịch, Cục trưởng Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết, nếu đánh giá về sơ bộ, tình hình dịch tại tất cả các địa phương hiện đang ở cấp độ màu xanh, có nghĩa là không vượt qua cấp độ 1 (nguy cơ thấp). Có thể nói rằng, dù số ca mắc tăng nhưng tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát. “Kể cả số ca mắc có tăng cục bộ ở nơi này nơi kia nhưng dịch Covid-19 vẫn được kiểm soát”, ông Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần theo dõi sát các số liệu, đề nghị các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết và phòng chống.
Để phòng bệnh hiệu quả, ông Lân cũng nhấn mạnh, người dân vẫn phải tuân thủ đeo khẩu trang ở nơi công cộng, luôn giữ khoảng cách khi đến nơi đông người và tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ. Khi có triệu chứng nghi ngờ, cần chủ động tự cách ly tại nhà để phòng lây nhiễm cho những người chung quanh. Chỉ những trường hợp nằm trong nhóm nguy cơ cao, có bệnh nền mạn tính và có triệu chứng nặng thì mới cần đến cơ sở y tế điều trị.
XEM THÊM:
- Đau mắt đỏ - Triệu chứng mới của biến thể Covid-19
- Gia tăng trẻ nhập viện do bệnh hô hấp vì nồm ẩm kéo dài