Gần đây, khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 1 tháng tuổi nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), bị biến chứng viêm phế quản, suy hô hấp.
Bệnh nhi nhiễm virus RSV.
Bệnh nhi bị biến chứng suy hô hấp nặng do virus RSV
Đây là trường hợp của bé N.M.H (vào viện lúc 1 tháng tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh). Bệnh nhi này nhập viện với triệu chứng ho đờm, khò khè tăng dần. Trẻ được chỉ định chụp X - quang, kết quả cho thấy có hình ảnh mờ không đồng nhất thùy trên phổi phải. Trẻ được chẩn đoán mắc viêm phế quản phổi và điều trị theo phác đồ.
Sau 2 ngày theo dõi tại khoa Nhi, trẻ đột ngột xuất hiện tình trạng ho nhiều, thở nhanh, SpO2 giảm còn 90%, tăng tiết đờm, co kéo cơ hô hấp, kết quả test RSV dương tính. Bệnh nhi được kết luận suy hô hấp, viêm phế quản phổi do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Trẻ được điều trị hồi sức tích cực bằng cách thở máy, bù dịch, vỗ rung hô hấp, kháng sinh. Sau 48h, tình trạng trẻ tiến triển, chỉ số hô hấp cải thiện, được cai thở máy.
Trong tuần qua, bệnh viện Bãi Cháy cho biết đã tiếp nhận điều trị khoảng 3 - 4 trường hợp trẻ dưới 2 tuổi bị viêm phế quản do nhiễm virus RSV với các triệu chứng như ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, thở khò khè.
Virus hợp bào hô hấp ở trẻ em là gì?
Virus hợp bào hô hấp RSV (respiratory syncytial virus) là một loại virus gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi… ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Virus RSV đi vào cơ thể qua mắt, mũi hay miệng, nó lây lan một cách dễ dàng thông qua tiếp xúc các dịch tiết đường hô hấp như dịch mũi, dịch nước bọt hoặc từ tay người mang virus thông qua đường mắt hoặc mũi.
Trẻ thường có các triệu chứng như:
- Khoảng 1-2 ngày đầu: Trẻ có triệu chứng tương tự như cảm cúm ho, chảy mũi trong và có sốt.
- Khoảng 3-5 ngày sau: Bệnh có xu hướng nặng dần, trẻ bị tắc nghẹt mũi, khó thở, ho nhiều, nôn sau ho, bú kém hoặc không bú được, ngủ không yên giấc, quấy khóc nhiều.
- Từ khoảng ngày thứ 6-7 trở đi: Bệnh nhanh chóng thuyên giảm và biến mất.
Virus hợp bào hô hấp ở trẻ em.
Thông thường, trẻ sẽ khỏi bệnh trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh diễn biến nặng lên nhanh chóng và kéo dài hơn thông thường. Lúc này, trẻ có nguy cơ gặp một số biến chứng như:
- Suy hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
- Viêm tai giữa.
- Hen suyễn.
- Một số biến chứng hiếm gặp khác: tràn khí màng phổi, xẹp phổi, ứ khí phổi,…
Làm sao để phòng ngừa RSV ở trẻ?
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng ngừa virus RSV, dưới đây là một số biện pháp phòng chống và ngăn ngừa sự lây lan của virus RSV:
- Thường xuyên rửa tay, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người có triệu chứng tương tự như cảm cúm.
- Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn nhà ở, khu vui chơi và đồ chơi của trẻ.
- Hạn chế cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác.
- Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người.
- Giữ ấm và đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài, sử dụng chế độ điều hòa phù hợp.
- Không để trẻ tiếp xúc với môi trường hút thuốc, hoặc ở cạnh người đang hút thuốc.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, đảm bảo trẻ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng để phát triển khỏe mạnh.
- Khi đi ra đường nên chủ động bảo vệ đường hô hấp trên cho trẻ, có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào mắt, mũi trẻ sau khi đi chơi về.
Một số biện pháp phòng ngừa virus hợp bào hô hấp RSV.
Trên đây là một số thông tin và cách phòng tránh virus hợp bào hô hấp ở trẻ em. Virus RSV gây triệu chứng rất giống với các bệnh đường hô hấp khác như viêm long đường hô hấp, sốt giống cảm lạnh thông thường, khó để phân biệt. Vì vậy, khi trẻ có các biểu hiện như trong bài, bố mẹ hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
XEM THÊM:
- Bé trai 7 tuổi bị đột quỵ: Cẩn trọng nguy cơ đột quỵ ở trẻ em
- Nóng: Sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp 3 lần!