Tối 24/5/2023, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã mang theo 6 lọ thuốc giải độc Botulinum hạ cánh xuống TPHCM. Hiện các lọ thuốc đã được hỏa tốc phân phối đến 3 bệnh viện để cứu chữa cho những bệnh nhân đang chờ thuốc từng giờ.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới mang thùng chứa 6 lọ thuốc quý BAT đến TPHCM trong đêm 24/5. Ảnh: Dantri
6 lọ thuốc giải độc Botulinum đã được WHO chuyển gấp về Việt Nam
Với sự nỗ lực của Cục Quản lý dược, các cơ quan chức năng của Việt Nam và sự hỗ trợ rất kịp thời của WHO, 6 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) được gửi từ kho của WHO tại Thụy Sĩ đã về đến TP. Hồ Chí Minh trong ngày 24/5/2023.
Trước đó, bà Đào Thị Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã có buổi làm việc trực tiếp với văn phòng WHO tại Hà Nội. Ngay sau đó, WHO quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent cho những bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Trưởng Bộ Y tế, tôi cùng với lãnh đạo Cục Quản Lý Dược đã làm việc với nhiều cơ quan chức năng để làm sao chuyển được số thuốc đó nhanh nhất về đến Việt Nam điều trị cho nhiều bệnh nhân đang chờ đợi".
Sau khi hạ cánh xuống sân bay, 6 lọ thuốc giải độc Botulinum được vận chuyển về Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Hiện, 2 lọ thuốc BAT đã được phân phối về Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 lọ được lưu lại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định để điều trị cho 3 bệnh nhân tại hai bệnh viện này. 3 lọ thuốc còn lại được Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận.
Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc tích cực cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum
Một người ngộ độc Botulinum chết trước khi kịp truyền thuốc giải
Sáng 25/5/2023, theo nguồn tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết người đàn ông 45 tuổi (ngộ độc Botulinum nghi do ăn mắm để lâu) đã tử vong trước khi kịp truyền thuốc.
Bệnh nhân nhập viện 10 ngày trước đó, được thở máy, yếu cơ, sau đó diễn tiến nặng và gần như liệt hoàn toàn. Người bệnh được chẩn đoán ngộ độc botulinum type A - là một trong những type rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Từ ngày 13/5 đến nay, lần lượt 6 người ở TP Thủ Đức ngộ độc Botulinum do ăn giò lụa bán dạo và một người nghi do ăn mắm. Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi được dùng thuốc giải độc, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện diễn tiến cải thiện. Ba ca còn lại chỉ được điều trị hỗ trợ vì cả nước cạn thuốc giải độc.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển.
Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. Bên cạnh đó, giá của thuốc này cũng rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm chi trả.
Triệu chứng nhiễm độc Botulinum là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Những dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý, không bảo quản và sử dụng thức ăn đã được chế biến từ lâu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ ngộ độc nói chung, ngộ độc Botulinum nói riêng.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo 8 chìa khóa phòng ngộ độc Botulinum mà người dân cần biết:
- Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu đảm đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất.
- Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.
- Chỉ sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
- Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.
- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.
- Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
- Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
XEM THÊM:
- Bộ Y tế thông báo cả nước hết vaccine 5 trong 1 – Nguyên nhân do đâu?
- Bệnh viện Nhi đồng 2 hoãn ghép gan vì chưa đủ…chứng chỉ