Tin vui – Bệnh viện Việt Đức dự kiến mổ phiên trở lại từ tuần sau
Giám đốc bệnh viện Việt Đức thông báo lịch mổ phiên bắt đầu lại từ tuần sau
Sau gần 10 ngày hạn chế, Bệnh viện Việt Đức mổ phiên trở lại từ tuần sau
Trong thời gian qua, các bệnh viện trên toàn quốc đã gặp rất nhiều khó khăn: thiếu thiết bị, vật tư y tế trầm trọng. Bệnh viện đầu ngành của cả nước là Việt Đức cũng không phải ngoại lệ khi đã phải dừng mổ luân phiên để dồn lực cho việc mổ cấp cứu vì thiếu hóa chất, vật tư và xét nghiệm.
Mới đây, Chính phủ ban hành nghị định 07 và nghị quyết 30 với mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở y tế. Và trong chiều ngày hôm qua, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đã có thông tin vui dành cho người bệnh: Dự kiến trong vòng 1 tuần nữa, mọi hoạt động khám chữa bệnh, phẫu thuật tại bệnh viện sẽ bình thường trở lại.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Bình Giang, giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay: “Từ nay đến cuối tuần, tất cả những hóa chất, vật tư sẽ được các nhà phân phối cung ứng. Về cơ bản, từ thứ hai tuần sau bệnh viện sẽ cơ bản hoạt động trở lại bình thường", ông Giang khẳng định.
Theo đó, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm đến khám chữa bệnh tại bệnh viện Việt Đức. Đây thực sự là một tin vui dành cho bệnh nhân đang chờ đến lịch mổ.
Không chỉ tại Bệnh viện Việt Đức mà ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành với nhiều 'nút thắt', điểm nghẽn được tháo gỡ, tại nhiều bệnh viện khác cũng đã bắt tay ngay vào việc triển khai 2 văn bản để nhanh chóng tiến hành mua sắm đấu thầu trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, gần 1 năm qua các máy liên doanh liên kết phải dừng hoạt động, như máy chụp CT, máy chụp cắt lớp 256 dãy, máy cộng hưởng từ 1.5, máy chụp X-quang…
Các máy này trước đó mỗi ngày phục vụ hàng trăm lượt người , trong thời gian phải tạm dừng hoạt động vì vướng cơ chế, Bệnh viện Bạch Mai thiếu trầm trọng máy móc.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay khi Nghị quyết 30 được ban hành, Bệnh viện đang rà soát để đưa các máy đặt, máy mượn trở lại hoạt động phục vụ người bệnh.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, trước khi có nghị quyết 30, bệnh viện vẫn thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị nhưng chỉ đấu thầu được 50-60%. "Với những mặt hàng đã đủ 3 nhà thầu thì chúng tôi đấu thầu trước, còn những mặt hàng chưa đủ 3 nhà thầu sẽ tiếp tục gọi thầu, liên tục rà soát. Vì vậy, ngay khi có nghị quyết 30, bệnh viện nhanh chóng thực hiện đấu thầu đối với những mặt hàng không đủ 3 nhà thầu", lãnh đạo bệnh viện thông tin.
Chính phủ vào cuộc: “Cấp cứu” kịp thời cho bệnh viện
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: “Trước đây, đối với mua sắm trang thiết bị y tế, khó nhất là đơn vị không biết tham khảo thông tin xây dựng giá gói thầu mua sắm thiết bị y tế thế nào là đúng. Bởi theo quy định cũ, bắt buộc phải tham khảo “3 báo giá”. Tuy nhiên, có những gói thầu trang thiết bị, vật tư y tế không thể tìm được 2-3 báo giá vì nhà phân phối độc quyền hoặc không có thẩm định giá. Bên cạnh đó, việc quy định tối đa không quá 90 ngày lựa chọn nhà thầu cũng gây khó khăn rất lớn cho các bệnh viện.”
Chính vì vậy, trong điểm mới được quy định tại Nghị quyết 30, điều mà vị lãnh đạo bệnh viện này tâm đắc chính là việc bỏ “3 báo giá” khi xây dựng giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế.
Một điểm mới nữa trong Nghị quyết 30 đó là cho phép chủ đầu tư (là bệnh viện) xem xét, quyết định việc giao Hội đồng Khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật này, đơn vị tổ chức lấy báo giá.
Trước đây, những sản phẩm này được đấu thầu theo giá nên các cơ sở y tế có thể mua được sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng kém. Còn Nghị quyết 30 hướng tới việc trước tiên phải lựa chọn được sản phẩm đạt yêu cầu về chuyên môn, sau đó mới xây dựng báo giá để giảm giá gói thầu, và cũng sẽ loại trừ được những sản phẩm không bảo đảm chất lượng.
Cơ chế này cũng giúp các bệnh viện đầu ngành cả nước như Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh... được triển khai và nâng tầm các kỹ thuật tiên tiến do có thể mua được các thiết bị chuyên sâu, lần đầu tiên vào Việt Nam mà chỉ có một nhà cung cấp, một báo giá.
Thêm một điểm mới nữa mà theo lãnh đạo các bệnh viện là hàng triệu người bệnh sẽ được hưởng lợi. Đó là Nghị quyết 30 cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
Dù Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã giải quyết được những khó khăn trước mắt mà các bệnh viện gặp phải, nhưng theo lãnh đạo các bệnh viện, hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần có thời gian để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Hy vọng rằng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những vấn đề vướng mắc, tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân sẽ được khắc phục.
XEM THÊM:
- Nóng: Bộ Y tế chỉ đạo gia hạn hơn 700 số đăng ký thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế
- Virus cúm gia cầm H5N1 gây chết người ở Campuchia, Việt Nam chỉ đạo khẩn