Bệnh viện Nhi trung ương thời gian gần đây tiếp nhận hàng loạt trường hợp trẻ nhỏ bị viêm phổi nặng do vi khuẩn Mycoplasma với các triệu chứng không điển hình, dễ nhầm với cảm cúm thông thường.
Tai Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều trẻ nhập viện vì viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma.
30% bệnh nhi viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma
Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương mỗi ngày tiếp nhận từ 150 - 160 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong đó có khoảng 30 - 40 bệnh nhi nhiễm Mycoplasma Pneumoniae, chiếm khoảng 30%.
Theo các chuyên gia, nếu không chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng, có thể bị suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.
Mới đây, trường hợp bé gái 7 tuổi, ở TP Hạ Long nhập viện trong tình trạng sốt nóng trên 38 độ C, ho có đờm trong 2 ngày, sử dụng thuốc hạ sốt tại nhà không đỡ.
Khi được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương ở ngày thứ 5, trẻ sốt cao liên tục từng cơn, ho khan, phát ban toàn thân. Kết quả chụp X- quang phổi có hình ảnh viêm phổi thùy, xét nghiệm Mycoplasma pneumoniae dương tính.
Trẻ được điều trị tích cực bằng kháng sinh theo phác đồ. Sau 12 ngày điều trị, tình trạng trẻ ổn định, giảm ho và cắt sốt.
Một bệnh nhi khác, bé L.D.T. (10 tuổi, ở Thái Bình) được đưa đến Trung tâm Hô hấp trong tình trạng ho nhiều kèm sốt cao liên tục, đau ngực, khó thở, phát ban toàn thân đã điều trị tại bệnh viện tuyến dưới 9 ngày không đỡ.
Bệnh nhi được chẩn đoán viêm phổi thùy/tràn dịch màng phổi trái do Mycoplasma. Hiện tại sau hơn 10 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh táo, ăn tốt, không đau ngực, không khó thở và có thể ra viện trong một vài ngày tới.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Viêm phổi có nhiều căn nguyên, trong đó có nguyên nhân do vi khuẩn Mycoplasma Pneumoniae (hay còn gọi là vi khuẩn không điển hình). Đây là tác nhân quan trọng gây viêm phổi cộng đồng ở trẻ em. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp ở nhóm trẻ lớn. Theo một nghiên cứu của Mỹ, trẻ từ 5 - 10 tuổi, tỷ lệ mắc viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae là 16%, trong khi đó nhóm trẻ 10 - 17 tuổi, tỷ lệ này lên đến 23%”.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh khám cho một bệnh nhi viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma
Thời gian ủ bệnh dài, dễ nhầm lẫn cảm cúm
Khi vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 đến 3 tuần. Sau thời gian này, bệnh sẽ khởi phát và trải qua những triệu chứng sau:
- Ban đầu trẻ có những biểu hiện viêm đường hô hấp: hắt hơi, sổ mũi.
- Trẻ em bị viêm phổi thường bị sốt, có thể là sốt cao liên tục từ 39 đến 40 độ C. Ngoài ra trẻ còn ho nhiều, ho rũ rượi từng cơn, ho đi kèm khó thở, thở nhanh gấp gáp. Những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ, cứng cơ…
- Đặc biệt, trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma có thể có những biến chứng ngoài phổi khác như viêm kết mạc, nổi mề đay trên da, biến chứng tim mạch, biến chứng đường tiêu hóa, tiết niệu.
Theo PGS Hanh, bệnh viêm phổi do Mycoplasma có những triệu chứng không điển hình nên phụ huynh thường nhầm lẫn với cảm cúm thông thường và tự ý điều trị cho con tại nhà. Nếu không xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị đúng cách, hiệu quả, trẻ có thể bị suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
Viêm phổi do vi khuẩn hay virus nói chung và viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae nói riêng có con đường lây truyền tiếp xúc qua đường giọt bắn. Đến nay, chưa có vaccine phòng Mycoplasma. Vì thế, để phòng ngừa viêm phổi, chúng ta cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ, người chăm trẻ.
Theo đó, cha mẹ cần:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Đảm bảo cho trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát.
- Không tiếp xúc với những trẻ có những biểu hiện ho, sốt.
- Cho trẻ có những chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
- Cho trẻ tiêm phòng theo đúng lịch, bởi vì nhiễm Mycoplasma Pneumoniae có thể đồng nhiễm thêm những vi khuẩn khác như phế cầu, Hip….
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy trẻ, đặc biệt các bé từ 4-10 tuổi có những biểu hiện như viêm đường hô hấp, sốt cao, ho, khó thở thì cha mẹ nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và làm xét nghiệm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng suy hô hấp nguy hiểm.
XEM THÊM:
- Hà Nam: Thiếu máy chạy thận – Bệnh nhân vật vờ chờ đợi
- Số ca tay chân miệng tăng mạnh, TP HCM ứng phó nguy cơ bùng dịch