Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận hơn 500 trẻ mắc tay chân miệng phải nhập viện. Đáng chú ý, có đến 20% - 30% trường hợp là nhiễm chủng vi rút EV71 gây biến chứng viêm não.
Một bệnh nhi mắc chân tay miệng được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Tay chân miệng – Bệnh thường gặp và dễ biến chứng
Theo ghi nhận từ Bộ Y tế, từ đầu năm cả nước ghi nhận khoảng 9.000 ca mắc tay chân miệng. Riêng Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận 1.200 trẻ mắc bệnh.
Điển hình như trường hợp bé A.N (26 tháng, trú tại Bắc Giang) được chẩn đoán mắc tay chân miệng, có biến chứng viêm não, nhập viện trong tình trạng sốt cao không hạ, nhiều nốt ban đỏ ở tay, chân và miệng, giật mình nhiều.
Mẹ của A.N chia sẻ: đầu năm bé đã mắc tay chân miệng với biểu hiện sốt, lở loét miệng, nhưng điều trị tại nhà vài ngày là khỏi, nên lần này gia đình không nghĩ là con bị nặng như vậy. Cũng may là do được điều trị kịp thời nên A.N đã tỉnh táo và chuẩn bị được ra viện.
Trường hợp khác, bé nam, 1 tuổi ở Vĩnh Phúc, sốt cao, quấy khóc, chảy dãi, ăn uống kém, nhưng cha mẹ nghĩ con sốt mọc răng nên không đưa đi khám. Đến khi trẻ giật mình, nôn trớ nhiều, gia đình mới đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương, được chẩn đoán mắc tay chân miệng chủng EV71, biến chứng viêm não.
ThS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết có 2 biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là thần kinh và suy hô hấp, tuần hoàn. Tuy nhiên, gần đây, đơn vị này tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình là viêm não.
"Các bệnh nhi vào viện trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt ở đầu và cuối giấc ngủ. Ngoài ra, các em bị run chi, đi lại loạng choạng", bà Nga nói.
Cùng với Hà Nội, tại TP.HCM, diễn biến dịch tay chân miệng cũng vô cùng phức tạp. Theo TS. BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện các bệnh viện tuyến cuối của thành phố gần đây tiếp nhận các ca bệnh nặng tăng.
Tại BV Nhi đồng 1, tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây, dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt, số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước và đã có 4 ca tử vong.
Lãnh đạo bệnh viện cho biết, những năm trước phải đến tháng 8,9 khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới, bệnh tay chân miệng mới tăng, nhưng năm nay có thể đạt điểm đỉnh dịch trong thời gian sắp tới.
Điều đặc biệt, hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3.
Nốt phỏng trên da tay là biểu hiện điển hình của bệnh
Cách nhận biết sớm bệnh tay chân miệng trở nặng ở trẻ
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, có 3 triệu chứng rất sớm cảnh báo diễn biến nặng của bệnh tay chân miệng ở trẻ mà cha mẹ cần chú ý theo dõi. Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng sau đây, gia đình cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời:
- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
- Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Đây là do các quá trình đáp ứng viêm đang diễn ra rất mạnh trong cơ thể gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng 1 loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn đó là các chế phẩm có Ibuprofen.
- Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ cần lưu ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.
Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan nhanh.
Cách phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ
Bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan và lây lan nhanh cho trẻ trong khi chưa có vaccine để phòng bệnh đặc hiệu nên chăm sóc trẻ bị bệnh và đề phòng lây nhiễm luôn là việc làm cần thiết. Cụ thể như:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không nên cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi …
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Cách ly trẻ bệnh tại nhà: Không cho bé đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ khác chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
XEM THÊM:
- Nghiên cứu mới: Ngủ nhiều hay ít đều làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường
- WHO cảnh báo mối đe dọa toàn cầu vì siro ho nhiễm độc