Để giảm các triệu chứng khó chịu như đỏ mắt, cộm mắt, tiết nhiều dịch… khi bị đau mắt đỏ, không ít bệnh nhân đã tự ý mua thuốc điều trị. Điều này có thể khiến họ gặp nguy hiểm như trường hợp người phụ nữ bị loét giác mạc tại Phú Thọ gần đây.
Loét giác mạc do tự ý dùng thuốc trị đau mắt đỏ
Nhiều người bệnh tự ý mua thuốc điều trị đau mắt đỏ
Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ tiếp nhận một bệnh nhân nữ bị loét giác mạc. Qua thăm hỏi, các bác sĩ biết được trước đó bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng của đau mắt đỏ. Thế nhưng, thay vì đến các cơ sở y tế thăm khám, bệnh nhân lại tự ý mua thuốc điều trị.
Theo các bác sĩ loét giác mạc là tình trạng nguy hiểm vì có nguy cơ để lại di chứng vĩnh viễn như sẹo đục làm giảm thị lực. Các biến chứng khác có thể bao gồm nhiễm trùng sâu, thủng giác mạc, di lệch mống mắt…
Loét giác mạc làm giảm thị lực
Không chỉ có trường hợp người phụ nữ trên, trước đó, tại Khoa Mắt- Bệnh viện Hữu Nghị cũng đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Vũ M. (55 tuổi, Hà Nội) trong tình trạng mắt đau, kết mạc đỏ, không mở được.
Sau thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị loét giác mạc, cần được can thiệp phẫu thuật ngay lập tức để hạn chế tối đa tổn thương giác mạc cũng như nguy cơ biến chứng.
Bệnh nhân M. cho biết, khi thấy dấu hiệu đỏ mắt, người bệnh đã tự mua thuốc về nhỏ. Ban đầu dùng kháng sinh không đỡ, anh đã mua thuốc nhỏ mắt chứa corticoid.
Các bác sĩ tại bệnh viện Hữu Nghị nhận định rằng: Mặc dù corticoid có thể giúp giảm nhanh triệu chứng, giảm các kích thích, nhưng có thể gây biến chứng và khiến tình trạng loét nặng hơn. Trường hợp loét giác mạc sâu, điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Vì vậy, tất cả chúng ta không nên chủ quan. Khi thấy bản thân xuất hiện các triệu chứng ở mắt, bạn cần đến các cơ sở y tế thăm khám và kiểm tra. Đau mắt đỏ do nhiều nguyên nhân khác gây ra, cách điều trị hoàn toàn khác nhau và việc dùng thuốc cần có sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Bộ Y tế hướng dẫn xử trí khi bị đau mắt đỏ
Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần:
- Lau rửa ghèn, gỉ mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông. Lưu ý sau khi lau xong, người bệnh vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.
- Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
- Tránh khỏi bụi, đeo kính mát cho mắt.
Người bệnh dùng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ
- Không đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu…
- Trẻ nhỏ bị bệnh nên nghỉ học, không đến trường hay những nơi đông người.
- Khi trẻ bị đau mắt, thường sẽ bị 1 bên mắt trước, bố mẹ và người thân cần chăm sóc trẻ cẩn thận, tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại.
- Tránh ôm ấp khi trẻ bị bệnh, cho con ngủ riêng.
- Nếu bệnh không thuyên giảm sau vài ngày, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ tái phát
Đau mắt đỏ nếu được điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách sẽ khỏi hẳn. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn có thể tái phát nếu người bệnh tiếp xúc với mầm bệnh hoặc chất gây dị ứng.
Vì vậy, người bệnh không thể bỏ qua những cách ngăn ngừa bệnh tái phát sau đây:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân (thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, khẩu trang…).
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
- Dùng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày.
- Sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.
Dù được coi là bệnh lành tính nhưng đau mắt đỏ vẫn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực sau này. Vì vậy, tất cả chúng ta cần có ý thức phòng bệnh tốt và xử trí kịp thời khi mắc bệnh. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: