Trên địa bàn huyện Chương Mỹ vừa ghi nhận 2 ổ dịch thủy đậu tại 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học.
Phun thuốc khử khuẩn tại điểm dịch
Theo báo cáo của huyện Chương Mỹ, huyện đã ghi nhận 1 ổ dịch thủy đậu ở trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại Trường mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc ; cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn huyện đã có 129 ca mắc thủy đậu.
Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch thuỷ đậu, Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ phối hợp với Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân, Trạm y tế các xã đã tổ chức phun thuốc khử khuẩn, tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị các ca đã mắc bệnh và biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết, nếu nhiều tháng trước thỉnh thoảng khoa chỉ tiếp nhận 1 bệnh nhân thủy đậu thì riêng 1 tuần nay có tới 10 trường hợp điều trị nội trú, số ca khám ngoại trú cao hơn nhiều. Chủ yếu bệnh nhân là trẻ em, thậm chí có trẻ chỉ vài tháng tuổi.
Tương tự, thời gian gần đây, tại Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cũng liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh với chẩn đoán mắc thủy đậu. Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng như: Sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 giờ đến 24 giờ. Sau đó, các nốt này tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, mụn mủ, bệnh nhân có ho và đi ngoài phân lỏng.
TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện 108 cho biết, bệnh thủy đậu gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não. Di chứng sau đó có thể là điếc; động kinh; chậm phát triển tinh thần, vận động…
Những lưu ý khi điều trị thuỷ đậu
Việc điều trị thủy đậu tại bệnh viện hay tại nhà cần tuân thủ lời dặn bác sĩ. Ngoài sử dụng thuốc điều trị đúng phác đồ, bệnh nhân còn cần phải chế độ ngủ nghỉ, ăn uống để tránh biến chứng, để lại sẹo xấu,…
Chế độ sinh hoạt
Bệnh nhân mắc thủy đậu cần có chế độ sinh hoạt và vệ sinh thân thể như sau:
- Tắm thường xuyên, giữ vệ sinh quần áo lót cũng như vệ sinh tay.
- Cắt móng tay thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm khuẩn thứ phát.
- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh răng miệng, vệ sinh tai mũi họng, luôn giữ cho da khô sạch, không để trẻ gãi gây vỡ mụn nước.
- Mặc quần áo mềm sạch để các mụn nước không gây nhiễm trùng, ngứa ngáy cho trẻ.
- Tại khu vực phòng bệnh tại nhà phải thoáng khí, tránh gió lùa.
- Người bệnh không nên trở lại trường học hoặc làm việc cho đến khi những tổn thương cuối cùng đã đóng vảy.
Dinh dưỡng hàng ngày
Nếu kiêng khem, ăn uống đúng cách thì chỉ 5 ngày sau khi xuất hiện các mụn nước sẽ vỡ ra, đóng vảy và bong hết. Do đó, dinh dưỡng cho người bệnh thủy đậu rất quan trọng.
- Thực phẩm nên ăn: Người bệnh ăn thức ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như: cháo đậu xanh, cháo gạo lứt, măng tây, trứng, chuối, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, khoai tây, cà rốt, củ cải trắng, bí đao, rau bồ ngót, rau sam, rau má, khổ qua, rau dền, cải thảo,… Đồng thời, người bệnh nên tăng cường các vitamin C để tăng sức đề kháng, chống nhiễm trùng, đẩy nhanh quá trình sản sinh collagen, phòng ngừa sẹo lõm như: Chanh, cam, bơ, dâu tây, kiwi, lê, dưa hấu, dưa leo, cà chua,…
- Thực phẩm không nên ăn: Người bệnh thủy đậu nên tránh các thức ăn nhiều dầu, mỡ, thức ăn nóng như: gừng, hành, tỏi, hành tây, tỏi tây, ớt, hạt tiêu, thì là, cà ri, mù tạt, rau mùi, trái vải, xoài chín, hoặc các loại thịt quá nhiều đạm như thịt dê, thịt gà, ngỗng, lươn, tôm, cua, sò, ốc,…
Sai lầm trong điều trị thủy đậu
Bác sĩ Kim Anh cho hay, hiện nay rất nhiều gia đình quan niệm bệnh nhân mắc thủy đậu phải kiêng nước. Tuy nhiên, thầy thuốc khuyến cáo bệnh nhân cần được giữ vệ sinh sạch sẽ bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín.
"Nếu không vệ sinh tốt, các vết phỏng dễ bị nhiễm trùng, gây tổn thương sâu qua lớp hạ bì và để lại sẹo cho bệnh nhân", bác sĩ Kim Anh chia sẻ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình tự ý bôi thuốc gây nhiễm khuẩn vết phỏng, đây cũng là sai lầm thường gặp trong điều trị thủy đậu.
Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa thủy đậu tốt nhất
Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa thủy đậu tốt nhất
Vaccine chống thuỷ đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau:
- Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.
- Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thuỷ đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.
- Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.
Vaccine thủy đậu có hiệu quả bảo vệ lâu bền.
Nếu đã được tiêm chủng vaccine thủy đậu thì 80-90% trường hợp có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này sẽ chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.
Thời gian ủ bệnh của thuỷ đậu là từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, do đó, nếu một người chưa được tiêm phòng vaccine thuỷ đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thuỷ đậu, trong vòng 3 ngày bạn có thể tiêm ngừa, vaccine sẽ phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp bạn phòng ngừa thủy đậu.
XEM THÊM:
- Hưởng ứng ngày 8/3: Khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú cho 5.000 phụ nữ
- Nóng: Bộ Y tế chỉ đạo gia hạn hơn 700 số đăng ký thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế