Bệnh nhân C.A.P. (43 tuổi, nhân viên văn phòng) được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng tự thở nhưng rối loạn tri giác, lừ đừ, mờ mắt.
Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol đã qua cơn nguy kịch
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 16/4, bệnh nhân cùng người thân ăn cơm và có uống rượu ngâm chuối hột. Bệnh nhân không say, về nhà nghỉ ngơi. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân có triệu chứng mệt. Ngày hôm sau, anh bị nôn ói nhiều và nhập viện ở một bệnh viện tại Bình Dương. Các bác sĩ ghi nhận tình trạng toan chuyển hóa nặng, tổn thương thận cấp, nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol,
Người nhà bệnh nhân cho biết, sau cuộc nhậu hôm đó, bạn của anh P. cũng có tình trạng tương tự và được đưa đi cấp cứu nhưng không may đã qua đời.
Theo BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, để xác định chính xác tình trạng ngộ độc, các bác sĩ xét nghiệm nồng độ methanol trong máu và nước tiểu. Mặc dù đã là ngày thứ 2 sau khi uống rượu, nhưng nồng độ methanol trong máu bệnh nhân rất cao 90,69 (thông thường nồng độ trên 25 là đã ngộ độc). Điều đó cho thấy, bệnh nhân uống một lượng rượu rất nhiều, gây biến chứng nghiêm trọng.
Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa Thận nhân tạo khẩn trương thực hiện lọc máu ngắt quãng cho bệnh nhân. Sau 1 lần lọc máu, bệnh nhân tỉnh, mắt nhìn rõ, tình trạng toan chuyển hóa, suy thận được cải thiện, bệnh nhân đi tiểu nhiều,.
“Sau 24 tiếng lọc máu lần thứ nhất mà bệnh nhân có nhiều cải thiện sẽ theo dõi 24 tiếng tiếp theo, những biến chứng có thể dẫn đến ảnh hưởng tính mạng, ví dụ như về tri giác, hô hấp, tình trạng toan chuyển hóa dẫn đến ngưng hô hấp tuần hoàn", bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Khánh cho biết.
Hiện bệnh nhân tỉnh táo, sinh hoạt được và tiếp tục được theo dõi sát.
Methanol là cồn công nghiệp, được người bán pha vào rượu do giá thành rẻ. Methanol gây ngộ độc cho người uống, làm suy gan thận, mờ hoặc hỏng mắt, tổn thương não, ảnh hưởng tính mạng. Bệnh nhân được cứu sống cũng để lại nhiều di chứng, chi phí điều trị cao và thời gian hồi phục kéo dài.
Methanol còn gọi là cồn công nghiệp có độc tính rất cao
Ngộ độc methanol nguy hiểm như thế nào
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngộ độc rượu có hai dạng là ngộ độc rượu thông thường (ethanol) và ngộ độc cồn công nghiệp methanol.
Cồn công nghiệp methanol có độc tính rất cao, tác động chủ yếu lên thần kinh. Khi vào cơ thể, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và tiếp đến là formic acid, sẽ tấn công não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác.
Tuy nhiên, rất khó để phân biệt rượu chứa methanol và ethanol bằng mắt thường. Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyên, uống methanol rất giống với uống rượu ethanol thông thường, thậm chí ngọt, dễ uống hơn. Sau khi uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn biểu hiện ngộ độc với biểu hiện của say rượu, khiến việc điều trị trở nên chậm trễ.
Ngộ độc methanol diễn ra từ từ. Theo bác sĩ Nguyên, những giờ đầu sau khi uống phải cồn công nghiệp methanol, người bệnh chỉ có cảm giác say giống say rượu thông thường. Sau vài ngày, chất độc bắt đầu chuyển hóa. Bệnh nhân bị mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh do rối loạn axit máu, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết trường hợp đã tổn thương não, mắt và tuần hoàn, ở trong tình trạng nguy kịch.
Cách xử lý ngộ độc rượu methanol
Khi bị ngộ độc methanol, người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức:
- Cố gắng giữ nạn nhân ở tư thế ngồi thẳng. Nếu nạn nhân muốn nằm, cần kê gối sao cho phần đầu và vai cao hơn thân mình. Nếu nạn nhân bị ứ đọng đờm dãi, thở khò khè, bất tỉnh, cho nằm nghiêng để khi nôn không bị sặc. Nếu người bệnh không nôn, có thể tìm cách gây nôn hết rượu để loại bỏ cồn ra khỏi dạ dày.
- Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước (đặc biệt sau khi nôn) và làm loãng nồng độ rượu. Điều này giúp quá trình đào thải rượu diễn ra nhanh chóng. Có thể cho người bệnh uống nước gừng tươi, nước chè xanh, nước cà chua, nước ép bưởi… để giải độc rượu (nếu bị nhẹ).
- Người bị ngộ độc rượu có nguy cơ hạ thân nhiệt cần giữ ấm bằng cách đắp chăn, mặc áo ấm, …
- Nói chuyện với nạn nhân, trấn an và giải thích nguy hiểm đang gặp để nạn nhân hợp tác, không bị kích động.
- Đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất
Tại cơ sở y tế, người bệnh được:
- Truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
- Thở oxy qua ống thông mũi. Có thể cần đặt ống vào khí quản nếu người ngộ độc rượu bị khó thở nặng.
- Loại bỏ rượu ra khỏi dạ dày.
- Nếu thận hoạt động kém, người bệnh cần được lọc máu để loại bỏ cồn ra khỏi cơ thể.
XEM THÊM:
- Hiểm họa từ chiêu trò quảng cáo nâng ngực không cần phẫu thuật
- Nguy hiểm sức khỏe vì trào lưu “bữa ăn khổng lồ” Mukbang