Vì nhu cầu, không biết về tính xác thực trong giao dịch mua bán, chính người mua giấy khám sức khỏe đã vi phạm pháp luật và đang tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật.
Giấy khám sức khỏe được rao bán công khai trên mạng
Mua giấy khám sức khỏe dễ như mua rau
Vừa qua, cơ quan điều tra vừa bắt giữ 19 bị can tại 6 phòng khám ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vì hành vi làm khống giấy chứng nhận nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động.
Đại diện bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định: Đây là hình thức trục lợi kép cả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Theo điều tra ban đầu, 6 phòng khám này đã làm khống hơn 130.000 giấy chứng nhận nghỉ bệnh để hưởng bảo hiểm xã hội và hơn 400 giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động trên địa bàn với giá 20.000 – 30.000 VNĐ.
Ngoài ra, các đối tượng cũng khai báo, trong suốt thời gian dài vừa qua các đối tượng này đã cung cấp số lượng lớn cho các công ty có lượng công nhân lên đến hàng chục ngàn người.
Các phòng khám trên còn lập hồ sơ khống để quyết toán tiền bảo hiểm y tế. Được biết, 3 trong 6 phòng khám có ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội trong thanh toán bảo hiểm y tế.
Từ thông tin của BHXH tỉnh Đồng Nai, Bảo hiểm xã hội Bình Dương đã rà soát, phát hiện 9 phòng khám tư nhân cấp giấy xác nhận bệnh không đúng quy định cho 720 công nhân và thu hồi 300 triệu đồng đã chi trả lương nghỉ bệnh cho công nhân.
Những tờ giấy khám sức khỏe như thế này có thể được giao đến bất kỳ khách hàng nào có nhu cầu
Giấy khám sức khỏe được rao phần lớn là giả mạo?
Thời gian qua, tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe trên mạng xã hội diễn ra một cách công khai. Mặc dù trước đó, nhiều đường dây mua bán giấy sức khỏe giả đã bị cơ quan chức năng triệt phá; báo đài cũng liên tục cảnh báo rủi ro khi mua bán giấy sức khỏe trên mạng … tuy nhiên, dường như người bán, kẻ mua vẫn phớt lờ.
Trong vai trò là người đang cần mua gấp giấy khám sức khỏe loại A3 có ảnh giáp lai, chúng tôi đã liên hệ với một địa chỉ Facebook có tên “Quỳnh Phượng” và ngay lập tức nhận được phản hồi. Theo đó, người này bán giấy khám sức khỏe loại A3 có ảnh giáp lai với giá bán là 160.000 đồng, sau một buổi là có, ship tận tay đến địa chỉ người mua. Giấy này được bán hàng ngày, khách lấy giấy còn lấy được bảo hiểm nên đảm bảo chuẩn. Giấy của Bệnh viện Giao thông Vận tải nên không thể giả được.
Tuy nhiên sau khi chúng tôi đề nghị được đến bệnh viện lấy giấy thì người này từ chối.
Liên hệ với BSCKI. Nguyễn Công Sơn - Phó Trưởng phòng khám sức khỏe, Bệnh viện Giao thông Vận tải, bác sĩ cho biết: Thời gian qua, Bệnh viện Giao thông vận tải nhận được nhiều công văn của các đơn vị (Công an, Viện kiểm sát các quận, huyện của TP. Hà Nội, cũng như các tỉnh lân cận) để đề nghị xác minh tính xác thực của các loại giấy tờ liên quan đến sức khỏe như: Giấy chứng nhận sức khỏe đi học, đi làm; giấy chứng nhận sức khỏe dùng để cấp mới hay đổi bằng lái xe; giấy ra viện; giấy chứng nhận nằm viện; giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội… Qua điều tra xác minh, các giấy tờ trên là giả do người mua trôi nổi trên thị trường.
Bác sĩ Nguyễn Công Sơn khuyến cáo: Việc mua giấy tờ giả trên thị trường thì bản thân người mua sẽ chịu nhiều hệ lụy. Trước hết, do không đi khám sức khỏe nên không biết được tình trạng sức khỏe bản thân, dẫn đến người sử dụng lao động phân công công việc không phù hợp, dễ gây nên nguy cơ tai nạn lao động hoặc mắc các bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến bản thân và người khác. Mặt khác, do thiếu trung thực trong hồ sơ nên sẽ bị các cơ quan quản lý xử lý kỷ luật như buộc thôi việc, không tiếp tục bổ nhiệm hoặc không cho đi học… Chưa kể, việc giấy khám sức khỏe giả là hành động tiếp tay cho những kẻ làm giấy tờ giả và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
“Tốt nhất khi có nhu cầu, hãy đi khám sức khỏe ở những cơ sở y tế được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và tránh những hệ lụy đáng tiếc sau này” - Bác sỹ Nguyễn Công Sơn khuyến cáo.
Người cố tình sử dụng giấy khám sức khỏe giả có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, làm giả con dấu giấy khám sức khỏe là vi phạm điều 267 BLHS: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, hình phạt cao nhất là bảy năm tù.
Luật sư Hùng cho biết thêm: “Người biết đó là giấy khám sức khỏe giả mạo con dấu nhưng vẫn mua để bổ sung vào hồ sơ lao động của mình nộp cho công ty hoặc cố tình bán giấy tờ đó để thu lợi thì tùy tính chất hành vi có thể bị xử lý về mặt hình sự. Nếu hành vi chưa tới mức xử lý hình sự thì có thể xử lý về mặt hành chính. Điều này cũng được quy định rõ trong điều 267 BLHS”.
XEM THÊM: