Theo Bộ Y tế cho biết, năm 2023 và 2024 hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi như sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản.
Các địa phương cần tăng cường phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm có thể gia tăng do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino
El Nino làm gia tăng bệnh dịch do muỗi truyền
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023. Hiện nay thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC), trong tuần 26, Thủ đô đã ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện và không có ca tử vong. Cộng dồn trong năm 2023, Hà Nội có 823 ca mắc. Đến nay, thành phố chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Số ca mắc tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (238 ca mắc). CDC Hà Nội dự báo, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn có xu hướng gia tăng, đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ...
TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: “Tác động của El Nino khiến nhiệt độ ấm lên, do đó, muỗi trưởng thành nhanh hơn, chích đốt nhiều hơn. Virus tăng sinh nhanh hơn trong muỗi, làm giảm thời gian ủ bệnh bên ngoài, tỉ lệ muỗi có khả năng truyền nhiễm cao”.
TS Dũng cũng đánh giá, El Nino có thể làm tăng một số dịch bệnh khác như Hanta, dịch hạch, dịch tả…
Chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế vừa có Công văn số 4295/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị chỉ đạo triển khai các công việc phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Trong đó, đề nghị UBND chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động này 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.
Các cán bộ ngành y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương, đảm bảo 100% các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đặc biệt là tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; Có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
3 bệnh do muỗi truyền có thể phòng ngừa nhờ vaccine
Viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sốt rét lây nhiễm từ muỗi, trên thế giới đều đã có vaccine dự phòng tuy nhiên chỉ có vaccine viêm não Nhật Bản được sử dụng ở Việt Nam.
Viêm não Nhật Bản
Muỗi Culex là vật chủ trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản
Tại Việt Nam, ngoài vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, còn có một số vaccine được tiêm chủng dịch vụ như Jevax (Việt Nam), Imojev (Pháp) và JEEV (Ấn Độ).
Vaccine Jevax dành cho trẻ từ 12 tháng trở lên và người lớn, trẻ cần tiêm 3 mũi và nhắc lại mỗi 3 năm cho đến khi qua 15 tuổi. Vaccine Imojev tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi, người từ 18 tuổi trở lên chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất. Vaccine JEEV chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi đến người lớn 49 tuổi, tùy độ tuổi mà có lịch tiêm chủng khác nhau.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết gây sốt cao đột ngột, phát ban, đau xương, xuất huyết. Sốt xuất huyết có thể diễn tiến nặng, gây sốc, hạ tiểu cầu, cô đặc máu và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Thế giới đã có vaccine sốt xuất huyết, song chưa được phê duyệt tại Việt Nam. Do đó, cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêu diệt muỗi vằn như đậy kín các lu vại chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, ngủ trong màn, mặc quần áo dài tay, bôi thuốc chống muỗi đốt...
Sốt rét
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm cấp tính do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền từ người này sang người khác qua vết đốt của muỗi Anopheles. Các triệu chứng bệnh gồm đau đầu, sốt, lạnh run, thậm chí tử vong.
Hồi tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vaccine sốt rét đầu tiên. Vaccine RTS,S/AS01, còn gọi là Mosquirix, do Hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) của Anh phát triển, song chưa được phê duyệt tại Việt Nam.
XEM THÊM:
- Gia tăng ca viêm phổi ở trẻ do vi khuẩn Mycoplasma
- Dịch tay chân miệng leo thang, thuốc điều trị khan hiếm trên toàn cầu