Thông báo này được đưa ra tại buổi họp định kỳ về các vấn đề kinh tế - xã hội TP. HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho hay, sau khi dịch Covid-19 chuyển từ nhóm A xuống nhóm B, các chính sách và quy định liên quan về giám sát, cách ly, điều trị đều sẽ khác.
Ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin tại buổi họp báo
Điều trị Covid-19 không còn miễn phí
Theo ông Tâm, vừa qua Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, chính vì thế việc điều trị bệnh nhân mắc bệnh sẽ không còn miễn phí.
Ông Tâm cho biết, khi hạ cấp dịch, vấn đề điều trị, thuốc men hay chi trả chi phí y tế cho người dân sẽ không còn như cách ứng phó với bệnh truyền nhiễm nhóm A. Do đó, mọi người sẽ cần thanh toán chi phí chăm sóc sức khỏe, y tế nếu mắc COVID-19 và chi phí tiêm vaccine nếu có.
“Nhóm A là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, lây lan nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Trong khi đó nhóm B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhưng có tỷ lệ tử vong không cao. Do đó mức độ đã khác nhau nhiều” - ông Tâm cho hay.
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện vào cuối năm 2019 đến nay, người mắc bệnh này được điều trị miễn phí trừ các chi phí điều trị bệnh nền kèm theo. Suốt thời gian này, Covid-19 được xếp vào bệnh nhóm A. Đến cuối tuần qua, Thủ tướng đánh giá Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch để chuyển nhóm cho bệnh Covid-19 và tuyên bố hết dịch, song song đó là áp dụng chính sách phòng chống phù hợp.
Cụ thể, khi hạ Covid-19 xuống là bệnh truyền nhiễm nhóm B, người bệnh không còn bắt buộc phải cách ly, điều trị và vẫn sẽ được tự do đi lại bình thường.
Trước đây, khi Covid-19 còn là bệnh truyền nhiễm cấp A gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng, có khả năng lây lan và tử vong cao, người dân phải thực hiện các quy định bảo vệ sức khỏe nghiêm ngặt do nhà nước đề ra như hạn chế đi lại, làm xét nghiệm. Người mắc phải nhập viện, cách ly điều trị ngay khi phát hiện.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Tâm, trong khi chờ Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể, thì ngành y tế TP cũng đã chuẩn bị việc thực hiện các kế hoạch giám sát dịch Covid-19 nhưng không còn giống như trước đây.
“Trong đó, Sở Y tế giao cho HCDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM) giám sát các biến thể phụ, giám sát tình hình dịch để đánh giá chính xác cấp độ dịch hàng tuần, từ đó đưa ra biện pháp thích hợp để kiểm soát dịch bệnh. TP cũng sẽ tiếp tục bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ, cũng như đưa công tác tiêm chủng Covid-19 vào hoạt động tiêm chủng thường xuyên của TP. Bên cạnh đó vẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không lơ là, không chủ quan với dịch bệnh” – Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm nói.
Thủ tướng đã giao Bộ Y tế hoàn thiện kế hoạch kiểm soát bền vững Covid-19 đến năm 2025, sẵn sàng điều kiện ứng phó với đại dịch khác có thể xảy ra hoặc dịch quay lại. Đồng thời, tiếp tục tiêm vaccine phòng Covid-19 phù hợp với tình hình, trong đó nghiên cứu tiêm hàng năm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Người dân cần chủ động trong phòng chống dịch
Về phía người dân, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho hay, khi thay đổi cấp độ dịch đối với Covid-19, người dân sẽ phải chịu trách nhiệm chính cho sức khỏe của mình.
Cụ thể, trong giai đoạn hiện nay, việc đeo khẩu trang giờ đây không còn bị bắt buộc. Tuy nhiên, ông vẫn khuyến khích người dân vẫn nên thực hiện tốt 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) để bảo vệ sức khỏe.
Mọi người nên đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, có nguy cơ cao... và duy trì thói quen rửa tay, khử khuẩn để tránh các bệnh truyền nhiễm.
Đồng quan điểm, PGS. Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội khuyến cáo biện pháp phù hợp nhất trong thời điểm này vẫn là tuân thủ 2K. Đây mới là giải pháp quan trọng nhất để phòng bệnh.
Chuyên gia này nhấn mạnh, nhiều bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc, hô hấp cũng có thể gây nguy hiểm. Việt Nam nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới, nơi có nhiều bệnh truyền nhiễm. Vì thế, ý thức của người dân rất quan trọng trong việc ngăn chặn và phòng tránh các bệnh này.
Trong lúc chờ đợi các quy định, các khuyến cáo của Bộ Y tế có thay đổi thì người dân vẫn cần đeo khẩu trang, khử khuẩn, chú ý bảo vệ bản thân tại các nơi tập trung đông người...
Các đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ em, người có bệnh nền... vẫn cần phải được ưu tiên bảo vệ để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh và trở nặng.
XEM THÊM:
- Khan hiếm thuốc điều trị tay chân miệng nặng, Bộ Y tế vào cuộc
- Cảnh báo: 'Rung lắc mạnh trẻ sơ sinh có thể gây chấn thương não'