Uống Oresol sai cách, một bé trai tử vong tại bệnh viện

Cập nhập: Thứ tư, 15/03/2023

 

   Oresol là dung dịch bù nước rất hiệu quả cho các trường hợp sốt cao, tiêu chảy, mất nước…Tuy nhiên, việc pha không đúng liều lượng có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nguy hiểm.

 

Nguy hiểm tính mạng vì uống Oresol sai cách

Nguy hiểm tính mạng vì uống Oresol sai cách

 

Những sự việc đau lòng vì uống Oresol sai cách

   Mới đây, một trường hợp bệnh nhi 15 tháng tuổi, được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc cấp cứu khi đã ngừng tim. Gia đình cho biết, sau bữa ăn sáng trẻ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, cách 30 phút lại đi 1 lần. Lo lắng trẻ bị mất nước, người nhà đã cho con uống oresol để bù nước. Sau khi uống, trẻ đã có những triệu chứng co giật, gia đình mới hoảng loạn đưa trẻ vào viện.

   Tại đây, trẻ được các bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc tận tình cứu chữa, nhưng não của trẻ đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục được.

   Bác sĩ kiểm tra, phát hiện người nhà đã pha dung dịch oresol cho bé uống quá đậm đặc, không đúng tỷ lệ khuyến cáo. "Một gói oresol được hướng dẫn pha với 200 ml nước nhưng người nhà chỉ pha trong 50 ml nước, là nguyên nhân khiến bé bị sốc, co giật", bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc nói.

   Trước đó, Bé Nguyễn Thu A (8 tháng tuổi, Hà Nội) bị sốt cao, đi ngoài liên tục gần 20 lần/ngày được mẹ cho đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị tiêu chảy cấp do rota virus. Tại đây, các bác sĩ đã kê đơn thuốc cho cháu điều trị ngoại trú đồng thời hướng dẫn cụ thể cách bù nước điện giải cho trẻ bằng oresol và men tiêu hóa. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, tình trạng tiêu chảy của trẻ vẫn không thuyên giảm, trẻ lơ mơ, ngủ nhiều.

   Ngày 3.4, bé A được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) với dấu hiệu mất nước nặng, rối loạn ý thức, li bì. Sau khi khám và làm xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán cháu bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao).

   Ths.BS Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu – Chống độc cho  biết, tăng natri máu là dấu hiệu của mất nước trong tế bào, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng thần kinh nguy hiểm và có thể gây teo não. Các triệu chứng thần kinh lâm sàng thường gặp như mệt mỏi, rối loạn tri giác, hôn mê, co giật. Nguyên nhân dẫn tới việc tăng natri máu trong trường hợp này là do gia đình đã pha oresol không đúng cách.

   Tại khoa Cấp cứu – Chống độc, bệnh nhi A được bù dịch bằng đường tĩnh mạch và kết hợp điều trị tăng natri máu. Sau 2 ngày điều trị theo phác đồ, bệnh tình của bệnh nhi đã cải thiện: Bé tỉnh táo, dấu hiệu mất nước giảm và nồng độ natri máu trở về giới hạn bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết, về lâu dài bệnh nhân vẫn cần được kiểm tra, đánh giá lại xem có tổn thương thần kinh hay không.

 

Tại sao uống Oresol sai cách lại nguy hiểm

   Trên thực tế, rất nhiều bậc phụ huynh không biết cách pha cũng như cho trẻ uống oresol đúng cách đã khiến trẻ bị nguy hiểm đến tính mạng.

   TS Nguyễn Văn Bàng, khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, nguyên nhân tử vong ở trẻ tiêu chảy cấp chủ yếu do mất nước và muối, đường... Oresol pha vào nước theo đúng quy định khi cho trẻ uống sẽ có tác dụng bù lượng nước, muối, đường đã mất. Nhưng nếu pha không đúng quy định sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn, trẻ có thể tử vong.

   “Khi trẻ bị tiêu chảy, tình trạng mất nước trầm trọng khiến bé rất khát nước. Trong khi đó, oresol có thành phần là muối, đường… lại được pha đặc hơn so với khuyến cáo nên khi bé uống, không khác gì uống một cốc nước muối khiến bé càng khát hơn. Khát nước, bé đòi uống nước, người thân lại tiếp tục cho uống dung dịch oresol pha đặc này… Lẽ ra, một gói oresol theo chỉ dẫn phải pha với 200ml nước đun sôi để nguội nhưng thực tế bé lại uống cả gói thuốc chỉ với vẻn vẹn mấy chục ml nước, khiến bé được “nạp” quá nhiều muối, rất nguy hiểm”, TS Bàng nói.

   Khi uống oresol với nồng độ quá đặc như thế sẽ khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên, gây tình trạng ưu trương (quá nhiều muối trong máu), áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường.

   Bình thường, hai bên màng tế bào cân bằng nhau. Nhưng lúc này, vì nồng độ muối quá cao nên áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, “hút” nước từ tế bào, khiến tế bào bị hút hết nước nên bị teo tóp lại. Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng…

   “Điều nguy hiểm nhất lúc này, đó là vì bị hút nước nên tế bào não bị teo tóp lại, gây tổn thương tế bào não, khiến trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, hôn mê. Nếu không biết để điều trị kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong”, TS Bàng nói.

 

Những lưu ý khi cho trẻ uống Oresol

   Trong điều trị tiêu chảy cấp thì bù nước là quan trọng hàng đầu. Trẻ đi số lượng/số lần trong ngày nhiều thì cần bù bằng dung dịch oresol, không nên chỉ uống nước trắng. Ưu tiên hàng đầu là bù bằng oresol nếu tiêu chảy nhiều nước hoặc nhiều lần trong ngày.

Tuy nhiên, để sử dụng oresol an toàn cần thực đúng các lưu ý sau đây:

  • Nên đọc kỹ hướng dẫn cách pha oresol, tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng đã được quy định trên bao bì.
  • Sau khi pha thuốc nên cho trẻ uống trong vòng 24h, nếu không hãy bỏ đi và pha lại gói mới, không được bảo quản trong tủ lạnh để trẻ uống dần.
  • Không chia nhỏ gói oresol để sử dụng, bởi điều này sẽ khiến ba mẹ pha nước không đảm bảo tỷ lệ chuẩn.
  • Tuyệt đối không đun sôi dung dịch đã pha, điều này có thể làm mất chất của thuốc, bay hơi hoặc tăng độ ẩm thẩm thấu.
  • Không được cho thêm đường, chỉ pha oresol bằng nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội, không pha với sữa, nước trái cây, nước ngọt, ...
  • Không mua những loại oresol đã pha sẵn, bởi không thể đảm bảo được hiệu quả bù nước và điện giải.
  • Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như: mệt mỏi, lơ mơ, nôn nhiều... ba mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.

   Ngoài ra, bạn cũng không nên cho trẻ uống oresol hàng ngày vì loại thuốc này bản chất chỉ sử dụng với một số mục đích nhất định, được chỉ định sử dụng bao gồm:

  • Bù nước, điện giải khi trẻ em bị sốt, tiêu chảy, nôn nhiều, mất nước nhẹ và vừa.
  • Trẻ năng động thường xuyên chạy nhảy, vui chơi, vận động nhiều gây ra mồ hôi.

   Để bổ sung nước vào điện giải cho trẻ nhỏ, ba mẹ nên ưu tiên cho trẻ uống đủ nước, bổ sung thêm nước ép và xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Việc bổ sung bằng cách tự nhiên sẽ tốt hơn cho trẻ.

 

XEM THÊM:

 

Chủ đề: Uống Oresol
Ý kiến bạn đọc

Bài viết liên quan

Đưa máu từ Hà Nội vào chi viện cho các tỉnh miền Tây

Đưa máu từ Hà Nội vào chi viện cho các tỉnh miền Tây

Khoảng 1.000 đơn vị máu sẽ được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương điều chế thành các chế phẩm máu an toàn, cung cấp cho các bệnh viện ở khu vực Tây Nam Bộ nhằm giải quyết cấp bách tình trạng thiếu máu diện rộng tại đây.

Xem tiếp >>>

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844