Phong trào chữa bệnh bằng tế bào gốc đang nở rộ. Tế bào gốc được quảng bá có thể điều trị mọi bệnh tật, từ thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp gối cho tới tiểu đường, ung thư, da liễu, tim mạch. Vậy hiệu quả thực sự của tế bào gốc trong điều trị bệnh là gì?
Giữa rừng thông tin ngập tràn trên mạng internet, làm sao để bệnh nhân lựa chọn đúng cơ sở y tế uy tín nhằm tránh cảnh tiền mất tật mang?
Tế bào gốc được quảng bá có thể điều trị mọi bệnh tật
Tế bào gốc trị “bách bệnh”?
Vừa đây, Khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một trường hợp bị dị ứng nặng đến nỗi da mặt bị sưng tấy, chảy dịch và mủ, nhất là vùng mũi và môi trên. Theo trình bày của bệnh nhân, sau vài lần được tư vấn tiêm tế bào gốc của Hàn Quốc tại một cơ sở thẩm mỹ viện thì da mặt chị lúc đầu là ửng đỏ, đau rát và ngứa. Sau đó thì nặng lên như vậy. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hà -chuyên khoa thẩm mỹ cho biết, biểu hiện của bệnh nhân trên cho thấy chị bị nhiễm trùng nặng ngoài da, nếu không điều trị đến nơi đến chốn, khả năng bị viêm não hoặc màng não cao.
Tại các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, website... có hàng trăm nghìn bài viết rao bán sản phẩm từ tế bào gốc, đặc biệt là trong lĩnh vực làm đẹp.
Giá các loại tế bào gốc này được giới thiệu bằng cách truyền thẳng vào tĩnh mạch từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Đa số được quảng cáo có thành phần nhau thai, màng ối, cuống rốn... các kiểu.
Tại một cửa hàng online rao bán và quảng cáo loại "tế bào gốc" chỉ có giá 20.000 đồng/lọ chuyên dùng trị mụn, trắng da, trị nám...
Khi được thắc mắc về thành phần và giấy chứng nhận, người bán ậm ờ không nắm và không biết được thành phần gì, chỉ khẳng định chiết xuất từ tế bào được sản xuất từ Trung Quốc.
Không chỉ trong lĩnh vực làm đẹp, nhiều cơ sở còn quảng cáo tế bào gốc chữa được bách bệnh, kể cả ung thư giai đoạn muộn. TS. BS Phạm Nguyên Quý, chuyên ngành Ung thư, Đại học Kyoto, Nhật Bản, cho biết ngày nay nhiều người đến các cơ sở y tế tiêm tế bào gốc, thậm chí có trường hợp tự mua để tiêm trực tiếp vào cơ thể. Nhiều gia đình chi hàng tỷ đồng đưa người thân ra nước ngoài tiêm tế bào gốc chữa ung thư.
Theo bác sĩ Quý, tình trạng này khá phổ biến trong những năm gần đây, một phần do công dụng của tế bào gốc được quảng cáo phóng đại, không được kiểm soát. Người bán lợi dụng tâm lý người bệnh muốn tìm liệu pháp chữa lành ung thư, ngăn ngừa tái phát hoặc khôi phục sức khỏe. Luận điểm người bán đưa ra là "điều trị bằng hóa chất sẽ tiêu diệt các tế bào khỏe nên cần bổ sung tế bào gốc để cơ thể phục hồi".
"Đây thực chất là chiêu lợi dụng nỗi sợ người bệnh để trục lợi", bác sĩ nói, thêm rằng hiện chưa có nghiên cứu khẳng định việc bổ sung tế bào gốc tràn lan có hiệu quả với sức khỏe, đặc biệt là chữa khỏi ung thư như quảng cáo.
Tế bào gốc không phải chìa khóa vạn năng
Ở hội nghị tế bào gốc lần thứ 11 do Hội Tế bào gốc TP.HCM tổ chức, thạc sĩ-bác sĩ Lê Thị Bích Phượng, Phó chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM (phụ trách mảng ứng dụng tế bào gốc) chia sẻ: coi tế bào gốc như một công cụ điều trị thì nếu đúng chỉ định, đúng người bệnh và đúng về cơ chế bệnh sinh thì tế bào gốc sẽ phát huy được hết vai trò. Còn nếu hiểu tế bào gốc giống như một công cụ vạn năng, tức đã “thần thánh hóa”, nếu quá trông cậy vào tế bào gốc thì có thể thất bại trong điều trị vì đã định nghĩa sai ngay từ đầu.
Tại hội nghị, Chuyên gia về tế bào gốc PGS-TS-BS Nguyễn Đình Tùng cho rằng, ai là người chỉ định sử dụng tế bào gốc là rất quan trọng, nó quyết định liệu pháp điều trị. Hiện nay chúng ta đang làm theo quy định của Bộ Y tế, chỉ làm ở cơ sở được phép và theo tiêu chuẩn của FDA (Mỹ).
Khi được hỏi về thị trường tế bào gốc bát nháo, làm sao người dân phân biệt được tế bào gốc thật và giả? Theo bác sĩ Phượng, khi sử dụng tế bào gốc trên người bệnh thì phải có bộ tiêu chuẩn cơ sở của sản phẩm. Tiêu chuẩn đó được Hội Tế bào gốc thế giới định nghĩa rõ, trước khi đưa vào người bệnh, đầu tiên phải đảm bảo an toàn.
“Khi đến một cơ sở nào đó để được tư vấn điều trị tế bào gốc thì người dân hãy là một khách hàng thông thái. Hãy hỏi tiêu chuẩn cơ sở nào để nhận biết đó có phải là tế bào gốc? Quá trình sản xuất tế bào gốc như thế nào? Cơ chế của tế bào gốc đánh vào bệnh đó như thế nào? Ức chế miễn dịch, ức chế viêm hay tăng sinh, tái tạo… ra sao? Nếu nhà lâm sàng chỉ định đúng bệnh và trả lời được những câu hỏi đó thì có thể tin được”, bác sĩ Phượng trả lời.
Tế bào gốc – Hiểu sao cho đúng
Tế bào gốc chia làm các loại cơ bản sau: tế bào từ phôi, tế bào máu cuống rốn, tế bào trưởng thành... Trong các loại này, tế bào gốc phôi mạnh nhất, có chức năng trở thành mọi loại tế bào trong cơ thể.
Hiện nay tế bào gốc đã và đang được nghiên cứu đưa vào cấy ghép để mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho y học, như:
- Giúp làm tăng hiểu biết về cơ chế của bệnh lý
Khi xem tế bào gốc trưởng thành có trong cơ tim, xương, mô, cơ quan, dây thần kinh, các nhà nghiên cứu sẽ hiểu rõ hơn về các những bệnh lý liên quan cùng tình trạng phát triển của bệnh.
Tế bào gốc máu cuống rốn được lấy rất dễ dàng, không gây đau đớn cho bé
- Tạo ra tế bào khỏe mạnh thay thế cho tế bào mắc bệnh
Có thể phát triển tế bào gốc thành những loại tế bào cụ thể như: thần kinh, máu, cơ tim... và đem chúng sử dụng với mục đích sửa chữa và tái tạo mô hư hỏng hay bị bệnh trong cơ thể con người. Theo đó, nhóm người được hưởng nhiều lợi ích nhất từ liệu pháp tế bào gốc là người mắc các bệnh: đột quỵ, tim, viêm xương khớp, ung thư, bỏng, xơ cứng teo một bên cơ, tiểu đường tuýp 1, Parkinson, bị chấn thương cột sống, Alzheimer, ...
- Thử nghiệm hiệu quả cùng độ an toàn của một số loại thuốc
Trước khi đem thử nghiệm thuốc ở người, có thể dùng một số tế bào gốc để kiểm tra chất lượng và độ an toàn của thuốc. Ví dụ như: dùng tế bào thần kinh để thử nghiệm thuốc cho người mắc bệnh thần kinh. Thông qua xét nghiệm, các nhà nghiên cứu sẽ thấy được loại thuốc mới thử nghiệm có gây ra ảnh hưởng nào đến tế bào không, có làm tổn hại cho tế bào không, ...
Ngày nay, phương pháp cấy ghép tế bào gốc đã được các bác sĩ thực hiện tương đối thành công. Theo đó, các tế bào gốc sẽ thay thế cho tế bào bị tổn thương do bệnh, hóa trị hoặc giúp chống lại một số bệnh về máu, bệnh ung thư. Những ca cấy ghép này thường dùng tế bào gốc máu cuống rốn hoặc tế bào gốc trưởng thành.
Tế bào gốc là một triển vọng trong tương lai của y học. Tuy nhiên, nếu người dân có ý định dùng tế bào gốc chữa bệnh, phải tìm đến các bệnh viện có chuyên khoa uy tín, được cấp phép chức năng điều trị bằng phương pháp này để tránh bị lừa gạt.
XEM THÊM:
- Cạn vật tư y tế, bệnh viện Việt Đức hạn chế phẫu thuật từ 1/3
- Phát hiện 2 ổ dịch thủy đậu tại trường học – Y tế Hà Nội khẩn trương ứng phó