Theo thông báo từ bệnh viện Việt Đức, từ ngày 1/3 bệnh viện bắt đầu dừng mổ phiên để dành hóa chất, vật tư y tế cho những ca cấp cứu.
Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết hiện một số hóa chất tồn kho phục vụ xét nghiệm cấp cứu đã sắp hết và việc đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc chưa thể thực hiện được.
“Tuy nhiên nếu bệnh nhân vẫn đến thì bệnh viện vẫn tiếp nhận và sắp xếp để đủ hóa chất sẽ mổ. Sau khi bệnh viện công bố dừng mổ phiên thì lượng bệnh nhân đến không tăng. Hằng ngày lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Đức khám không nhiều như Bệnh viện Bạch Mai vì ở đây mổ là chính, bệnh nhân đến đây đã được lọc qua các bệnh viện tuyến dưới. Hiện nay bệnh viện vẫn hoạt động bình thường”.
Trường hợp bệnh viện công bố dừng mổ phiên nhưng bệnh nhân vẫn đến bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về tình hình của bệnh viện. Nếu bệnh nhân chấp nhận ở lại chờ thì bệnh viện sẽ thu xếp lịch mổ khi có hóa chất, vật tư y tế. “Nếu bệnh nhân đi nơi khác là quyền của họ”, GS Giang nói.
Bắt đầu từ 1/3 sẽ hạn chế mổ phiên, chỉ dành cho mổ cấp cứu. Giám đốc Bệnh viện Việt Đức thông tin, luật cho phép nếu trong trường hợp khẩn cấp có thể mua hóa chất, vật tư y tế để cứu người theo hình thức chỉ định thầu, còn mổ phiên thì không áp dụng hình thức đó được. “Bệnh viện cũng không chấp nhận để người nhà bệnh nhân mua vật tư y tế, hóa chất từ ngoài vào mổ vì liên quan đến sự an toàn, tính mạng con người”, GS Giang cho biết thêm.
“Chúng tôi sẽ ưu tiên cho mổ cấp cứu. Bác sĩ lâm sàng sẽ đánh giá đúng tình trạng cấp cứu của người bệnh, để hồi sức, mổ cấp cứu theo quy định. Đồng thời cân nhắc ra chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các khoa xét nghiệm trước khi ra chỉ định. Với trường hợp cấp cứu, yêu cầu hồ sơ bệnh án phải ghi đầy đủ tình trạng cấp cứu của người bệnh để ra chỉ định mổ cấp cứu”, GS Giang nói.
Tại sao bệnh viện thiếu hóa chất, vật tư y tế?
Tình trạng thiếu thuốc xảy ra tại nhiều bệnh viện từ giữa năm 2022. Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Y tế đã nhiều lần chỉ đạo giải quyết, nhưng gần đây nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy tiếp tục xảy ra tình trạng này. Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu do không đủ máy móc, hóa chất xét nghiệm.
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cho một bệnh nhân
Nguyên nhân của tình trạng trên là do những vướng mắc trong cơ chế đấu thầu, mua sắm khiến các bệnh viện bị "trói tay".
Chính phủ đã nhiều lần họp với Bộ Y tế và các Bộ ngành, cơ sở y tế để gỡ khó. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Y tế rà soát vướng mắc, trình Chính phủ ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế đảm bảo thuốc, thiết bị, hóa chất xét nghiệm đủ để phục vụ nhân dân.
Trong công điện chiều 25/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị tại một số bệnh viện trong quý I/2023, tránh đùn đẩy, không dám chịu trách nhiệm.
Cụ thể, với tình trạng thiếu vật tư y tế hóa chất, Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó đề xuất tiếp tục gia hạn giấy phép trang thiết bị y tế (đã hết hiệu lực) để thông quan ngay các lô hàng nhập khẩu. Nếu dự thảo được áp dụng, các lô vật tư, thiết bị y tế được nhập từ đầu năm sẽ được thông quan ngay từ 1/3, tháo gỡ trước mắt tình hình.
Về khó khăn khi đấu thầu một số hóa chất, vật tư tiêu hao chỉ có một nhà cung cấp, trong khi quy định phải có báo giá của ba nhà cung cấp làm căn cứ xác định giá, Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án tháo gỡ, cho phép đấu thầu những hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế chỉ có một nhà cung cấp.
Với vướng mắc từ thanh toán bảo hiểm y tế cho những dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy mượn, máy đặt, Bộ Y tế đã hoàn thiện nghị định sửa đổi Nghị quyết 144 để cho phép các bệnh viện tiếp tục triển khai hình thức này, chấm dứt tình trạng thiếu hóa chất xét nghiệm.
Sau cùng, người chịu thiệt thòi lớn nhất chính là bệnh nhân
Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt của Bộ Y tế, trung tâm ngoại khoa hàng đầu khu vực phía Bắc. Từ năm 2022 đến nay, bệnh viện thực hiện hơn 79.000 ca mổ. Mỗi ngày bệnh viện có khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, điều trị, chờ phẫu thuật. Bệnh viện dừng mổ phiên sẽ khiến việc điều trị của bệnh nhân bị chậm trễ, có thể làm nhiều bệnh lý nặng lên, sau cùng, bệnh nhân là người chịu thiệt thòi nhất.
Ngay khi nghe được thông tin bệnh viện hạn chế mổ, nhiều bệnh nhân đã tranh thủ tới bệnh viện mong được sắp xếp mổ sớm. Sáng 28/2, hàng trăm bệnh nhân cùng người nhà đứng, ngồi tại khu vực khám bệnh để chờ đợi đến lượt. Ngồi ở ghế đầu, ngay cửa phòng khám, bà Mai 52 tuổi, quê Nam Định, thấp thỏm chờ bác sĩ gọi đến lượt. Bà bị thoái hóa khớp gối, gần đây đau nhiều, do công việc buôn bán bận rộn nên vẫn trì hoãn mổ. Biết tin bệnh viện Việt Đức sẽ hạn chế mổ phiên, bà rất hoang mang, dừng lại mọi công việc để lên khám xem có được bác sĩ cho mổ sớm không.
Tại khu khám chuyên khoa chấn thương chỉnh hình hay khu cột sống, các bệnh nhân đều chung tâm lý lo lắng "không được mổ". Chị Hằng 35 tuổi, đưa mẹ từ Nghệ An ra khám cột sống, đã chuẩn bị đủ tư trang sẵn sàng, song bác sĩ nói "muốn mổ phải chờ, nếu muốn sớm có thể sang bệnh viện khác".
Nhiều người nhà bệnh nhân chia sẻ rằng bình thường đi khám, có chỉ định mổ thì cũng phải chờ trung bình một tuần. Nay, bệnh viện còn hạn chế thì không biết đến khi nào mới đến lượt.
XEM THÊM:
- Rút máu cứu sống người bệnh 91 tuổi mắc chứng đa hồng cầu hiếm gặp
- Báo động: Gần 5 triệu trẻ em Việt Nam đang bị thừa cân, béo phì!