Chiều ngày 12/6, theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), người vợ trong vụ cả nhà nhập viện sau khi ăn nấm xào mướp đã tử vong tại nhà. Trước đó, người chồng cũng không thể qua khỏi do ngộ độc quá nặng.
Cùng ăn nấm hái trong rừng, người chồng và vợ đã lần lượt tử vong, riêng người con gái 17 tuổi đã cải thiện
Cả gia đình ngộ độc sau khi ăn nấm
Theo thông tin ghi nhận, cách thời điểm nhập viện khoảng 3 - 4 ngày, gia đình bệnh nhân đã hái nấm và xào với mướp ăn. Người chồng ăn nhiều nhất với khoảng nửa phần nấm xào mướp, người vợ và con gái ăn phần còn lại.
Từ 8 - 12 giờ sau, lần lượt 3 người có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, tiêu lỏng rất nhiều, mức độ ngày càng nặng hơn. Họ được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong quá trình di chuyển, người chồng khó thở, suy hô hấp, được đặt nội khí quản, bóp bóng, nhưng vẫn tử vong tại khoa Cấp cứu của bệnh viện.
Người vợ và con gái được chuyển lên khoa Bệnh nhiệt đới trong tình trạng suy gan gấp, men gan tăng rất cao kèm theo rối loạn đông máu.
Sau 3 ngày điều trị tại khoa, người vợ được gia đình xin về và mất tại nhà.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân - phó khoa Bệnh nhiệt đới - cho hay theo thông tin bệnh nhân, đây là lần thứ 2 gia đình ăn loại nấm này. Lần đầu tiên ăn thấy bình thường, không bị gì nên năm nay gia đình tiếp tục ăn.
"Thông thường, các trường hợp bị ngộ độc nấm sẽ diễn biến rất nhanh, có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, người dân nếu có các triệu chứng ngộ độc nghi ngờ do nấm gây ra thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Thủy Ngân cảnh báo.
Trước đó vào cuối tháng 5, một người đàn ông ở tỉnh Bình Thuận cũng được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng ngộ độc nặng, sau khi ăn nấm mọc trên xác ve sầu. Bác sĩ cho biết, ngộ độc trong tình huống này chỉ có thể xử lý theo triệu chứng, không có thuốc giải đặc hiệu để điều trị.
Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 27/5 sau khi ăn nấm lạ hái từ trên núi xuống, 4 người dân đã đau bụng dữ dội, nôn ói, liên tục đi ngoài, phải nhập viện cấp cứu.
Không nên tự ý ăn nấm rừng
Mùa mưa là thời điểm nấm phát triển tốt, nhiều người ăn nên hay xảy ra các vụ ngộ độc. Bác sĩ khuyến cáo do không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc nên người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại để ăn.
Thế giới hiện ghi nhận hơn 5.000 loại nấm, trong đó có khoảng 100 loài nấm độc - khó phân biệt. Quá trình cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém, tỷ lệ tử vong rất cao (trên 50%).
Các dấu hiệu ngộ độc nấm xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6 đến 40 giờ, thường từ 12-18 giờ. Triệu chứng là buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu. Trường hợp nặng gây viêm gan, mệt mỏi, hôn mê sâu, xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu), suy đa tạng và tử vong.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo cách phòng ngừa và xử trí khi bị ngộ độc nấm như sau:
Xử trí khi ngộ độc nấm
- Ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời: Rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm.
- Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế.
- Mang mẫu nấm hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.
Dự phòng ngộ độc nấm
- Xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến lúc có triệu chứng ngộ độc nấm: Nếu dưới 6 tiếng: Điều trị ở xã, huyện; nếu hơn 6 tiếng gửi bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh nơi có điều kiện lọc máu.
- Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được.
- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc), đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.
- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.
- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.
- Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.
- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
XEM THÊM:
- Dốc ngược trẻ đuối nước – Sơ cứu cách này là hại con
- Đổ bệnh vì Hà Nội cắt điện ngày nóng – Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm