BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng, đặc biệt nhiều trẻ mắc bệnh nhập viện trễ gây biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa và suy đa cơ quan.
Trẻ mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
Nhiều trẻ sốt xuất huyết nặng đang được điều trị
Bệnh nhi C.B.P.L.C. 8 tháng tuổi (nữ, ngụ ở Đồng Tháp) có bệnh sử 3 ngày với các triệu chứng như sốt cao liên tục, không nôn ói, không đau bụng. Tuy nhiên, tới ngày thứ 4 bệnh nhi bắt đầu sốt cao, nôn ói 4 lần, tay chân lạnh. Bệnh nhi được cho nhập bệnh viện địa phương và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết dengue.
Trẻ được điều trị theo phác đồ chống sốc tại bệnh viện địa phương 3 ngày nhưng tình trạng bé diễn tiến ngày càng nặng, sốc kéo dài, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp. Bệnh nhi được chống sốc tích cực, đặt nội khí quản thở máy, truyền các chế phẩm máu và được chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố do tổn thương gan nặng.
Tại đây, bé tiếp tục được hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh rối loạn đông máu, kiềm toan, điều trị hỗ trợ gan và được tiến hành lọc máu liên tục 3 đợt, tình trạng bé C. cải thiện dần chức năng gan thận trở về bình thường, không cần sử dụng máy thở, tỉnh táo, bú tốt.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi 11 tuổi L.H.V. (nữ, ngụ tại Long An, cân nặng 54 kg, thể trạng béo phì). Bệnh sử sốt 4 ngày, tới ngày bệnh thứ 5 bé được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc sâu. Ngay sau đó, bé được chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trong tình trạng sốc kéo dài, suy hô hấp, rối loạn đông máu và tổn thương gan.
Bệnh nhi H.V. được truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp thở máy, chọc dò dẫn lưu màng bụng giải áp, truyền máu và chế phẩm máu, điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh toan máu. Sau gần 1 tuần điều trị hiện tình trạng bé cải thiện dần và tỉnh táo.
Đây là 2 trong hơn 20 ca bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Theo bác sĩ Tiến, nhiều phụ huynh nhầm tưởng trẻ sốt do tay chân miệng hoặc cảm cúm, không theo dõi kỹ, dẫn đến trẻ nhập viện trễ gây ra biến chứng nặng.
BS Tiến khuyến cáo, sốt xuất huyết có thể tấn công trẻ nhũ nhi (những bé từ 1 tháng- 1 năm tuổi), một số trường hợp biểu hiện không điển hình như sốt nhẹ vừa, không liên tục lại kèm ho sổ mũi hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói... Những triệu chứng này dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng, dễ bị bỏ sót không theo dõi sốt xuất huyết. Trẻ không biết nói hoặc không biết diễn tả triệu chứng nên phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng.
Phát hiện sớm sốt xuất huyết giúp phòng ngừa biến chứng nặng
“Chìa khóa” phát hiện sớm sốt xuất huyết, phòng ngừa biến chứng nặng
TS. BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chia sẻ, triệu chứng sốt xuất huyết thường bị nhầm lẫn với các bệnh như sốt, cảm hoặc sốt phát ban đỏ, sốt siêu vi, COVID-19...Chính vì vậy, “chìa khóa” để phát hiện bệnh chính là nhận biết cơn sốt ở trẻ.
Theo bác sĩ Tuấn, đặc điểm sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột, thường là từ 39-40 độ C kèm theo dấu hiệu da xung huyết và ửng đỏ, người bệnh thường mệt mỏi, buồn nôn, ăn uống kém. Sang ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, người bệnh có biểu hiện xuất huyết tự nhiên trên cơ thể như: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu cam, ói ra máu, phân đen hoặc là xuất huyết âm đạo bất thường ở bé gái tuổi dậy thì.
Còn đối với Covid-19, triệu chứng thường là sốt nhẹ nhưng nổi bật lại là các triệu chứng đường hô hấp như: Ho, hắt hơi, đau họng, sổ mũi...
Riêng đối với bệnh tay chân miệng thì chỉ sốt nhẹ 37,5-38 độ, nổi bật là bệnh gây ra các tổn thương hồng ban, bóng nước ở vị trí lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở gối, ở mông bên cạnh là các vết loét bóng nước ở miệng...
Cũng theo TS. BS Nguyễn Minh Tuấn, ở trong giai đoạn đầu nếu chỉ phát hiện sốt mà không chú ý triệu chứng đi kèm thì chúng ta rất dễ nhầm sốt xuất huyết với các loại sốt khác. Ở người bị sốt xuất huyết, thường ngày thứ 3 trở đi người bệnh mới bắt đầu có khuynh hướng biểu hiện dấu hiệu chấm xuất huyết trên cơ thể như các nốt chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam...
"Nếu người bệnh không có các nốt chấm xuất huyết ngoài, để biết có bị sốt xuất huyết không, chúng ta có thể dùng nghiệm pháp dây thắt để phát hiện sớm dấu hiệu xuất huyết. Theo đó, chúng ta dùng 1 dây thắt là dây garo hoặc máy đo huyết áp bơm hơi lên và giữ ở vị trí chỉ số huyết áp trung bình ở phần cánh tay rồi thả ra. Sau đó, chúng ta quan sát ở vị trí chỗ dưới quấn băng đo huyết áp ấy có nhiều chấm li ti nổi lên mà đè vào không mất đi, đó là sốt xuất huyết.
Trong khi đó, với những nốt muỗi đốt, vết phát ban khi mà đè căng da xung quanh chúng sẽ mất đi. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác có bị sốt xuất huyết không thì người bệnh nên làm thêm các xét nghiệm ở các phòng khám và bệnh viện".
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo rằng, người bị sốt xuất huyết chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi trên sốt 39 độ C, còn dưới 39 độ C nên uống nước nhiều, lau mát, mặc quần áo thoáng mát.
Người bệnh sốt xuất huyết đặc biệt không nên dùng thuốc Aspirin, Ibuprofen bởi có thể gây viêm loét dạ dày, dẫn đến xuất huyết và giảm tiểu cầu khiến tình trạng sốt xuất huyết nặng hơn.
Người bị bệnh sốt xuất huyết chỉ nên dùng những thuốc hạ sốt an toàn, đó là paracetamol, liều thông thường đối với trẻ nhỏ là 10 - 15 mg/kg/liều, các liều cách nhau ít nhất 4 - 6 giờ, liều dùng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên là 325 - 650 mg cách nhau ít nhất 4 - 6 giờ hoặc 1000 mg cách nhau 6 - 8 giờ.
Bác sĩ Tuấn lưu ý, phụ huynh tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian vì nếu điều trị không đúng cách bệnh nhân có thể tử vong.
XEM THÊM:
- Nguy cơ dịch chồng dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết tại TP. HCM
- Hà Nội: Hàng loạt trẻ viêm phổi do Mycoplasma có nguy cơ tử vong