Cảnh giác trước những “bác sĩ Tiktok” tràn lan trên mạng

Cập nhập: Thứ năm, 27/04/2023

Mục lục [Ẩn]

 

   Tin vào những chia sẻ bắt tai, thần thánh hóa hiệu quả điều trị, không ít bệnh nhân trở thành "con mồi" của các bác sĩ Tiktok tự phong trên mạng xã hội và nhận kết đắng tiền mất, tật mang.

 

Mũi cô gái bị biến chứng nặng sau khi làm đẹp với "bác sĩ tiktok"

Mũi cô gái bị biến chứng nặng sau khi làm đẹp với "bác sĩ tiktok"

 

Liên tiếp nhập viện vì “bác sĩ Tiktok”

   Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 31 tuổi tên N. trong tình trạng tai biến thẩm mỹ rất nặng.

   Theo chia sẻ của bệnh nhân, chị theo dõi trên Tiktok và thấy tài khoản tên Hồ Phi Nhạn, có hàng ngàn người theo dõi, tự nhận mình là bác sĩ thẩm mỹ. Kênh này thường xuyên đăng tải các clip sửa mũi, làm đẹp, chỉnh sửa mũi hỏng, với lời quảng cáo thay đổi diện mạo hấp dẫn.

   Sau đó, N tìm đến một cơ sở thẩm mỹ viện trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TPHCM) để gặp "bác sĩ Tiktok". Qua tư vấn, cô gái chấp nhận để bác sĩ nâng mũi cấu trúc và đặt sụn mũi, làm trụ mũi cho mình, với giá 100 triệu đồng.

   Tuy nhiên, sau 3 tuần tái khám, mũi không thẳng mà 2 bên cánh mũi lõm vào, đầu mũi co rút rất nặng.

   Cô tiếp tục được bác sĩ sửa mũi tiêm collagen để mũi sớm đầy đặn lại. Và chỉ sau tiêm vài tiếng mũi của cô đã bị sưng đỏ, sau đó chuyển dần sang màu tím đen.

   Bác sĩ thực hiện lại giải thích "không sao, chừng vài ngày sẽ hết", nhưng tình trạng càng lúc càng nặng nề. Cô đi khám nơi khác thì mũi đã hoại tử nặng.

   Không chỉ chị N, N.K.C sinh viên Trường ĐH Văn Lang, từng bắt chước làm theo lời khuyên của một "bác sĩ TikTok". Theo người này, trước khi trang điểm nên bôi kem dưỡng da chứa calamine lên khắp mặt để làm khô da nhờn, chữa sẹo mụn và giữ lớp trang điểm lâu trôi.

   Và nữ sinh này đã nhận cái kết đắng ngắt khi da trở nên sần sùi. Khi đi khám, bác sĩ da liễu cho biết lời khuyên của "người tỏ ra hiểu biết về da liễu trên TikTok" kia chỉ có hại chứ không có lợi, vì dẫn đến nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng da và bị tổn thương da lâu dài.

   Trao đổi về vấn đề này, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TW cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân là nạn nhân của các “bác sĩ Tiktok”.

   “Năm nay, có nhiều bệnh nhân nhập viện do phản ứng viêm, nổi u hạt sau tiêm mesotherapy - tế bào gốc được quảng cáo làm căng bóng, trắng sáng da. Lứa tuổi vào cấp cứu do gặp biến chứng nhiều nhất là 20-30 và việc điều trị rất khó khăn. Có những trường hợp nhiễm trùng không tìm ra vi khuẩn điển hình nên phải điều trị phản ứng viêm, kháng sinh… rất mất thời gian” – Bác sĩ Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu TW cho hay.

   “Rất ít bệnh nhân khi xuất hiện biến chứng đến viện ngay mà thường tự điều trị hoặc quay lại nơi làm đẹp, sau khi không đỡ mới đến viện. Sai lầm này khiến tình trạng của bệnh nhân tăng nặng, gây khó khăn khi điều trị. Để làm đẹp an toàn, người dân cần lựa chọn cơ sở y tế được cấp phép, thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn can thiệp thẩm mỹ” - BS Hà khuyến cáo.

 

Xử phạt “bác sĩ Tiktok” hành nghề chui trên mạng

   Vừa qua, Sở Y tế TP.HCM vừa quyết định xử phạt bác sĩ Hồ Phi Nhạn – bác sĩ “Tiktok” 94,5 triệu và đình chỉ hoạt động 18 tháng cơ sở phòng khám với nhiều sai phạm

 

Bác sĩ Hồ Phi Nhạn, Thẩm mỹ viện Natural

Bác sĩ Hồ Phi Nhạn, Thẩm mỹ viện Natural

 

   Ngày 26/4, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, vừa có quyết định xử phạt ông Hồ Phi Nhạn (Thẩm mỹ viện Natural, 658 Lê Hồng Phong, phường 10, quận 10) 94,5 triệu đồng vì cung cấp và quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (như thuốc, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, gạc y tế... với tổng giá trị lô hàng gần 14 triệu đồng).

   Đồng thời Sở Y Tế đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở trong thời hạn 18 tháng; tịch thu tang vật vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo khi chưa có giấy phép.

   Trước đó, bác sĩ Nhạn đã thực hiện đăng tải các clip sửa mũi với lời quảng cáo thay đổi diện mạo hấp dẫn trên Tik Tok thu hút chị em đến làm đẹp sửa mũi. Sau khi một bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ làm đơn lên cơ quan chức năng, đoàn thanh tra phát hiện cơ sở của bác sĩ Nhạn không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, nhưng vẫn ngang nhiên hành nghề thẩm mỹ và quảng cáo trên mạng.

 

Cảnh báo: nghe lời "bác sĩ TikTok" dễ phải đi gặp bác sĩ thật

   Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Quang, khoa khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, trên TikTok hiện nay có nhiều TikToker thực hiện những video về y tế để thu hút người theo dõi và họ tự xưng là "bác sĩ". Dù không có chuyên môn, nhưng họ vẫn... tự tin đưa ra những lời khuyên thiếu căn cứ khoa học. "Đáng buồn là nhiều người vẫn tin sái cổ vào những lời khuyên ấy ", ông Quang nói.

   "Có một thực tế là nhiều người vẫn tin tưởng tuyệt đối vào những lời tư vấn của các "bác sĩ tự xưng" trên TikTok. Thậm chí, rất nhiều video chữa bệnh của những "bác sĩ TikToker" này được chia sẻ nhiều, thu hút rất đông lượt xem. Điều này là quá nguy hiểm, vì nếu nghe theo có thể rước hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe", ông Quang nhìn nhận.

   Theo ông Quang, khi có vấn đề về sức khỏe, người dân nên đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế để được các bác sĩ khám, chữa bệnh, chẩn đoán chính thức. Tuyệt đối không nghe theo những lời khuyên của những người tự xưng là bác sĩ trên TikTok. "Tôi cũng mong một số người dùng TikTok đừng vì câu view mà tự nhận mình là bác sĩ, để phán bậy, phán bừa những điều liên quan đến sức khỏe con người".

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Chương trình khuyến mãi, tích điểm tặng quà