Triển khai kế hoạch tháng an toàn thực phẩm, chiều ngày 25/4, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phát hiện và thu giữ gần 9.400 hộp kem sữa đặc do nước ngoài sản xuất quá hạn sử dụng (tương đương gần 10 tấn) cùng 30.000 cây kem thành phẩm trên bao bì ghi “Công ty CP Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10".
Kem thành phẩm được cơ sở này bán ra thị trường
Kem Tràng Tiền được làm từ sữa đặc hết hạn
Theo đó, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện lô hàng kem sữa đặc có đường do nước ngoài sản xuất đã quá hạn sử dụng ghi trên vỏ hộp và 30.000 que kem thành phẩm. Số hàng hoá trên được phát hiện tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10 (ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) do bà Phạm Thị Ngạn làm Giám đốc.
Bà Ngạn thừa nhận công ty đã mua lô kem sữa hết hạn trên để làm nguyên liệu, số lượng 30.000 kem que là thành phẩm được sản xuất trong ngày. Đối với mỗi que kem thành phẩm, công ty này bán ra thị trường với giá 1.800 đồng.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm gồm 9.360 hộp (1kg/hộp) tương đương 9.360kg; 30.000 que kem thành phẩm. Tổng trị giá lô hàng khoảng 360 triệu đồng.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kế hoạch số 10/KH-QLTTHN triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó lực lượng chức năng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền thực thi pháp luật và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời đấu tranh, ngăn chặn xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, giám sát, hậu kiểm tại các địa bàn trọng điểm. “Việc Đội Quản lý thị trường số 7 phát hiện doanh nghiệp dùng gần 10 tấn sữa hết hạn sử dụng để sản xuất kem là hoạt động thiết thực ngăn chặn hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ”- ông Hùng nhấn mạnh.
Mới đây, ngày 24/4, lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp lực lượng Công an tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh có địa chỉ tại thôn 2, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), phát hiện, tạm giữ tại địa điểm kinh doanh trên 840kg trứng non gia cầm đông lạnh, 40kg nầm động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm dịch động vật, có hiện tượng bốc mùi khó chịu...
Qua khai thác được biết, chủ cơ sở là bà Cấn Thị Hồng (sinh năm 1992 trú tại thôn 2, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ). Hiện, lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2023
Hà Nội xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm
Ngày 12/4, UBND TP Hà Nội đã phát động hưởng ứng "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" (ATTP) diễn ra từ ngày 15/4-15/5/2023 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Cũng tại lễ phát động, đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết: "Tháng hành động vì ATTP được Chính phủ phát động từ năm 1999. Trải qua 24 năm phát động, công tác đảm bảo an ninh, ATTP luôn được quan tâm, chú trọng. Bởi an ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, tác động lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe Nhân dân, chất lượng giống nòi của cả dân tộc.
Mục tiêu của Tháng hành động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm cũng yêu cầu công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.
Cùng với đó, công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.
Trong quá trình kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
XEM THÊM:
- Phát hiện hóa chất “vĩnh cửu” trong bao bì thực phẩm
- Máu trắng như sữa vì uống thuốc giảm cân thần tốc