Sau bữa ăn xế bằng sữa chua tự làm tại trường, 76 học sinh mầm non ở xã Thuận Sơn (Huyện Đô Lương, Nghệ An) phải nhập viện vì có các biểu hiện ngộ độc thực phẩm.
Nhiều trẻ nhỏ phải vào trạm Y tế xã Thuận Sơn điều trị trong đêm.
Theo đó, đêm 09/5 các phụ huynh trường Mầm non Thuận Sơn hoang mang, lo lắng khi hàng chục học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn sau khi đi học về.
Sau khi xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, có 21 học sinh được đưa đến Trạm Y tế xã Thuận Sơn, có 55 em có biểu hiện nặng hơn được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Huyện Đô Lương cấp cứu và điều trị.
Được biết, có 2 bé không ăn sữa chua nên không có biểu hiện bị ngộ độc, vì vậy có thể nguyên nhân gây ngộ độc là do sữa chua. Về quy trình của nhà trường thì không có gì sai. Chỉ là khâu lên men làm sữa chua có lẽ chưa được chuẩn lắm... - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đô Lương - Nguyễn Tất Tây cho biết.
Đến sáng 10.5, theo ông Tây, toàn bộ số học sinh này đã ổn định, hết nôn, hết đau bụng, tỉnh táo, ăn uống tốt.
Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã lấy mẫu sữa chua để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một giải pháp quan trọng trong bảo đảm an toàn thực phẩm
Bài học rút ra từ những vụ ngộ độc tại trường học
Ngộ độc thực phẩm trong nhà trường không phải hiếm trong thời gian gần đây. Đầu tháng 3 năm nay, gần 60 em học sinh tại trường Tiểu học Kim Giang, Thanh Xuân-Hà Nội bị ngộ độc tại bếp ăn trường học. Hay sự việc xảy ra tại trường iSchool Nha Trang, đã có hơn 800 học sinh bị ngộ độc, điều đau xót là đã có một em học sinh tử vong. Nguyên nhân do thực phẩm chiên bị nhiễm khuẩn, theo các chuyên gia việc nhiễm khuẩn này có thể xảy ra sau khi chế biến món ăn.
Sau khi những sự việc đáng tiếc này xảy ra, dư luận không khỏi lo lắng về tình trạng vệ sinh thực phẩm ở các trường học. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn trường học nói riêng và người dân nói chung cần rút ra bài học kinh nghiệm và có các giải pháp để phòng tránh việc ngộ độc thực phẩm bằng một số cách như:
- Chọn thực phẩm tươi, sạch; thực hiện ăn chín, uống chín; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiu; rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến. Đối với rau củ cũng phải được rửa sạch, tối thiểu ba lần dưới nước sạch.
- Cất thực phẩm vào tủ đá nếu để lâu.
- Không sử dụng lại các loại thực phẩm để lâu ngày, thực phẩm đã có dấu hiệu thay đổi về mùi, màu sắc... so với ban đầu.
- Không sử dụng các loại thực phẩm được khuyến cáo có khả năng chứa chất độc, các loại thực phẩm lạ.
- Chọn mua các loại thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin trên nhãn, thông tin liên quan đến thực phẩm.
- Nên chọn thực phẩm mùa nào ăn thức ấy.
- Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt ở các bếp ăn tập thể phải kiểm soát được từ khâu thu mua thực phẩm, quá trình lưu trữ, việc chế biến.
- Bữa ăn phải đáp ứng tiêu chí an toàn thực phẩm, đảm bảo đủ dinh dưỡng và ngon miệng.
- Phải tuyển dụng và đào tạo nhân sự chuyên trách thường xuyên kiểm tra về an toàn và phải xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm trong trường học.
- Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm vệ sinh cá nhân, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, bảo quản đối với các thực phẩm cung cấp cho học sinh, chỉ cho phép sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo quản ở điều kiện phù hợp theo yêu cầu.
- Cuối cùng, các cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm; triển khai công tác kiểm tra, hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn trường học về điều kiện an toàn thực phẩm.
Câu nói " Bệnh từ miệng vào" vẫn còn nguyên giá trị, nhất là khi tình trạng an toàn thực phẩm vẫn là một nỗi canh cánh không chỉ với học sinh mà với toàn xã hội. Giải quyết nỗi lo này không thể đặt riêng trách nhiệm cho một cơ quan, một cá nhân nào mà đòi hỏi ý thức vào cuộc của cả cộng đồng.
XEM THÊM: