Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, thường xuất hiện ở những người cao tuổi, đặc biệt là nhiều bệnh lý nền như huyết áp cao, tiểu đường,... Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ, thậm chí còn có phần khó lường và khó phòng ngừa hơn so với người lớn.
Mới đây, một bé gái 8 tuổi tại Phú Thọ đã nhập viện và được chẩn đoán là mắc đột quỵ. Đây chính là điều mà các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm và thận trọng!
Bé gái 8 tuổi tại Phú Thọ nhập viện do đột quỵ (ảnh minh họa)
Bé gái 8 tuổi bị đột quỵ không rõ nguyên nhân
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận một trường hợp bé gái 8 tuổi được chẩn đoán bị đột quỵ không rõ nguyên nhân. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bé có hiện tượng nhồi máu não nhân bèo trái, kèm theo liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải.
Khai thác tiền sử, bệnh nhi có biểu hiện co giật đột ngột, không thể tự mặc quần áo sau khi tắm. Trước đây, bé vốn khỏe mạnh, không mắc vấn đề gì về tim mạch, mọi sinh hoạt, đi học đều bình thường.
Sau khoảng 9 ngày điều trị, bé được chuyển về Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để tiếp tục điều trị phục hồi. Khi mới bắt đầu tập phục hồi, bệnh nhi còn tình trạng méo miệng, chưa nói tròn vành rõ chữ, yếu nửa thân bên phải, đi lại, cầm nắm đồ vật còn khó khăn, không thể tự đánh răng, rửa mặt, buộc tóc hay viết chữ.
Sau khoảng 10 ngày, bệnh nhi có sự hồi phục đáng kể, miệng trở về như ban đầu, nói chuyện rõ tiếng hơn, ăn uống không bị rơi vãi, tự đi lại, đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo, viết chữ được, nửa thân bên phải đã có lực hơn trước.
Đột quỵ ở trẻ em cũng nguy hiểm như người lớn
Trường hợp bé gái 8 tuổi ở Phú Thọ bị đột quỵ là một ca bệnh rất may mắn, khi bé được điều trị kịp thời, không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đều may mắn được như vậy.
Năm 2022, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cũng từng tiếp nhận và điều trị một bé 8 tuổi ở Lục Ngạn, Bắc Giang bị đột quỵ. Khoảng hơn 1 tháng trước, bé có biểu hiện đau đầu, chóng mặt thoáng qua. Tuy nhiên, vài ngày sau, bé bắt đầu có hiện tượng liệt nửa người và dần đi vào hôn mê.
Sau hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình chuyển bé đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị tiếp. Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Chi Viện, Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trực tiếp điều trị cho bé chia sẻ:
“Bệnh nhi được xác định bị đột quỵ nhồi máu não do tắc mạch thân nền, một tình trạng được coi là hiếm gặp. Các bác sĩ đã cố gắng chữa trị và cứu sống được cháu. Tuy nhiên, do đến cơ sở y tế can thiệp hơi muộn, nên đột quỵ sẽ để lại di chứng nặng nề như liệt tứ chi, suy giảm nhận thức khá nhiều, chưa tiếp xúc được ngôn ngữ”.
Cục máu đông được lấy ra khỏi tĩnh mạch não từ bệnh nhi đột quỵ
Sau khi được điều trị với một phác đồ toàn diện và tích cực bằng thuốc, phục hồi chức năng, tâm lý trị liệu, dinh dưỡng,... bệnh nhi đã có dấu hiệu tiến triển tốt hơn trong vận động và nhận thức. Mặc dù vậy, khả năng phục hồi trở lại trạng thái bình thường như trước kia là điều vô cùng khó khăn.
Gia đình bé cho hay, khi đến viện thì cháu bé đã không còn tự xỏ được dép, người cháu yếu, hôn mê, vệ sinh không tự chủ,... Gia đình hoàn toàn không nghĩ đến việc cháu bị đột quỵ. Giá như, gia đình nhận biết được ngay từ đầu và đưa cháu đi viện từ lúc cháu kêu choáng đầu, chóng mặt thì tình trạng của cháu sẽ nhẹ hơn.
Ngoài những trường hợp kể trên, có một số bệnh nhi nhỏ tuổi hơn cũng đã phải nhập viện vì đột quỵ. Năm 2021, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, TP. HCM, đã từng tiếp nhận một bệnh nhi 3 tuổi bị đột quỵ xuất huyết não. Ngay khi bệnh nhi có biểu hiện đau đầu, lơ mơ, liệt nửa người, cha mẹ đã cho đến viện để khám. Nhờ phát hiện và điều trị kịp thời, bé đã được cứu sống và không để lại di chứng gì.
Chuyên gia nói gì về đột quỵ ở trẻ em?
Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, giảng viên Bộ môn Ngoại Thần kinh, Đại học Y dược TP.HCM cho biết, về bản chất, tình trạng đột quỵ ở trẻ em và người lớn là giống nhau.
Tình trạng này đều bắt nguồn từ việc mạch máu não bị tắc nghẽn dẫn đến nhồi máu hoặc chảy máu não. Điều này có thể để lại những di chứng tùy thuộc vùng não bộ bị tổn thương.
Tuy nhiên, nếu như ở người lớn, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây đột quỵ thường là do mắc phải các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch,... Trong khi đó, nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em thường là do dị dạng bẩm sinh mạch máu não, mắc các bệnh tim bẩm sinh hay rối loạn đông cầm máu,...
Do đó, đột quỵ ở trẻ em khó phòng tránh hơn so với người lớn. Cùng với đó, việc chẩn đoán và nhận biết đột quỵ ở trẻ em cũng là một thách thức lớn vì trẻ em không biết cách diễn tả triệu chứng, đặc biệt là khi chưa biết nói.
Ngoài ra, vì đột quỵ ít xảy ra ở trẻ nhỏ, nên nhiều gia đình không nghĩ đến hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Điều này kéo theo việc chẩn đoán bệnh chậm trễ, quá giờ vàng để can thiệp cứu sống các bé.
Chính vì vậy, cha mẹ cần lưu ý khi trẻ than đau đầu dữ dội, nôn ói, méo miệng, nói lắp, nói khó kèm theo co giật hoặc yếu, liệt một bên. Đối với trẻ còn nhỏ, chưa biết nói, các triệu chứng có thể là quấy khóc, nôn vọt sau bú,... Khi có những dấu hiệu này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên khoa nhi để khám, can thiệp và điều trị kịp thời.
Trẻ bị đau đầu, nói khó, nói lắp, méo miệng có thể là dấu hiệu đột quỵ
Hy vọng, bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cần thiết cho quý độc giả về tình trạng đột quỵ ở trẻ nhỏ. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Tự dùng thạch tín chữa bệnh hen, người đàn ông đối diện với ung thư da
- Rùng mình vì dịch vụ “bắt sâu mắt” tại spa