Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận, điều trị cho một trường hợp bé trai 7 tuổi bị nhồi máu não (đột quỵ não). Em được đưa vào cấp cứu với biểu hiện yếu liệt chi, khó nói.
Triệu chứng cảnh báo đột quỵ ở trẻ em là gì?
Bé trai 7 tuổi bất ngờ yếu, liệt tứ chi vì đột quỵ
Theo đó, Bệnh nhi H.Đ.H (7 tuổi, trú tại Tân Sơn, Phú Thọ) được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ trong tình trạng yếu liệt tứ chi kèm theo khó nói. Người nhà cho biết, 5 ngày trước khi vào viện, bé H. bị yếu liệt tứ chi theo cơn ngắn, khó nói nhưng không sốt, không đau đầu, đại tiểu tiện tự chủ. Gia đình đưa bé tới khám tại Trung tâm y tế huyện, được chụp cắt lớp vi tính sọ não nhưng không phát hiện bất thường nên được yêu cầu tiếp tục theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, sau khi ở nhà nhà, trẻ liên tiếp xuất hiện cơn yếu liệt chi dài hơn (khoảng 15-20 phút) kèm theo khó nói, đại tiểu tiện không tự chủ và vận động đi lại và nói chuyện bình thường khi hết cơn yếu liệt
Tình trạng của bệnh nhi ngày càng năng hơn. Đến 18/2, gia đình đưa vào Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ khám trong tình trạng trẻ khó thở nhiều phải thở oxy hỗ trợ, mệt mỏi, tứ chi yếu liệt, cơ lực còn 3/5, khó nói, đại tiểu tiện không tự chủ, có dấu hiệu liệt thần kinh khu trú.
H nhanh chóng được chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não, kết quả cho thấy trẻ bị tổn thương phía trước cầu não. Sau khi hội chẩn với các chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, H. được kết luận trẻ bị nhồi máu nhu mô não, cầu não và thân não và được điều trị chống phù não và dùng thuốc chống đông theo phác đồ.
Sau 20 ngày điều trị, trẻ đã đi lại được bình thường, nói rõ, ăn uống tốt, đại tiểu tiện tự chủ, không sốt, không nôn, không đau đầu. Trẻ được cho xuất viện và hẹn tái khám sau 2 tuần.
Đột quỵ ở trẻ em
Khi nhắc tới đột quỵ, chúng ta thường nghĩ rằng đây là bệnh của người lớn. Tuy nhiên, không ít trường hợp đột quỵ xảy ra ở trẻ em, như trường hợp của em H là một ví dụ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại rất nhiều di chứng nặng nề như rối loạn ngôn ngữ, liệt chân tay, nửa người, liệt cả người, không tự chủ được vận động thông thường, mất kiểm soát đại tiểu tiện do không thể tự chủ…
Một số dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em cần lưu ý là:
Một số dấu hiệu của đột quỵ.
- Trẻ đột ngột than đau đầu dữ dội, chóng mặt hay quấy khóc liên tục kèm theo nôn ói.
- Co giật khi mới khởi phát. Tình trạng co giật ở trẻ em xảy ra khá nhiều, đôi khi đây còn là những dấu hiệu nhận biết đầu tiên.
- Yếu hoặc liệt cơ, khó khăn khi thực hiện những động tác phối hợp. Người lớn có thể yêu cầu trẻ giơ cùng lúc cả hai tay lên để xem một bên tay có bị rũ xuống hay không thể giơ lên không.
- Nói lắp hoặc nói không rõ từng lời, nói khó hiểu.
- Người bệnh cũng có thể bị tê, ngứa, đau tự phát...
Nếu trẻ có những triệu chứng trên phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám cẩn thận.
Trên đây là một số lưu ý về đột quỵ ở trẻ em. Để điều trị đột quỵ nhồi máu não cần phải phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời mới có khả năng cứu sống được bệnh nhân. Nếu trẻ có những triệu chứng trong bài thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám cẩn thận.
XEM THÊM:
- Một sinh viên ở Khánh Hòa hôn mê, diễn biến nặng do nhiễm cúm A/H5
- Ung thư dạ dày trẻ hóa: Nguyên nhân do đâu?