Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí y khoa Neurology, đã phát hiện ngủ ngáy, ngủ quá nhiều hay quá ít đều làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Tiến sĩ Christine McCarthy, nhà khoa học về giấc ngủ, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy các vấn đề về giấc ngủ nên là một lĩnh vực trọng tâm để phòng ngừa đột quỵ. Với những kết quả này, các bác sĩ có thể trò chuyện sớm hơn với những người đang gặp vấn đề về giấc ngủ.”
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Galway, Ireland, đã phân tích dữ liệu từ gần 5.000 người tham gia ở 32 quốc gia, để tìm hiểu các yếu tố gây đột quỵ.
Những người tham gia nghiên cứu trung bình khoảng 62 tuổi, với một nửa trong số này đã bị đột quỵ. Tất cả họ đều được yêu cầu điền vào một bản khảo sát về giấc ngủ bao gồm thời lượng và chất lượng giấc ngủ.
Kết quả cho thấy những người ngủ hơn 9 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp đôi so với những người ngủ đủ 7 tiếng.
Nguy hiểm hơn, người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần.
Thống kê nghiên cứu từ gần 5000 người thì những người ngáy khi ngủ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người không ngáy.
Rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ đột quỵ
Tại sao rối loạn giấc ngủ lại dẫn đến đột quỵ?
Hiện chưa rõ tại sao ngủ quá nhiều lại dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có thể là do các vấn đề sức khỏe khác như thiếu máu, trầm cảm hoặc lối sống ít vận động.
Mặt khác, ngủ quá ít cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ do làm tăng huyết áp, viêm nhiễm, tăng nguy cơ béo phì và tiểu đường loại 2.
Ngáy sinh ra chủ yếu do đường thở vùng hầu họng bị hẹp lại khi ngủ. Ngủ càng sâu thì đường thở càng hẹp, tiếng ngáy càng to và lưu lượng khí vào phổi càng thấp, vì vậy lượng ôxy trong máu cũng xuống thấp. Do ôxy trong máu giảm nên những người này hay bị đột quỵ hơn.
Làm thế nào để phòng tránh đột quỵ?
Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO, đột quỵ - tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây chết người thứ 3 chỉ sau ung thư và tim mạch. Trên thế giới, cứ 40 giây lại có 1 người đột quỵ và cứ 4 phút lại có người chết do tai biến mạch máu não.
Còn tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, một nửa trong số đó không thể qua khỏi và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải đối mặt với các di chứng về thần kinh và vận động…
Mặc dù trên thế giới, chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể ngăn ngừa đột quỵ hoàn toàn. Nhưng thực tế lại cho thấy, chỉ cần rèn luyện cho mình một thói quen tốt, lối sống khoa học, bạn đã có thể phòng ngừa được căn bệnh này.
Ngủ đủ giấc
Từ nghiên cứu trên, các nhà khoa học phát hiện ra rằng bất kỳ triệu chứng rối loạn giấc ngủ nào cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Chính vì vậy, việc đơn giản nhất bạn cần làm đó là ngủ đủ giấc. Ngoài ra, với những người ngủ ngáy cũng cần nên đi kiểm tra sức khỏe để cải thiện vấn đề này.
Tập luyện thể thao, tạo lối sống lành mạnh là phương pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả
Đi bộ
Thể dục thể thao được coi là phương pháp rèn luyện sức khỏe hiệu quả với tất cả các bệnh lý nói chung và đột quỵ nói riêng. Những số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, đi bộ giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ lên đến 2 lần.
Theo các chuyên gia, nếu mỗi ngày đi bộ hoặc leo cầu thang trong khoảng 20 phút bạn sẽ giảm được nguy cơ bị đột quỵ. Bởi thói quen này sẽ giúp máu lưu thông đến tất cả các bộ phận trong cơ thể, tránh việc hình thành những cục máu đông gây ra tai biến mạch máu não.
Chế độ ăn uống khoa học
Không chỉ phòng ngừa đột quỵ mà chế độ ăn uống khoa học cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe. Những người có nguy cơ bị đột quỵ nên bổ sung rau xanh, hoa quả, đặc biệt nên sử dụng dầu olive vào các món ăn thường ngày. Bởi dầu olive là một trong những sản phẩm hữu ích trong việc ngăn ngừa đột quỵ và các bệnh về tim mạch
Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá cũng là “chìa khóa vàng” trong việc đẩy lùi nhiều căn bệnh nguy hiểm trong đó có đột quỵ.
Giữ cho tinh thần lạc quan, vui vẻ
Theo các nhà khoa học, những người thường xuyên có biểu hiện buồn phiền, lo lắng, căng thẳng, stress kéo dài là những người có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ. Vì vậy, giữ cho tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ, thoải mái là một trong những cách hữu hiệu nhất để có thể tránh xa căn bệnh đột quỵ não và tai biến mạch máu não.
Câu hỏi thường gặp về bệnh đột quỵ
Tắm đêm có dẫn đến đột quỵ hay không?
KHÔNG. Tắm đêm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ nhưng sẽ là yếu tố xúc tác, thúc đẩy gián tiếp. Do đó không nên tắm đêm, đặc biệt là sau 23h. Bởi đây là thời điểm nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày, đồng thời huyết áp lên cao. Sự thay đổi nhiệt độ, trạng thái và huyết áp cơ thể sẽ ảnh hưởng đến lưu thông của máu, các mạch máu bị co lại và rất dễ gây thiếu máu não cục bộ, dẫn tới tai biến mạch máu não.
Thực hư về thử thách đứng một chân để chẩn đoán đột quỵ như thế nào?
Thử thách này bắt nguồn từ một nghiên cứu tại Nhật Bản vào năm 2014. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ được khảo sát ở một nhóm nhỏ đối tượng trong độ tuổi trên 60 và có các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp. Do đó, nghiên cứu này cùng thử thách đứng một chân để chẩn đoán đột quỵ cần được thử nghiệm lại với nhóm đối tượng đa dạng và mở rộng hơn. Để có sự chẩn đoán chính xác đột quỵ, người bệnh cần được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, chỉ định cận lâm sàng chuyên sâu, đặc biệt là tầm soát các bệnh lý nền.
Đột quỵ có di truyền không?
Đột quỵ không phải là một bệnh lý có tính di truyền. Tuy nhiên, những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… thường mang yếu tố gia đình. Do đó, những gia đình có người bị đột quỵ thì người thân cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
XEM THÊM:
- Liệu pháp mới: Dùng ung thư diệt ung thư
- Trẻ mắc hội chứng Tic vì xem điện thoại nhiều – Cha mẹ cần làm gì?