Nhân Ngày Béo phì thế giới (4.3 hằng năm), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa gióng lên hồi chuông báo động: Hơn 1 tỉ người trên toàn cầu hiện đang mắc bệnh béo phì. Đây cũng thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau như tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và nhiều bệnh lý khác.
Số lượng trẻ thừa cân, béo phì ở Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng
Hà Nội và TPHCM chiếm 18% lượng người béo phì toàn quốc
Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Còn tại Việt Nam, nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng cho thấy, tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở nước ta là 2,3% vào năm 1993 và tăng lên đáng kể 15% vào năm 2015, Tỷ lệ béo phì ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (hơn 22% so với 11,2%).
Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tương tự, với tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TPHCM chiếm đến 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc. Đáng lưu ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi học đường (5-19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.
Như vậy, chỉ trong năm 2020, nước ta có đến hơn 4,7 triệu trẻ em mắc thừa cân, béo bì. Trong đó, số trẻ này tập trung nhiều ở các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ lần lượt là hơn 41% và hơn 50%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thừa cân và béo phì được định nghĩa là sự tích tụ chất béo một cách bất thường, quá mức cho phép, và có thể làm giảm sức khỏe. Theo đó, chỉ số khối cơ thể BMI là công cụ rất đơn giản để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng, để đánh giá và theo dõi cân nặng của mình tại nhà.
Bạn chỉ cần lấy cân nặng của mình (tính theo kg) chia cho chiều cao bình phương (tính bằng mét) sẽ ra được chỉ số BMI. Đối với người trưởng thành, chỉ số BMI được chia thành các mốc như sau:
Dưới 18,5: Thiếu cân, gầy.
Từ 18,5 - 24,9: Cân nặng bình thường.
Từ 25 - 29,9: Thừa cân, tiền béo phì.
30 - 34,9: Béo phì độ 1.
35 - 29,9: Béo phì độ 2.
Từ 40 trở lên: Béo phì độ 3.
Còn ở trẻ em, cách xác định tình trạng thừa cân lại có sự khác biệt. Bên cạnh chỉ số BMI, bạn sẽ cần phải làm thêm 1 bước nữa là đối chiếu với biểu đồ tăng trưởng tỷ lệ phần trăm BMI theo tuổi.
Biểu đồ này gồm có 1 cột thể hiện chỉ số BMI, và 1 hàng là độ tuổi. Bạn cần kẻ 2 đường, 1 theo BMI và 1 là theo tuổi. Giao điểm của chúng sẽ cho bạn biết tình trạng của trẻ đang ở mức nào. Theo đó, tỷ lệ BMI nằm trong khoảng 5 - 85 % là tối ưu nhất. Nếu dưới 5%, thì trẻ đang bị nhẹ cân. Từ 85 - 95%, trẻ đang bị thừa cân, và nếu trên 95% thì trẻ bị béo phì.
Biểu đồ tăng trưởng tỷ lệ phần trăm BMI theo tuổi
Béo phì - Thủ phạm gây 200 bệnh khác nhau
Tại tọa đàm giải pháp mới trong chẩn đoán và điều trị béo phì, bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) chia sẻ, béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống còn và chất lượng sống.
Cụ thể, béo phì là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau, như bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh lý khác…
Bác sĩ Thái Văn Hùng, Phòng khám Tư vấn và Điều trị Giảm cân, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết thêm, béo phì và đái tháo đường có liên quan với nhau như "hình với bóng". Riêng ở bệnh viện, mỗi tháng có gần 6.000 bệnh nhân bị đái tháo đường đến khám và điều trị. Trong đó, số người có bệnh đồng mắc như tăng huyết áp khoảng 70-80%, bệnh rối loạn mỡ máu khoảng 80% và khoảng 30% có tình trạng thừa cân, béo phì.
Đặc biệt, nhiều bệnh nhân Việt Nam hiện nay đang tìm kiếm và sử dụng các phương pháp giảm cân chưa chính thống, uống nhiều loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe.
Không ít bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại các cơ sở y tế với tình trạng chân, tay sưng phù, xuất huyết tiêu hóa, suy gan cấp, suy thận... đe dọa tính mạng do lạm dụng các sản phẩm hay viên uống giảm cân không rõ nguồn gốc, mua được trên các trang mạng xã hội.
Tăng cường hoạt động thể chất để hạn chế béo phì
Cần làm gì để chống lại “cơn sóng dữ” mang tên béo phì?
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nhấn mạnh: Chìa khóa để ngăn ngừa béo phì cho trẻ em là bảo đảm dinh dưỡng tốt trong thai kỳ, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi, và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi hoặc hơn. Đó là điều tốt nhất cho tất cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Cũng theo ông, các quốc gia cần làm việc cùng nhau để tạo ra một “môi trường thực phẩm tốt hơn” cho mọi người. Cụ thể là hạn chế tiếp thị cho trẻ em thực phẩm và đồ uống có nhiều chất béo, đường và muối; đánh thuế đồ uống có đường; cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn với thực phẩm lành mạnh, giá cả phải chăng cho người dân.
Mỗi thành phố, mỗi địa phương cần lưu tâm tạo không gian cho việc đi bộ, đi xe đạp và các hoạt động giải trí an toàn. Giáo dục trong nhà trường cần giúp phụ huynh dạy trẻ những thói quen lành mạnh ngay từ sớm.
Mỗi người cần hạn chế tổng lượng chất béo và đường tiêu thụ; tăng cường tiêu thụ trái cây, rau, đậu, ngũ cốc và các loại hạt; luyện tập hoạt động thể chất thường xuyên (60 phút/ngày đối với trẻ em, 150 phút/tuần đối với người lớn).
WHO cho biết các nhà khoa học của họ đang theo dõi các xu hướng và tỷ lệ trên toàn cầu, nhằm xây dựng những hướng dẫn tiếp theo để phòng ngừa và điều trị béo phì. “Kế hoạch hành động tăng tốc để ngăn chặn béo phì” từ WHO sẽ được đưa ra thảo luận tại Đại hội đồng y tế thế giới diễn ra vào tháng 5 tới.
XEM THÊM:
- Virus cúm gia cầm H5N1 gây chết người ở Campuchia, Việt Nam chỉ đạo khẩn
- Cạn vật tư y tế, bệnh viện Việt Đức hạn chế phẫu thuật từ 1/3