Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường… mà còn tác động nhiều đến chứng ngưng thở khi ngủ. Để hiểu hơn về mối liên hệ giữa hai tình trạng này, mời bạn theo dõi bài viết ngay sau đây.
Béo phì ảnh hưởng đến chứng ngưng thở khi ngủ như thế nào?
Chứng ngưng thở khi ngủ là gì?
Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn hô hấp có liên quan đến giấc ngủ tương đối phổ biến. Trong đó, hơi thở của người bệnh sẽ bị gián đoạn trong thời gian ngủ. Mỗi một lần như vậy, bệnh nhân sẽ ngưng thở từ 10 giây trở lên.
Có 3 loại ngưng thở khi ngủ chính là:
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA): Loại này rất thường gặp. Người bệnh bị ngưng thở tạm thời do đường hô hấp trên bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Những người bị OSA nặng có thể bị gián đoạn hô hấp tới 30 lần mỗi đêm.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA): Nguyên nhân bắt nguồn từ việc não gửi tín hiệu sai lệch đến các cơ kiểm soát hơi thở.
- Ngưng thở khi ngủ hỗn hợp: Là loại ngưng thở khi ngủ bao gồm cả hai loại trên.
Ngoài việc hơi thở bị giãn đoạn khi ngủ, người bệnh còn có thể gặp những triệu chứng như:
- Triệu chứng OSA:
- Buồn ngủ và ngủ nhiều vào ban ngày.
- Ngáy to, tiếng ngáy thường bị ngắt quãng bởi tiếng thở hổn hển hoặc nghẹt thở.
- Khô miệng, mệt mỏi, nhức đầu khi thức dậy. Giảm tập trung vào ban ngày.
- Tiểu đêm.
- Triệu chứng CSA:
- Thở bất thường khi ngủ.
- Ngủ nhiều vào ban ngày và hay thức giấc, khó thở đột ngột hoặc đau ngực vào ban đêm.
- Buổi sáng bị nhức đầu, ban ngày khó tập trung.
Ngày nay, các nhà khoa học đã nhận thấy giữa chứng ngưng thở khi ngủ và béo phì có những mối liên hệ mật thiết.
Người bệnh buồn ngủ và ngủ nhiều vào ban ngày
Béo phì ảnh hưởng đến chứng ngưng thở khi ngủ như thế nào?
Béo phì có thể gây ra chứng ngưng thở khi ngủ. Nó còn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và biến chứng của bệnh này. Đồng thời, việc ngủ không đủ giấc do tác động của chứng ngưng thở khi ngủ có thể khiến người bệnh tăng cân. Trong khi đó, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc giảm cân có thể cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ. Cụ thể sẽ được trình bày chi tiết hơn ngay sau đây:
Béo phì gây ra chứng ngưng thở khi ngủ như thế nào?
Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn rất phổ biến ở người béo phì. Ở người béo phì, chất béo tích tụ ở cổ của họ. Chúng được gọi là mỡ hầu họng.
Mỡ hầu họng có thể gây hẹp hoặc tắc nghẽn đường hô hấp trên của người bệnh trong khi ngủ. Việc đường thở bị chèn ép, hẹp lại khiến không khí lưu thông qua bị hạn chế, bị ép lại và gây tiếng ngáy. Điều đó giải thích tại sao ngủ ngáy là triệu chứng thường gặp nhất ở người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Ngoài ra, vòng bụng tăng lên do mỡ thừa có thể nén thành ngực của người bệnh lại, làm giảm thể tích phổi. Dung tích phổi giảm sẽ làm giảm luồng không khí, khiến đường hô hấp trên dễ bị xẹp hơn trong khi ngủ.
Béo phì gây ra chứng ngưng thở khi ngủ như thế nào?
Tại sao chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây tăng cân?
Việc thiếu ngủ do chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến việc giảm leptin (một loại hormon ức chế sự thèm ăn) và tăng ghrelin (một loại hormone kích thích thèm ăn). Điều này có thể làm tăng cảm giác thèm ăn các loại thực phẩm giàu calo ở người bệnh.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, bệnh nhân OSA có thể dễ bị tăng cân hơn so với những người có cùng chỉ số BMI và tình trạng sức khỏe nhưng không bị ngưng thở khi ngủ.
Người mắc chứng ngưng thở thường cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Điều này khiến họ ít vận động cơ thể hơn. Đặc biệt là những người đang bị quá khổ, thường xuyên bị khó thở và thường xuyên khó chịu ở ngực khi gắng sức.
Như vậy, người bị chứng ngưng thở khi ngủ thường ăn nhiều hơn và giảm hoạt động thể chất. Từ đó, cân nặng của họ dễ bị tăng lên.
Người bệnh có xu hướng ăn nhiều hơn và giảm vận động
Giảm cân ảnh hưởng như thế nào đến chứng ngưng thở khi ngủ?
Trong quá trình điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, người bệnh cần giảm cân nếu đang thừa cân, béo phì. Giảm cân sẽ giúp giảm lượng mỡ tích tụ ở cổ. Điều đó giúp luồng không khí trong đường thở được lưu thông tốt hơn. Việc giảm mỡ bụng cũng giúp tăng thể tích phổi và cải thiện lực kéo của đường thở, làm cho đường thở ít bị xẹp hơn trong khi ngủ.
Giảm cân cũng có thể làm giảm đáng kể nhiều triệu chứng liên quan đến OSA, chẳng hạn như buồn ngủ vào ban ngày. Khó chịu và các rối loạn chức năng tâm thần kinh khác cũng được cải thiện rõ rệt. Người bệnh sẽ có sự cải thiện tổng thể như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường tuýp 2, giảm tình trạng kháng insulin và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy giảm cân mang lại nhiều lợi ích cho người mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Vậy nhưng, việc điều chỉnh cân nặng thôi là không đủ để điều trị bệnh. Vì vậy, bệnh nhân vẫn cần kết hợp với việc áp dụng các phương pháp điều trị khác như:
- Liệu pháp PAP
- Dùng một số dụng cụ cố định hàm hoặc lưỡi
- Phẫu thuật
- Thay đổi tư thế ngủ (không nằm ngửa), bỏ thuốc lá (nếu đang hút), hạn chế uống rượu bia.
Như vậy, chứng ngưng thở khi ngủ và tình trạng béo phì có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bạn nên thực hiện chế độ giảm cân như ăn uống điều độ, tăng cường vận động để góp phần cải thiện bệnh ngay từ bây giờ. Chúc bạn sức khỏe!
XEM THÊM: