Viêm cầu thận là một căn bệnh có thể bắt gặp ở cả người lớn và trẻ em. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể để lại những biến chứng nặng nề, trong đó đáng lo ngại nhất chính là suy thận. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bệnh lý này, cũng như cách phòng ngừa bệnh lý này nhé!
Viêm cầu thận - Những điều bạn cần biết để phòng ngừa
Nguyên nhân nào gây ra viêm cầu thận?
Cầu thận là một cấu trúc quan trọng nằm trong thận, có nhiệm vụ lọc bỏ các chất từ máu, giữ lại các protein và tế bào máu, từ đó tạo thành nước tiểu đầu. Viêm cầu thận xảy ra khi các tiểu cầu thận và mạch máu trong thận bị viêm bởi một nguyên nhân nào đó.
Dựa theo các đặc điểm trên lâm sàng, viêm cầu thận được chia thành 2 dạng là cấp tính và mãn tính. Nguyên nhân gây viêm cầu thận có thể kể đến như:
Nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp
Viêm cầu thận cấp do nhiễm khuẩn
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm cầu thận cấp. Tác nhân được biết đến nhiều nhất là do liên cầu tan huyết beta nhóm A, đặc biệt là chủng 12. Ngoài ra, một số tác nhân nhiễm khuẩn khác có thể kể đến là:
- Vi khuẩn tụ cầu, phế cầu, não mô cầu, thương hàn,...
- Virus sởi, quai bị, thủy đậu, viêm gan B, C, HIV,...
- Vi nấm Histoplasmose.
- Ký sinh trùng sán máng, Malariae, Toxoplasma Gondii,...
Viêm cầu thận cấp không do nhiễm khuẩn
- Bệnh miễn dịch như: Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng phổi thận, bệnh lý thận IgA.
- Bệnh viêm mạch máu: Viêm đa động mạch, u hạt Wegener.
- Nguyên nhân khác: Hệ miễn dịch phản ứng quá mức khi nhiễm trùng, mẫn cảm với thuốc hoặc thức ăn,...
Nhiễm liên cầu tan huyết nhóm A là nguyên nhân chính gây viêm cầu thận cấp
Nguyên nhân gây viêm cầu thận mãn
Viêm cầu thận mãn nguyên phát
Đây là tình trạng viêm mãn tính ở cầu thận nhưng không tìm được nguyên nhân cụ thể. Các nhà khoa học cho rằng, tình trạng này có thể là do sự tích lũy kháng thể IgA trong mô thận, dẫn đến tăng sinh tế bào gian mạch, tế bào nội mô mạch máu, tổ chức gian mạch, tăng sinh ổ, đoạn. Các biến đổi trên dần dần gây xơ hóa cầu thận và khiến chúng mất chức năng.
Viêm cầu thận mãn thứ phát
Có thể do:
- Bệnh tự miễn: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa cơ, xơ cứng bì toàn thể,...
- Bệnh rối loạn chuyển hóa: Tiểu đường, nhiễm bột amyloidosis.
- Bệnh tăng huyết áp.
- Bệnh mạch máu hệ thống: Viêm thành mạch dị ứng, viêm đa động mạch dạng nút, u hạt Wegener.
- Bệnh thận di truyền: Hội chứng Alport, hội chứng móng-xương bánh chè, hội chứng màng nền mỏng.
- Bệnh khác: Viêm thận Shunt, hội chứng tan máu- tăng ure máu, bạch cầu cấp/mạn,...
- Nhiễm độc muối vàng, penicillamin,...
- Nhiễm khuẩn: virus viêm gan, viêm màng tim, ký sinh trùng sốt rét, trực khuẩn phong, xoắn khuẩn giang mai,...
Các triệu chứng điển hình của viêm cầu thận
Các triệu chứng điển hình của viêm cầu thận cấp và mãn tính đa phần là giống nhau, nhưng khác biệt về mức độ. Triệu chứng viêm cầu thận cấp thường diễn ra rầm rộ. Trong khi đó, viêm cầu thận mãn lại gần như không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu, chỉ đến khi số lượng cầu thận mất chức năng đã tăng lên đáng kể, các triệu chứng mới bắt đầu được bộc lộ.
Các triệu chứng điển hình nhất có thể kể đến như:
- Phù 2 chân, 2 mi mắt, nặng mặt, tình trạng xuất hiện nhiều vào buổi sáng, giảm về chiều và kèm theo tiểu ít, nước tiểu sẫm màu. Viêm cầu thận cấp gây phù nhiều trong 10 ngày đầu, giảm đi khi người bệnh đi tiểu nhiều hơn. Viêm cầu thận mãn có thể phù kín đáo, hoặc phù rất to, phù toàn thân, kèm theo cổ trướng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tinh hoàn.
- Cơn tăng huyết áp kịch phát kéo dài nhiều ngày, kèm theo đau đầu dữ dội, choáng váng, hôn mê trong viêm cầu thận cấp. Hoặc, tăng huyết áp từng đợt khi viêm cầu thận mãn giai đoạn đầu, và tăng huyết áp thường xuyên khi suy thận không hồi phục.
- Tiểu ít, nước tiểu có bọt do protein thoát ra ngoài. Nước tiểu lẫn máu trong trường hợp viêm cầu thận cấp.
- Sốt nhẹ, đau vùng thắt lưng âm ỉ hoặc dữ dội, rối loạn tiêu hóa. Thiếu máu trong viêm cầu thận mãn tính và suy tim trong viêm cầu thận cấp.
Viêm cầu thận cấp và mãn đều có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau. Trong đó, biến chứng đáng lo ngại nhất là suy thận mãn, suy thận giai đoạn cuối khiến người bệnh phải lọc máu thường xuyên hoặc ghép thận.
Phù chân là dấu hiệu điển hình của viêm cầu thận
Phòng ngừa viêm cầu thận bằng cách nào?
Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa hoàn toàn với viêm cầu thận. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hiện những biện pháp sau đây:
Tăng cường sức đề kháng
Khoảng 20% người mang liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A ở vùng họng nhưng không biểu hiện bệnh lý. Cho đến khi hệ miễn dịch suy giảm, chúng mới bắt đầu phát triển mạnh và gây bệnh.
Do đó, bạn cần rèn luyện sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, phơi nắng thường xuyên và ăn các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Đối với trẻ em, cha mẹ nên chăm sóc tốt cho con nhất là trong các giai đoạn chuyển mùa, có chế độ ăn uống và vận động hợp lý, cũng như sử dụng các sản phẩm giúp tăng cường sức đề kháng như BoniKiddy +.
Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh
Bạn có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A khi tiếp xúc với những dịch và chất bài tiết từ mũi và họng của người đã mắc bệnh, cũng như những vết thương, vết loét trên da đã bị nhiễm trùng. Do đó, bạn hãy chú ý đeo khẩu trang và găng tay nếu phải tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần giữ vệ sinh cá nhân, chủ động sử dụng biện pháp phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục, tiêm phòng viêm gan B, cũng như giải quyết các ổ nhiễm khuẩn mãn tính vùng họng để ngăn ngừa tái phát.
Kiểm soát các bệnh lý nền
Nếu bạn được chẩn đoán mắc các bệnh lý có thể gây viêm cầu thận, thì cần kiểm soát chúng bằng cách tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ, đi khám định kỳ thường xuyên để theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có. Nếu mắc bệnh tiểu đường, bạn hãy dùng thêm sản phẩm BoniDiabet + để giúp hạ và ổn định đường huyết và phòng ngừa các biến chứng của bệnh.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về nguyên nhân, triệu chứng, cũng như cách phòng ngừa bệnh lý viêm cầu thận. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: