Viêm túi thừa đại tràng là bệnh gì? Triệu chứng và cách điều trị

Cập nhập: Thứ sáu, 31/03/2023

Mục lục [Ẩn]

 

    Túi thừa ở đại tràng là nơi dễ tích tụ các chất cặn bã và có điều kiện tốt cho vi khuẩn có hại phát triển. Hậu quả là, nó dễ bị viêm và gây bệnh viêm túi thừa với triệu chứng tuy không rõ ràng nhưng biến chứng lại rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong. Để có thêm thông tin về căn bệnh này, mời bạn theo dõi bài viết ngay sau đây.

 

Viêm túi thừa đại tràng

Viêm túi thừa đại tràng là bệnh gì?

 

Túi thừa đại tràng và hiện tượng viêm ở cơ quan này

    Đại tràng là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa với chức năng hấp thu nước và muối khoáng từ thực ăn đã tiêu hóa ở ruột non, tạo khuôn phân, co bóp và đẩy phân về phía hậu môn.

    Thành đại tràng được cấu tạo gồm 4 lớp bao là niêm mạc, dưới niêm mạc, cơ và thanh mạc. Một đại tràng bình thường thì 4 lớp này sẽ không có tình trạng lõm sâu, không có các ngách nhỏ mà chỉ có dạng đường ống duy nhất để tạo khuôn và vận chuyển phân. Khi có những cấu trúc dạng túi phát triển trong thành của đại tràng thì chúng được gọi là túi thừa đại tràng. Chúng thường có kích cỡ từ 1-2cm, đôi khi có những trường hợp túi thưà rất lớn, kích thước lên đến  5-6cm.

    Đại tràng chứa các chất cặn bã, chất độc cần loại bỏ để đào thải ra ngoài và một hệ vi sinh vật phong phú, trong đó có các hại khuẩn (vi khuẩn có hại). Bản thân đại tràng đã rất dễ bị viêm. Trong khi đó, túi thừa đại tràng là nơi tích tụ các chất cặn bã nên càng dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến viêm, sưng và đỏ. Khi chúng bị viêm sẽ gây nên bệnh viêm túi thừa đại tràng. Bệnh lý này có thể nhẹ đến nặng phụ thuộc vào mức độ viêm nhiễm của túi thừa có nghiêm trọng hay không.

 

Túi thừa ở đại tràng

Túi thừa ở đại tràng

 

Viêm túi thừa đại tràng nguy hiểm như thế nào?

   Túi thừa có cấu tạo giống thành đại tràng nhưng mỏng hơn, lớp cơ có thể rất mỏng, thậm chí là không có. Điều đó khiến túi thừa dễ bị vỡ.

    Tình trạng viêm và nhiễm trùng diễn ra ở trong hay quanh túi thừa.  Nếu nhiễm trùng nhiều, vách túi thừa có thể bị hủy hoại dẫn đến vỡ, thủng. Lúc này, nhiễm trùng lan ra ngoài vách đại tràng, tạo thành túi mủ (abscess) tại chỗ, hay làm viêm phúc mạc (peritonitis) rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không chữa kịp thời.

     Một số biến chứng khác của bệnh viêm túi thừa đại tràng đó là:

  • Trực tràng bị chảy máu.
  • Ruột non hoặc đại tràng bị tắc nghẽn.
  • Túi thừa đại tràng sưng tấy, có mủ tích tụ lâu dần dẫn đến áp xe đại tràng.
  • Các cơ quan lân cận bị rò - xuất hiện một số đường nối bất thường giữa các cơ quan khác nhau ở đại tràng, giữa bàng quang với ruột già hoặc giữa thành bụng với đại tràng.

     Khi có những dấu hiệu viêm ban đầu, nếu người bệnh không đi khám sớm và có phương pháp điều trị tích cực thì nguy cơ biến chứng này sẽ tăng lên, gây nguy hiểm cho người bệnh.

 

Nguyên nhân gây ra viêm túi thừa đại tràng

    Viêm túi thừa đại tràng có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Nhưng những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sau đây sẽ dễ bị bệnh này hơn:

  • Người cao tuổi: Khi ngoài 40 tuổi, con người dễ bị viêm túi thừa đại tràng hơn. Những thay đổi liên quan đến tuổi tác như sự suy giảm mức độ vững chắc và độ đàn hồi thành đại tràng sẽ khiến túi thừa dễ hình thành hơn. Hệ vi sinh đường ruột bị rối loạn, sức đề kháng giảm ở người cao tuổi cũng góp phần khiến túi thừa dễ bị viêm hơn.
  • Chế độ ăn ít chất xơ: Khi thiếu chất xơ, phân sẽ cứng và khó bài tiết ra ngoài. Lúc này, đại tràng phải co thắt nhiều hơn, đồng thời người ta cũng dùng nhiều sức để rặn khi đi cầu, như thế làm gia tăng áp lực trong đại tràng. Niêm mạc ở những nơi yếu trên đại tràng dễ bị đẩy ra ngoài qua vách và tạo thành túi thừa.
  • Vận động thể lực: ít vận động thể lực được cho là có liên quan đến nguy cơ hình thành túi thừa. Tuy nhiên, mối liên quan này vẫn chưa được hiểu rõ.
  • Béo phì: làm tăng nguy cơ xuất hiện viêm túi thừa và chảy máu túi thừa.
  • Hút thuốc lá: làm tăng khả năng bị viêm túi thừa.

 

 Triệu chứng viêm túi thừa đại tràng

    Đa số bệnh nhân có túi thừa đại tràng không có triệu chứng lâm sàng. Nếu có triệu chứng thì nó rất mờ nhạt và dễ nhầm với các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa khác, có thể kể đến như đau bụng (thường ở bụng dưới bên trái), đầy hơi, táo bón.

    Khi bị viêm túi thừa đại tràng, các dấu hiệu của bệnh cũng không đặc hiệu và dễ nhầm với các bệnh lý như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích… Các triệu chứng người bệnh có thể gặp phải đó là:

  • Đau ở vị trí bụng dưới bên trái, lúc đầu đau nhẹ và nặng dần lên trong những ngày tiếp theo.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón.
  • Trướng bụng, đầy hơi.
  • Triệu chứng toàn thân: Sốt, rét run, có trường hợp người bệnh bị sốt cao, chán ăn.
  • Một số triệu chứng khác: Đau rát khi đi tiểu, có khí hư bất thường, chảy máu trực tràng (ít gặp).

 

Viêm túi thừa đại tràng gây đau bụng

Viêm túi thừa đại tràng gây đau bụng

 

Các phương pháp điều trị bệnh viêm túi thừa đại tràng

    Mục tiêu điều trị viêm túi thừa đại tràng đó là giảm tối đa biến chứng, ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm viêm. Tùy vào mức độ bệnh mà các phương pháp điều trị cũng khác nhau:

Điều trị viêm túi thừa đại tràng ở thể nhẹ

    Khi bị viêm túi thừa đại tràng ở thể nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị ngoại trú, sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp với thuốc giảm co thắt. Đồng thời, người bệnh cần giảm áp lực cho đại tràng bằng cách:

  • Giảm lượng thức ăn trong khi triệu chứng bệnh đang rầm rộ.
  • Ăn các thức ăn mềm, lỏng như ngũ cốc, nước ép trái cây.
  • Ăn thêm rau xanh trong vài ngày cho đến khi hết hẳn đau.

Đối với bệnh nhân bị viêm nhiễm túi thừa ở thể nặng

    Nếu bệnh nhân bị đau nhiều, tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng, bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện và được tiêm kháng sinh. Nếu không đỡ, ruột bị viêm, túi thừa tích mủ, viêm phúc mạc thì cần phẫu thuật để loại bỏ đoạn đại tràng có túi thừa viêm.

 

Cách phòng bệnh viêm túi thừa đại tràng

     Để ngăn ngừa bệnh viêm túi thừa, người bệnh cần:

  • Tăng cường bổ sung chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày: Chất xơ làm tăng nhu động ruột, hạn chế sự hình thành của túi thừa, giảm sự phát triển của túi thừa đã có sẵn trong lòng đại tràng.
  • Uống đủ nước mỗi ngày để làm mềm phân trong ruột già, giảm hiện tượng táo bón.
  • Tập thể dục đều đặn: Vận động hợp lý rất tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa viêm và nhiễm trùng túi thừa, giảm áp lực ruột già, hạn chế các bệnh về đường ruột.
  • Hạn chế đồ ăn mặn, cay, nóng, nước uống có gas gây khó khăn cho hệ tiêu hóa, tăng nguy cơ viêm túi thừa.

     Như vậy, chúng tôi đã giúp bạn hiểu hơn về triệu chứng, biến chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh viêm túi thừa đại tràng. Nếu có băn khoăn gì khác, bạn vui lòng liên hệ tổng đài miễn cước 18001044 để được giải đáp. Chúc bạn sức khỏe!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Chương trình khuyến mãi, tích điểm tặng quà