Corticoid là một loại thuốc được sử dụng trong rất nhiều bệnh lý khác nhau. Các loại thuốc này có khả năng làm giảm nhanh các cơn đau và phản ứng dị ứng, nên nhiều người đã sử dụng chúng một cách tràn lan. Chính việc dùng thuốc không hợp lý, lạm dụng corticoid đã khiến không ít người gặp phải những hệ lụy đáng tiếc, trong đó có tình trạng suy tuyến thượng thận.
Suy tuyến thượng thận - Hệ lụy tai hại do lạm dụng corticoid
Suy tuyến thượng thận là bệnh gì?
Tuyến thượng thận là một tuyến nội tiết nhỏ nằm ngay bên trên 2 quả thận, và được kiểm soát bởi tuyến yên. Chúng được cấu tạo bởi lớp vỏ và lớp tủy, trong đó:
- Lớp tủy chứa các tế bào ưa crom, có chức năng tổng hợp và sản xuất ra hormon catecholamin (chủ yếu là epinephrine và lượng nhỏ norepinephrine). Tác dụng của hormon tủy tuyến trên thận là làm tăng nhịp tim, tăng lực co tim, tăng nhịp thở, giãn phế quản, tăng huyết áp, tăng đường huyết.
- Lớp vỏ thượng thận sản xuất ra các loại hormone gồm aldosterone giúp điều hòa huyết áp; cortisol giúp chuyển hóa glucose từ protein và lipit; androgen góp phần hình thành các đặc tính của nam giới.
Suy tuyến thượng thận là tình trạng xảy ra khi lớp vỏ thượng thận bị giảm chức năng. Các hormone aldosterone và cortisol sản xuất ra không đủ khiến các quá trình chuyển hóa trong cơ thể bị rối loạn. Bệnh lý này còn được gọi với cái tên khác là bệnh Addison.
Suy tuyến thượng thận nguyên phát đa phần là do rối loạn tự miễn. Hệ miễn dịch nhầm lẫn, các kháng thể tấn công và gây phá hủy tuyến thượng thận. Hoặc, một số nguyên nhân khác là do lao thượng thận, cắt bỏ tuyến, nhiễm nấm, HIV, giang mai toàn thân, xuất huyết thượng thận, di truyền,...
Suy tuyến thượng thận thứ phát là do suy tuyến yên, u tuyến yên hoặc u vùng dưới đồi chấn thương sọ, nhồi máu não, chảy máu não, hay phổ biến nhất là lạm dụng các thuốc corticoid.
Suy tuyến thượng thận nguyên phát là do rối loạn tự miễn
Lạm dụng corticoid gây ra suy tuyến thượng thận như thế nào?
Corticoid là loại thuốc có cấu trúc khá tương đồng với hormon glucocorticoid của tuyến thượng thận. Nó có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch,... vô cùng hiệu quả. Do đó, chúng được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như:
- Các bệnh lý tự miễn như: Viêm khớp dạng thấp, bệnh crohn, lupus ban đỏ,...
- Các bệnh đường hô hấp như: Hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Giảm viêm, giảm đau trong các cơn gút cấp.
- Dự phòng thải ghép sau khi cấy ghép các cơ quan.
- Bệnh ngoài da: vảy nến, eczema, phát ban, kích ứng,...
- Các bệnh dị ứng như: Viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, viêm kết mạc dị ứng,...
Chính vì có tác dụng nhanh, hiệu quả thấy rõ, dễ mua và có giá thành rẻ, nên nhiều người đã sử dụng corticoid một cách tràn lan, bừa bãi. Tuy nhiên, họ không biết rằng tác dụng phụ của corticoid cũng nhiều không kém so với tác dụng điều trị của nó.
Nếu lạm dụng corticoid kéo dài, người bệnh sẽ phải đối diện với nguy cơ loãng xương, viêm loét dạ dày tá tràng, tăng huyết áp, tăng đường huyết, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, teo da, vết thương lâu lành,... và nguy hiểm nhất chính là suy tuyến thượng thận.
Lạm dụng corticoid sẽ khiến nồng độ glucocorticoid ngoại sinh luôn cao quá mức cho phép trong máu. Điều này làm ức chế vùng dưới đồi và tuyến yên, làm giảm tiết ACTH - hormone kích thích vỏ thượng thận.
Ở giai đoạn sớm, nồng độ ACTH nền và cortisol nền có thể bình thường, tuy nhiên lượng dự trữ của ACTH đã suy giảm. Sau đó, sự thiếu hụt ACTH kéo dài làm vỏ thượng thận teo lại, dẫn đến giảm tiết cortisol. Cuối cùng, mọi hoạt động sinh lý của cơ thể sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn corticoid từ bên ngoài. Bên cạnh đó, việc ngưng dùng corticoid đột ngột cũng có thể gây suy tuyến thượng thận thứ phát.
Suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không?
Suy tuyến thượng thận thường phát triển chậm trong vài tháng, các triệu chứng không điển hình nên rất dễ bị bỏ qua. Một số ảnh hưởng đến từ tình trạng suy tuyến thượng thận có thể kể đến như: Cơ thể mệt mỏi, giảm cân, thèm ăn, da sẫm màu hơn, huyết áp thấp, hạ đường huyết, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau cơ hoặc khớp, cáu gắt, trầm cảm, rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới,...
Điều nguy hiểm nhất mà người bệnh có thể phải đối diện là khủng hoảng Addison. Đây là tình trạng suy thượng thận cấp tính, huyết áp hạ thấp, nồng độ kali trong máu tăng cao và natri hạ xuống thấp. Người bệnh ốm yếu nghiêm trọng, nhầm lẫn, hay quên, đau ở lưng hoặc chân, đau bụng dữ dội, nôn mửa và tiêu chảy dẫn đến mất nước, giảm ý thức hoặc mê sảng, sốc,... Nếu không được cấp cứu kịp thời, tính mạng của người bệnh sẽ bị đe dọa.
Ốm yếu nghiêm trọng, hạ huyết áp, mê sảng là dấu hiệu của khủng hoảng Addison
Phòng ngừa suy tuyến thượng thận bằng cách nào?
Nếu đã mắc suy tuyến thượng thận, người bệnh cần cẩn trọng với tình trạng khủng hoảng Addison. Bạn cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, liên hệ với bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu kể trên. Bên cạnh đó, bạn cũng cần luôn mang theo thuốc bên mình.
Để phòng ngừa suy tuyến thượng thận, bạn nên thực hiện những điều sau đây:
- Không tự ý sử dụng các thuốc corticoid khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
- Nếu đang dùng corticoid, bạn cần uống đúng liều, đúng liệu trình, không tự ý dùng kéo dài hay bỏ thuốc đột ngột.
- Thăm khám thường xuyên để được điều chỉnh liều corticoid phù hợp.
- Duy trì lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, phù hợp với thể trạng.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về tình trạng suy tuyến thượng thận do lạm dụng các loại thuốc corticoid. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả!
XEM THÊM:
- 7 lưu ý quan trọng trong chế độ ăn cho người bị gout
- Bệnh tiểu đường gây tổn thương gân như thế nào?