Suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không? Nguyên nhân, triệu chứng, và cách điều trị

Cập nhập: Thứ năm, 11/05/2023

 

   Tuyến thượng thận là một trong những cơ quan thuộc hệ nội tiết của cơ thể. Suy tuyến thượng thận xảy ra khi chức năng của cơ quan này bị giảm sút, không còn sản xuất đủ các loại hormone. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề: “Suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không?”, cũng như nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh nhé!

 

Suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không

Suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không? Nguyên nhân, triệu chứng, và cách điều trị

 

Cấu tạo và chức năng của tuyến thượng thận

   Tuyến thượng thận là một cơ quan nội tiết nhỏ, có hình tam giác, nằm ở đầu mỗi bên thận. Tuyến thượng thận được cấu tạo bởi 2 phần là: Phần vỏ và phần tủy. Mỗi phần sẽ sản xuất ra các loại hormone khác nhau, cụ thể:

  • Phần tủy thượng thận sản xuất và phóng thích hormon epinephrine và lượng nhỏ norepinephrine. Tác dụng của hormon này là: Làm tăng nhịp tim, lực co tim, nhịp thở, giãn phế quản, tăng huyết áp và đường huyết.
  • Phần vỏ thượng thận tổng hợp và giải phóng hormone aldosterone, cortisol, và androgen.
  1. Aldosterone sẽ tác động đến huyết áp nhờ điều hòa chất điện giải.
  2. Cortisol tham gia vào việc chuyển hóa đường, chất đạm và chất béo, giảm phản ứng viêm, huyết áp, đường huyết, kiểm soát chu kỳ thức - ngủ và đối phó với căng thẳng.
  3. Androgen tham gia vào quá trình hình thành các đặc tính của nam giới trong thời kỳ phôi thai và tuổi dậy thì.

 

Bệnh suy tuyến thượng thận là gì?

   Suy tuyến thượng thận còn được gọi là bệnh Addison, xảy ra khi chức năng của phần vỏ tuyến này bị suy giảm. Điều này khiến cho những loại hormone aldosterone, cortisol, androgen không được sản xuất đầy đủ, từ đó gây ảnh hưởng đến các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Căn bệnh này có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn.

Nguyên nhân suy tuyến thượng thận

   Nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận có thể kể đến như:

Nguyên nhân xuất phát tại tuyến (nguyên phát)

  • Nguyên nhân thường gặp nhất là do hoạt động của hệ miễn dịch bị rối loạn. Thay vì tấn công các tác nhân gây bệnh từ môi trường, thì hệ miễn dịch lại hủy hoại chính những mô của cơ thể, gây viêm thượng thận tự miễn.
  • Nhiễm khuẩn tuyến thượng thận.
  • Nhồi máu hoặc xuất huyết tuyến thượng thận.
  • Phá hủy thượng thận 2 bên do thâm nhiễm, ung thư xâm lấn.
  • Loạn dưỡng chất trắng vỏ thượng thận.
  • Suy tuyến thượng thận có tính chất gia đình.
  • Hội chứng đề kháng corticoid.
  • Sử dụng các thuốc làm giảm tổng hợp cortisol như: Ketoconazol, aminoglutethimide,...

 

tự miễn là nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận nguyên phát

Tình trạng tự miễn là nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận nguyên phát

 

Nguyên nhân suy tuyến thượng thận do tuyến yên và vùng dưới đồi (thứ phát)

  • Sử dụng glucocorticoid liều cao, kéo dài là nguyên nhân thường gặp nhất. Điều này gây ức chế vùng dưới đồi và tuyến yên, làm giảm tiết ACTH - hormone kích thích vỏ thượng thận.
  • Hoại tử tuyến yên sau sinh do mất máu.
  • Khối u tuyến yên.
  • Viêm tuyến yên do nhiễm khuẩn, tự miễn, thâm nhiễm hạt.
  • Chấn thương, teo tuyến yên.
  • Tổn thương tuyến yên do phẫu thuật, xạ trị,...

 

Triệu chứng suy tuyến thượng thận

   Các triệu chứng suy tuyến thượng thận khá giống với một số bệnh lý khác, và có mức độ biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Trong đó, những triệu chứng suy tuyến thượng thận mạn có thể kể đến như:

  • Mệt mỏi về thể chất, tinh thần, giảm khả năng tình dục.
  • Sụt cân từ từ do mất nước, mất muối khoáng, ăn kém.
  • Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, cồn cào, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
  • Sạm da ở mặt, cổ, nếp gấp bàn tay, núm vú, sạm niêm mạc má, lợi, lưỡi, sàn miệng,... Những vùng da hở, tiếp xúc với ánh nắng sẽ dễ bị đen sạm hơn. Triệu chứng này chỉ xuất hiện ở suy tuyến thượng thận nguyên phát.
  • Rối loạn nước và điện giải gây huyết áp thấp, hạ huyết áp tư thế, chuột rút, thèm ăn muối,...
  • Hạ đường huyết.
  • Phụ nữ có biểu hiện vô kinh, kinh nguyệt không đều, âm đạo chuyển màu xanh đen.

   Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải cơn suy thượng thận cấp trên nền mạn với các triệu chứng điển hình như: Sốt, trụy mạch không rõ nguyên nhân, suy nhược, kích động, lú lẫn, đau cơ, chuột rút, buồn nôn, nôn, đau bụng cấp,...

 

Sạm da là triệu chứng của suy tuyến thượng thận

Sạm da là triệu chứng của suy tuyến thượng thận

 

Suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không?

   Có thể khẳng định, suy tuyến thượng thận là một căn bệnh rất nguy hiểm. Suy tuyến thượng thận mạn thường tiến triển từ từ theo thời gian. Các triệu chứng khá mờ nhạt khi mới mắc bệnh, và dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý tiêu hóa, hoặc do làm việc quá sức, nhịn ăn, ăn không đủ bữa,...

   Khi người bệnh bất ngờ bị nhiễm khuẩn nặng, stress cấp tính, xuất huyết tuyến thượng thận 2 bên, ngừng dùng corticoid đột ngột,... sẽ rất có thể gặp phải cơn suy thượng thận cấp. Tình trạng này được gọi là khủng hoảng Addison.

    Lúc này, nồng độ kali trong máu tăng cao và natri hạ xuống thấp, huyết áp hạ thấp đột ngột. Người bệnh có biểu hiện đau bụng dữ dội, nôn mửa và tiêu chảy dẫn đến mất nước, lú lẫn, mê sảng, co giật và sốc,... Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong do trụy mạch sốc tim, sốc nhiễm khuẩn.

 

Chẩn đoán suy tuyến thượng thận

   Khi gặp những dấu hiệu kể trên, bạn nên đi khám ngay để xác định xem mình có mắc suy tuyến thượng thận hay không. Các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm cần thiết để giúp bạn chẩn đoán chính xác nhất, cũng như xác định nguyên nhân gây bệnh.

Chẩn đoán xác định

Với suy tuyến thượng thận mạn:

  • Dựa trên các triệu chứng lâm sàng của suy tuyến thượng thận mạn do thiếu hụt cortisol, aldosterone và androgen.
  • Đo cortisol máu.
  • Nghiệm pháp kích thích ACTH: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1 ống Synacthen 250 mcg, sau đó định lượng cortisol máu sau 30, 60 phút.

Với suy tuyến thượng thận cấp:

  • Dựa trên các triệu chứng suy thượng thận cấp do cơ thể tăng nhu cầu sử dụng corticoid.
  • Định lượng cortisol máu nền và ACTH.
  • Rối loạn điện giải nặng, có cô đặc máu, protid máu tăng, Hct tăng, suy thận chức năng, nhiễm toan chuyển hóa.

 

Liệu pháp ACTH được sử dụng trong chẩn đoán suy tuyến thượng thận

Liệu pháp ACTH được sử dụng trong chẩn đoán suy tuyến thượng thận

 

Chẩn đoán cận lâm sàng

Xét nghiệm đặc hiệu: Cortisol máu nền, nghiệm pháp kích thích ACTH.

Xét nghiệm khác:

  • Công thức máu: Thiếu máu nhược sắc, giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ái toan.
  • Đường huyết lúc đói có thể thấp.
  • Điện giải đồ: Natri máu giảm, natri niệu tăng, kali máu tăng.
  • Tăng ure, creatinin do suy thận chức năng, toan máu nhẹ, tăng calci máu từ nhẹ đến trung bình.

Chẩn đoán hình ảnh:

  • Chụp MRI sọ não, CT scan khi nghi ngờ u tuyến yên,
  • Siêu âm ổ bụng và CT thượng thận nhằm phát hiện ra u thượng thận, kích thước và tính chất khối u.
  • Xquang tim phổi thẳng để phát hiện có lao phổi kèm theo, hay ung thư di căn.

 

Suy tuyến thượng thận có chữa được không?

   Hiện nay, y học vẫn chưa có phương pháp để chữa khỏi suy tuyến thượng thận hoàn toàn. Phần lớn người bệnh cần dùng thuốc điều trị cho đến cuối đời. Mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát các triệu chứng của bệnh, đồng thời ngăn ngừa tình trạng suy tuyến thượng thận cấp xảy ra. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được theo dõi sát sao để phòng ngừa những tác dụng phụ do thuốc corticoid gây ra.

 

Phác đồ điều trị suy tuyến thượng thận

   Phác đồ điều trị suy tuyến thượng thận sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với từng người bệnh, dựa trên thể trạng, và các bệnh lý mắc kèm (nếu có). Nhìn chung, hầu hết người bệnh được điều trị bằng thuốc thay thế hormone, trong đó chủ yếu là nhóm cortisol.

   Quá trình điều trị thường bắt đầu với việc truyền dịch qua đường tĩnh mạch, và uống corticoid. Người bệnh sẽ được bắt đầu bằng việc sử dụng hydrocortison với liều từ 15 - 25mg/ ngày, chia thành 2 lần. 2/3 liều uống vào buổi sáng và 1/3 liều uống vào lúc chiều tối.

   Trong trường hợp tác dụng giữ muối của hydrocortison không đủ, người bệnh sẽ phải uống thêm fludrocortison hoặc ăn thêm muối. Liều dùng của fludrocortison acetat là từ 0,05 - 0,3mg/ ngày. Liều lượng được điều chỉnh dựa theo huyết áp, nồng độ kali máu của người bệnh. Nếu người bệnh có đáp ứng tốt hơn với prednisolon, thì họ sẽ được dùng với liều 3mg sáng và 2 mg chiều tối.

   Với các trường hợp bị chấn thương, nhu cầu sử dụng corticoid của cơ thể tăng lên thì người bệnh được tiêm corticoid theo đường tĩnh mạch. Khi chấn thương hồi phục, liều lượng sẽ được điều chỉnh lại về mức bình thường.

   Người bệnh cũng cần chú ý uống thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc, ngừng dùng. Trong trường hợp quên uống thuốc, stress, tiêu chảy, nhiễm trùng,... người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để điều chỉnh liều sử dụng cho phù hợp nhất. Người bệnh cũng nên tái khám định kỳ để đánh giá hiệu quả điều trị, và tác dụng phụ từ việc điều trị. Bởi sử dụng corticoid lâu dài có thể dẫn đến loãng xương, tiểu đường,...

 

 

Suy tuyến thượng thận nên ăn uống như thế nào?

    Một số lựa chọn trong việc ăn uống mà người bệnh suy tuyến thượng thận nên thực hiện như sau:

  • Uống đủ nước để bù lại lượng nước bị hao hụt. Người bệnh nên uống nước khoáng kiềm, nước tinh khiết, thêm một chút muối Himalaya, nước chanh để tăng tác dụng.
  • Sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin C: Thiếu hụt các loại hormone sẽ khiến sức đề kháng suy giảm. Người bệnh trở thành mục tiêu của các bệnh nhiễm trùng. Do đó, những thực phẩm giàu vitamin C là sự lựa chọn tốt để tăng cường sức đề kháng cho họ.
  • Thực phẩm giàu vitamin B5 giúp hỗ trợ các hormon của tuyến thượng thận.
  • Sử dụng các loại chất béo lành mạnh như acid béo không bão hòa Omega-3, giúp giảm tình trạng viêm trong cơ thể.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu protein: Thịt, cá, trứng, sữa, các loại hạt,...
  • Sử dụng các thực phẩm giàu L-tyrosine giúp hỗ trợ cho hoạt động của tuyến thượng thận. Những thực phẩm này gồm có: Thịt gà, cá, lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, quả bơ,...

   Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tránh dùng các loại thực phẩm nhiều natri, photpho, carbohydrate tinh chế, thực phẩm gây dị ứng, rượu bia và những chất kích thích khác,...

   Hy vọng, bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cần thiết cho quý độc giả về vấn đề: “Suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không?”, cũng như nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh này. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Bài viết cùng chủ đề

Sụt cân nhanh, không rõ nguyên nhân là bệnh gì, có nguy hiểm hay không?

Sụt cân nhanh, không rõ nguyên nhân là bệnh gì, có nguy hiểm hay không?

Suy tuyến thượng thận - Hệ lụy tai hại do lạm dụng corticoid

Suy tuyến thượng thận là bệnh gì? Lạm dụng corticoid gây ra suy tuyến thượng thận như thế nào? Suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé
Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844