Ở nước ta, mỗi năm cứ đến mùa mưa, mùa xuân là dịch sốt xuất huyết lại bùng lên mạnh mẽ. Trung bình 1 năm, có đến 100.000 người mắc và có rất nhiều ca tử vong vì căn bệnh này.
Việc nắm được mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết cũng như dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ bạn trước sự tấn công của bệnh, nếu có mắc cũng sẽ giảm thiểu tối đa hậu quả do nó gây ra.
Những thông tin quan trọng đó sẽ được trình bày trong bài viết sau đây, cùng tìm hiểu ngay nhé!
Sốt xuất huyết là bệnh gì?
Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm dễ gây tử vong
Sốt xuất huyết Dengue (Dengue Hemorrhagic Fever) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Virus Dengue truyền từ người này qua người khác thông qua vết muỗi đốt.
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết cũng như chưa có vacxin phòng ngừa, đồng thời bệnh dễ lây lan qua đường muỗi đốt nên dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt là vào mùa mưa và ở những nơi đông dân cư, có vệ sinh kém, muỗi phát triển nhiều.
Bệnh sốt xuất huyết có đặc điểm là xuất huyết và trụy mạch, bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời và đúng mức sẽ đối mặt với nguy cơ cao bị tử vong.
Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong
Triệu chứng của sốt xuất huyết
Nắm được triệu chứng của sốt xuất huyết từ đó có phương pháp điều trị kịp thời là điều rất quan trọng để giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh. Dựa trên mức độ nặng, sốt xuất huyết được chia làm 4 mức độ:
- Độ 1: Sốt đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày, sốt khó hạ, kèm theo nổi hạch, đau nhức cơ, đau đầu,đau khớp, chán ăn, buồn nôn.
- Độ 2: Triệu chứng như độ 1 kèm theo xuất huyết nhẹ ở dưới da hoặc niêm mạc.
- Độ 3: Trụy mạch, xuất huyết vừa.
- Độ 4: Bệnh nhân có biểu hiện sốc, mạch nhanh nhỏ, không đo được huyết áp.
Cụ thể, sau khi ủ bệnh từ 5-7 ngày từ khi bị muỗi mang virus đốt, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng như sau:
Hội chứng nhiễm virus
- Sốt cao đột ngột liên tục 39-40oC, liên tục từ 2-7 ngày.
- Rối loạn tiêu hóa: bỏ ăn, đau bụng, táo bón, nôn…
- Đau tức vùng hạ sườn phải (thường gặp ở trẻ em mắc sốt xuất huyết).
- Đau đầu, nhức vùng hố mắt, đau mỏi cơ khớp.
- Sưng ở một số hạch trên cơ thể, đặc biệt là hạch cổ và hạch khủy tay.
- Da và niêm mạc mắt bị xung huyết hoặc có phát ban trên da.
Hội chứng xuất huyết
Từ ngày thứ 2-3 của bệnh, người bệnh thường có biểu hiện xuất huyết. Quan sát, bệnh nhân sẽ có những chấm, nốt hoặc mảng xuất huyết dưới da. Ngoài ra, họ có thể bị xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng), xuất huyết nội tạng (nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen).
Người bệnh có những nốt xuất huyết dưới da
Hội chứng suy tuần hoàn
Triệu chứng suy tuần hoàn biểu hiện ở nhiều mức độ của bệnh. Ở giai đoạn nguy hiểm (từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6) dễ xảy ra sốc, hạ nhiệt độ cơ thể. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Nhẹ: Huyết áp giảm nhẹ hoặc giao động, mạch nhanh.
- Nặng: Có dấu hiệu của tiền sốc (hốt hoảng, li bì, thân nhiệt hạ nhanh, đau bụng tăng, nôn nhiều, tay chân lạnh, môi tím tái, tiểu ít) hoặc sốc (tụt huyết áp, mệt lả, da tím, lạnh, tinh thần lơ mơ).
Nguyên nhân sốt xuất huyết là gì?
Như đã trình bày ở trên, nguyên nhân gây sốt xuất huyết là do virus Dengue thuộc họ Arbovirus truyền qua vết muỗi đốt.
Cách điều trị sốt xuất huyết
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết. Các phương pháp được áp dụng sẽ dựa trên nguyên tắc:
- Bổ sung dịch để bù lượng nước mất đi trong quá trình bị sốt.
- Hạ thân nhiệt bằng thuốc hạ sốt, khi người bệnh sốt cao trên 40oC có thể cần dùng đến thuốc an thần.
- Khi có hiện tượng xuất huyết thì cần có phương pháp xử trí ngay. Cần truyền máu khi có xuất huyết nội tạng và xét nghiệm thấy chỉ số hematocrit thấp.
- Phát hiện sớm tình trạng sốc, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ của bệnh:
- Với sốt xuất huyết độ 1 và 2:
- Bù nước và điện giải bằng nước oresol, nước chanh, nước cam.
- Nếu bệnh nhân nôn nhiều, huyết áp giao động, suy tuần hoàn thì cần được truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ. Các dung dịch truyền là Nacl 0.9%, glucose 5%, Ringer lactat.
- Điều trị triệu chứng bằng thuốc hạ sốt (paracetamol), thuốc an thần.
- Với sốt xuất huyết độ 3 và 4, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp:
- Chống sốc bằng truyền dung dịch điện giải, dung dịch keo, máu…
- Chống rối loạn thăng bằng kiềm toan
- Chỉ định thuốc trợ tim mạch
- Thở oxy khi cần thiết.
- Chống xuất huyết tiêu hóa, truyền máu tươi, khối tiểu cầu, huyết tương nếu có xuất huyết tiêu hóa nhiều.
Bệnh nhân cần được bù nước, điện giải khi bị sốt và mất nước
Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
Hiện nay, chưa có vacxin phòng ngừa virus gây sốt xuất huyết. Các biện pháp phòng ngừa đó là tiêu diệt nguồn lây bệnh và tránh bị muỗi đốt.
- Tiêu diệt nguồn gây bệnh: áp dụng các biện pháp như diệt muỗi, phun thuốc trừ muỗi, diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường và nguồn nước xung quanh nhà. Với mỗi vùng miền khác nhau thì sẽ có đặc điểm riêng về nơi sinh đẻ và phát triển của bọ gậy và muỗi (như hình). Dựa vào đó, bạn cần có biện pháp tiêu diệt những nơi muỗi có khả năng sinh sản và phát triển, đặc biệt là quanh nhà và nơi làm việc.
- Tránh bị muỗi đốt: mắc màn khi ngủ, sử dụng kem chống muỗi, hương đuổi muỗi…
Trên đây là những thông tin quan trọng cần biết về bệnh sốt xuất huyết. Hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ bây giờ để bảo vệ mình trước căn bệnh nguy hiểm này nhé. Nếu có biểu hiện sốt cùng một số triệu chứng ban đầu của bệnh, hãy đi khám ngay để được điều trị sớm và hiệu quả. Chúc các bạn sức khỏe!
XEM THÊM: