Giải mã cấu trúc hệ vận động cơ-xương-khớp

Cập nhập: Thứ sáu, 17/02/2023

Mục lục [Ẩn]

 

   Hệ vận động là một thành tố quan trọng, góp phần định hình nên cơ thể con người, giúp ta đảm bảo được từ những động tác di chuyển nhỏ nhất cho đến những hành vi lao động phức tạp hay thậm chí là biểu đạt cảm xúc. Bài viết sau đây sẽ “giải mã” cấu trúc hệ vận động, giúp bạn có kiến thức tổng quát, hiểu hơn về hệ vận động, làm cơ sở để duy trì sức khỏe và phòng tránh bệnh tật tốt hơn cho hệ cơ quan này. Xin mời cùng tham khảo!

 

Cấu trúc hệ vận động cơ-xương-khớp

Cấu trúc hệ vận động cơ-xương-khớp

 

   Trải qua thời kỳ dài tiến hóa, hệ vận động của người được coi là tiến hóa nhất trong toàn bộ sinh giới nói chung. Nó bao gồm 3 yếu tố cấu thành chính là cơ, xương và khớp. Vì vậy, sau đây chúng ta cũng sẽ đi tìm hiểu về hệ vận động lần lượt theo từng yếu tố trên.

Bộ xương

   Phần xương gồm 206 chiếc, dài ngắn khác nhau, hợp lại tạo thành bộ xương, định hình ra hình thái và nâng đỡ cơ thể, che chở cho các cơ quan nội tạng (tim, gan, phổi, …) khỏi những chấn thương lý học.

   Bộ xương người chia làm ba phần là xương đầu (gồm các xương mặt và khối xương sọ), xương thân (gồm xương ức, xương sườn và xương sống) và xương chi (xương chi trên - tay và xương chi dưới - chân). Tất cả gồm 300 chiếc xương ở trẻ em và 206 xương ở người trưởng thành, dài, ngắn, dẹt khác nhau hợp lại ở các khớp xương. Trong bộ xương còn có nhiều phần sụn.

  • Khối xương sọ ở người gồm 8 xương ghép lại tạo ra hộp sọ lớn chứa não  ở bên trong.
  • Xương mặt nhỏ, xương hàm người gọn gàng tinh giản hơn nhiều so với động vật vì tiến hóa theo hướng nhai thức ăn chín. Sự hình thành lồi cằm liên quan đến việc phát triển các cơ vận động ngôn ngữ.
  • Cột sống gồm 33 - 34 đốt sống khớp với nhau và cong ở 4 chỗ, thành 2 chữ S tiếp nhau giúp cơ thể đứng thẳng và chịu tải của trọng lực tốt hơn.
  • Các xương sườn gắn với cột sống và một số cái có đầu còn lại gắn với xương ức tạo thành lồng ngực, bảo vệ tim và phổi.
  • Xương tay có cấu tạo từ trên xuống dưới bao gồm: xương vai, xương đòn, xương cánh tay, xương cẳng tay, xương cổ tay, xương đốt ngón tay.
  • Xương chân có cấu tạo từ trên xuống dưới gồm có: xương đùi, xương bánh chè, xương chày, xương mác, xương cổ chân, xương bàn chân, xương ngón chân.
  • Xương chậu, xương hông: Là vùng xương lớn nhất, nằm ở cuối cột sống thắt lưng, bao quanh vùng cột sống cuối cùng, giúp chống đỡ trọng lượng phần trên của cơ thể.

 

Cấu tạo bộ xương

Cấu tạo bộ xương

 

Căn cứ vào hình dạng cấu tạo, người ta phân biệt 3 loại xương là:

  •  Xương dài :Loại xương có số lượng nhiều nhất, có hình ống, giữa chứa tủy đỏ ở trẻ em và chứa mỡ vàng ở người trưởng thành như xương ống tay, xương đùi, xương cẳng chân, ...
  • Xương ngắn : kích thước ngắn, chẳng hạn như xương đốt sống, xương cổ chân, cổ tay, ...
  • Xương dẹt : Loại xương có số lượng ít nhất, có hình bản dẹt, mỏng như xương bả vai, xương cánh chậu, các xương sọ.

 

Khớp xương

   Khớp xương (khớp) là nơi tiếp giáp giữa các đầu xương. Có ba loại khớp là : khớp động như các khớp ở tay, chân; khớp bán động như khớp các đốt sống và khớp bất động như khớp ở hộp sọ.

Khớp động

   Khớp động là loại khớp cử động dễ dàng và phổ biến nhất trong cơ thể người, giúp chúng ta thực hiện được các động tác linh hoạt như di chuyển, chơi thể thao, lao động,...

   Mặt khớp ở mỗi xương có một lớp sụn trơn, bóng và đàn hồi, có tác dụng làm giảm sự cọ xát giữa hai đầu xương. Giữa khớp có một bao đệm chứa đầy chất dịch nhầy do thành bao tiết ra gọi là bao hoạt dịch. Bên ngoài khớp động là những dây chằng dai và đàn hồi, đi từ đầu xương này qua đầu xương kia làm thành bao kín để bọc hai đầu xương lại. Nhờ cấu tạo đó mà loại khớp này cử động dễ dàng. Khớp động phức tạp nhất trong cơ thể người là khớp gối.

Khớp bán động

   Đây là loại khớp mà giữa hai đầu xương khớp với nhau thường có một đĩa sụn làm hạn chế cử động của khớp. Khớp bán động điển hình là khớp đốt sống, ngoài ra còn có khớp háng.

 

Khớp bán động ở xương cột sống

Khớp bán động ở xương cột sống

 

   Nhờ khớp bán động mà bạn có thể thực hiện được các động tác như khom lưng, ưỡn người,... Tuy nhiên chúng sẽ không thể linh hoạt được bằng các khớp động.

Khớp bất động

   Khớp bất động nằm giữa các xương được khớp cố định với nhau, như xương hộp sọ và một số xương mặt. Các xương này khớp với nhau nhờ các răng cưa nhỏ hoặc do những mép xương lợp lên nhau kiểu vảy cá nên khi cơ co không làm khớp cử động.

   Nói về các loại khớp, nơi mà có cấu tạo phức tạp nhất và cũng là nơi khởi nguồn của nhiều loại bệnh xương khớp nhất chính là khớp động. Vì vậy ở nội dung tiếp theo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về cấu tạo của khớp động nhé.

Cấu tạo chi tiết của khớp động

   Mỗi vị trí khớp có các thành phần cấu tạo khác nhau. Có chỗ có thành phần chuyên dụng cho hoạt động này nhưng có chỗ lại không có (chẳng hạn khớp cầu giúp xoay vòng chỉ có ở cánh tay). Nhưng nhìn chung, một khớp động thường được cấu tạo bởi các thành phần sau:

  • Mặt khớp: Gồm hai hay nhiều đầu xương tiếp giáp với nhau, mỗi đầu xương được bao bọc bởi một lớp sụn mặt khớp mỏng, các đầu xương thường có hình thể khớp với nhau.
  • Sụn khớp: Để hai xương khớp khít vào nhau, đôi khi giữa chúng còn có các sụn bổ trợ, gồm sụn thêm (sụn chêm chặt giữa hai đầu xương, dày mỏng tùy theo khớp và di chuyển theo động tác của khớp như ở khớp thái dương hàm, khớp đầu gối) và sụn viền (tổ chức sụn của một đầu khớp có tác dụng lắp đầy mặt khớp để cho hai mặt khớp ôm chặt nhau).
  • Bao khớp: Hình túi, bao quanh khớp gồm cả hai đầu xương và các sụn bổ khuyết. Tùy theo chiều cử động mà độ dày mỏng ở các vị trí khác nhau. Bao khớp gồm hai lớp. Lớp ngoài là màng sợi dày có nhiệm vụ bảo vệ do có chứa các sợi collagen từ màng bọc xương kéo đến, các dây thần kinh cảm giác, xúc giác. Lớp trong là bao hoạt dịch.
  • Bao hoạt dịch: là một túi hoạt dịch chứa dịch lỏng nhất quán như lòng đỏ trứng ( vì vậy còn có tên gọi khác là túi hoạt dịch) và có các tế bào tiết dịch. Chất lỏng này là một siêu lọc từ huyết tương, và chứa các protein có nguồn gốc từ huyết tương và protein được sản xuất bởi các tế bào trong các mô khớp. Bao hoạt dịch thường nằm xung quanh vai, khuỷu tay, hông, đầu gối, bàn chân. Thành phần này có vai trò như một lớp đệm giữa xương và các bộ phận xung quanh như cơ bắp, gân, da, từ đó giúp cho ta cử động dễ dàng hơn.
  • Màng hoạt dịch: là lớp màng bao phủ bao hoạt dịch, có nhiệm vụ tiết dịch cung cấp oxy và dưỡng chất nuôi dưỡng khớp, giảm ma sát, hấp thụ sốc. Đồng thời, lớp màng này cũng loại bỏ carbon dioxide và chất thải trao đổi chất từ các tế bào sụn trong sụn xung quanh.
  • Xoang khớp: Là khoảng trống bao quanh hai đầu xương và các sụn khớp được giới hạn bởi bao hoạt dịch và chứa đầy hoạt dịch hay dịch khớp.
  • Dây chằng: Là những bó sợi sinh keo đàn hồi nối hai đầu xương với nhau. Dây chằng cùng với bao khớp giữ chiều hoạt động của khớp. Dây chằng có hai loại gồm dây chằng ngoại biên (là dây chằng nằm trong hoặc ngoài vách bao sợi) và dây chằng gian khớp (nằm trong xoang khớp, bám nối giữa hai mặt khớp, nằm bên trong màng hoạt dịch).
  • Ổ khớp: Giới hạn bởi các mặt khớp và bao khớp, có bao hoạt dịch lót mặt trong bao khớp. Trong ổ khớp có chất hoạt dịch. Vì vậy nên khớp động còn được gọi là khớp hoạt dịch.
  • Khớp cầu: Giúp quay cánh tay một vòng hoàn chỉnh vì cánh tay được liên kết bởi một khớp cầu. Khớp này gồm một đầu của xương thứ nhất tròn như quả bóng (hình cầu) khớp với một hốc tròn của đầu xương thứ hai.

 

Giải phẫu khớp gối

Giải phẫu khớp gối

 

   Tiếp theo chúng ta hãy cùng tìm hiểu thành tố cuối cùng của hệ vận động, đó chính là cơ bắp.

 

Hệ cơ

   Cơ thể người có khoảng 600 cơ tạo thành hệ cơ. Cơ bám vào xương, dưới sự chỉ đạo của hệ thần kinh, cơ co làm cho xương cử động, vì vậy các cơ này gọi là cơ xương (cơ vân). Bên cạnh đó còn có các cơ vận động nội tạng (cơ tạng hay cơ trơn) và cơ vận động tim (cơ tim). Tùy vị trí trên cơ thể và tùy chức năng mà cơ có hình dạng khác nhau : hình tấm, hình lông chim, nhiều đầu hay nhiều thân, ...

   Tuy nhiên, cơ có liên quan chính đến hệ vận động đó chính là cơ vân, tạo nên các bắp cơ, định hình ra dáng dấp cơ thể thông qua các bắp cơ, và tham gia vào chức năng hoạt động của con người.

   Bắp cơ và tế bào cơ vân

   Bắp cơ gồm nhiều bó cơ, mỗi bó gồm nhiều sợi cơ (tế bào cơ) nắm dọc theo chiều dài bắp cơ. Hai đầu bắp cơ thuôn lại, dài ra thành gân bám vào các xương qua khớp, phần giữa phình to gọi là bụng cơ. Bắp cơ càng khỏe, bụng cơ càng phình làm nổi lên cơ bắp.

   Trong bắp cơ có nhiều mạch máu và dây thần kinh, chia thành nhiều nhánh nhỏ đi đến từng sợi cơ. Nhờ thế mà cơ tiếp nhận được chất dinh dưỡng và các kích thích.

Cấu tạo cơ vân

Cấu tạo cơ vân

 

   Mỗi sợi cơ là một tế bào cơ dài khoảng 10 – 12 cm, có màng sinh chất, chất tế bào và nhiều nhân hình bầu dục. Trong chất tế bào có nhiều tơ cơ nhỏ nằm song song. Mỗi tơ cơ gồm những đoạn màu sáng và màu sẫm nằm xen kẽ nhau tạo thành vân ngang, đó là các đĩa sáng và đĩa tối. Tơ cơ có hai loại là tơ cơ dày và tơ cơ mảnh xếp xen kẽ nhau. Tơ cơ mảnh thì trơn, tơ cơ dày có mấu sinh chất.

   Sự co cơ

   Co cơ là hiện tượng các cơ co hoặc giãn dưới các tác động khác nhau của các dạng năng lượng sinh hóa, cơ học,... trong cơ thể con người hoặc động vật, giúp tạo ra các hành vi vận động.

   Nghiên cứu về hiện tượng co cơ có thể giải thích được một lượng lớn các yếu tố liên quan tới năng lượng vận động, các chuyển hóa hoá học nhằm giải thích các hiện tượng sinh lý học trong cơ thể con người. Nghiên cứu về co cơ có liên quan mật thiết tới sinh lý cơ trong cơ thể.

   Mong rằng qua bài viết, bạn đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích để hiểu hơn về hệ vận động cơ- xương - khớp của cơ thể con người. Nếu có câu hỏi nào về các vấn đề sức khỏe, bạn có thể liên hệ tổng đài 1800 1044 (miễn cước) để được tư vấn cụ thể.

 

XEM THÊM:

Chủ đề: Hệ vận động
Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Chương trình khuyến mãi, tích điểm tặng quà