Rối loạn nhân cách ái kỷ còn được gọi là chứng yêu bản thân thái quá. Đây là một rối loạn về tâm thần, bắt gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới, và thường khởi phát ở độ tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành. Tuy không nguy hiểm, nhưng rối loạn nhân cách ái kỷ lại ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống của người bệnh. Trong bài bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về căn bệnh này nhé!
Rối loạn nhân cách ái kỷ - Khi quá yêu bản thân cũng có thể trở thành bệnh!
7 dấu hiệu nhận biết một người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ
Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder - NPD) khiến cho một người chỉ quan tâm đến bản thân. Họ luôn mong muốn mọi người ngưỡng mộ và tôn trọng mình, nhưng lại thiếu sự đồng cảm với người khác. Họ coi mình như trung tâm của vũ trụ, và luôn tin rằng mình xứng đáng được đối xử đặc biệt.
Trên thực tế, không khó để chúng ta nhận ra được một người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ, khi mà họ có những biểu hiện đặc trưng như:
Người mắc chứng rối loạn này có thể nói dối về mọi thứ, chứ không dừng lại ở những vấn đề cá nhân. Họ có thể xây dựng lên những câu chuyện hư cấu, theo một hướng có lợi cho bản thân. Mục đích chính là để bảo vệ hình ảnh, thể diện bên ngoài. Nếu một người bình thường cảm thấy hồi hộp, lo lắng, run khi nói dối, thì người ái kỷ lại coi đây là việc giúp họ lấy lại bình tĩnh.
Những người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ luôn muốn được người khác thán phục. Do đó, họ phải che giấu con người ấy bằng cách dựng lên một hình ảnh khác với bản thân mình. Việc thể hiện bản thân thái quá không chỉ dừng lại ở ngoài đời thực, mà còn diễn ra trên cả mạng xã hội. Thậm chí, họ còn có thể hạ thấp người khác để tự nâng mình lên và thể hiện sức mạnh.
Mặc dù người ái kỷ có vẻ tỏ ra rất tự tin, nhưng thực chất lại vô cùng tự ti. Chính vì vậy, họ ngay lập tức nổi nóng với bất kỳ ai muốn chỉ trích họ. Họ phản ứng lại bằng cách gây hấn hoặc công kích cá nhân, chứ nhất quyết không chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình.
Người bệnh thường sẽ nổi nóng khi bị chỉ trích
Người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ thường không để tâm đến luật lệ và chuẩn mực xã hội. Họ coi những điều đó là một sự phiền toái, họ cần có được sự ưu tiên, bất kể điều này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác như thế nào đi chăng nữa.
Những người ái kỷ có thể tạo cho mình một kỹ năng phủ nhận những sai lầm của bản thân, và chỉ ra khuyết điểm hoặc đổ lỗi cho người khác một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người ái kỷ không biết cảm thông. Trên thực tế, họ hoàn toàn cảm nhận được, nhưng việc bảo vệ hình ảnh và cái tôi cá nhân lại tạo nên một rào cản vô hình khiến họ không thể bày tỏ.
Người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ rất giỏi trong việc thao túng và lợi dụng người khác. Tất cả những việc họ làm, thể hiện ra bên ngoài đều nhắm tới một mục đích là để điều khiển người khác, để thỏa mãn những ham muốn của bản thân mình.
Điều này được thể hiện theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như việc các bậc cha mẹ ép con cái phải sống theo ý mình, hoàn thành những ước mơ dang dở của họ cũng là một biểu hiện của ái kỷ.
Việc tự tin thái quá vào bản thân, khiến người bệnh ái kỷ ảo tưởng rằng mình hiểu biết và có kinh nghiệm thực sự. Họ lầm tưởng rằng bản thân mình là những “con sói lão luyện”, nhưng thực tế, họ chỉ là những “con cừu non nớt”. Những phán đoán của họ không phải lúc nào cũng chính xác, và chính sự tự tin này đôi khi lại biến họ thành “con mồi” trong những vụ lừa đảo, cạm bẫy mà người khác giăng ra.
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn nhân cách ái kỷ là gì?
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra chứng rối loạn nhân cách ái kỷ vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, đa phần các chuyên gia đều cho rằng, nó là hệ quả do sự tương tác giữa các yếu tố sinh học thần kinh, di truyền, xã hội và môi trường sống.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc chứng bệnh này tăng lên đáng kể nếu người thân trong gia đình có người mắc bệnh. Người ta cũng nhận thấy sự bất thường trong cấu trúc não bộ người bệnh như: giảm sút chất xám ở vỏ não phía trước trán; và sự bất thường của các vùng não chi phối chức năng nhận thức, cảm xúc, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm.
Bên cạnh đó, rối loạn này cũng có thể phát triển từ khi còn nhỏ khi trẻ nhận được sự ngưỡng mộ quá mức so với tài năng thực tế, hoặc bị chỉ trích và tra tấn tinh thần khi trẻ mắc phải lỗi lầm.
Rối loạn nhân cách ái kỷ có thể hình thành từ khi còn nhỏ
Điều trị chứng chứng rối loạn nhân cách ái kỷ bằng cách nào?
Rối loạn nhân cách ái kỷ không phải bệnh nguy hiểm, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Người bệnh nhạy cảm quá mức với những thất bại trong việc học tập, nghề nghiệp và cuộc sống. Họ sẽ rơi vào trạng thái ủ rũ, chán nản, xấu hổ, tổn thương, bất an, cảm thấy bị sỉ nhục và khinh thường. Những cảm xúc này sẽ trở nên nghiêm trọng dần theo thời gian và có khả năng phát triển thành rối loạn lo âu, trầm cảm. Cùng với đó, đời sống tình cảm bị thu hẹp, người bệnh sống cô lập và không nhận được tình cảm chân thành.
Để điều trị căn bệnh này, biện pháp tối ưu nhất vẫn là tư vấn tâm lý, nhằm giúp họ xác định được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, nhìn nhận sự việc một cách thực tế và giúp đỡ người khác không vì tư lợi. Tư vấn cũng giúp bệnh nhân dần hình thành sự đồng cảm với những người xung quanh và giảm nhu cầu được khen ngợi, ngưỡng mộ một cách thái quá.
Cùng với đó, người bệnh có thể được chỉ định một số loại thuốc, cũng như thực hiện các biện pháp cải thiện tại nhà như: Suy nghĩ tích cực hơn, không sử dụng chất kích thích, đọc sách, tập thể dục, nghe nhạc, vẽ tranh, chơi với thú cưng, thiền, ngủ đủ giấc,...
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về bệnh lý rối loạn nhân cách ái kỷ. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Luôn sợ hãi, sợi sai - Hãy thận trọng với rối loạn nhân cách tránh né
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) - Khi quá ngăn nắp cũng có thể trở thành bệnh!