Thoát vị đĩa đệm là gì? Các phương pháp điều trị

Cập nhập: Thứ hai, 20/02/2023

Mục lục [Ẩn]

 

   Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thoát vị đĩa đệm là bệnh thường gặp nhất trong số các bệnh lý về cột sống, khi mà có tới 30% người trưởng thành mắc phải tình trạng này. Thoát vị đĩa đệm có nguyên nhân, triệu chứng là gì? Cách điều trị ra sao? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

 

Thoát vị đĩa đệm là bệnh gì?

Thoát vị đĩa đệm là bệnh gì?

 

Thoát vị đĩa đệm là gì?

   Đĩa đệm là những phần cấu trúc có hình mỏng dẹt nằm giữa các đốt của cột sống, giúp phần tiếp giáp giữa phần đầu 2 xương cột sống êm ái hơn. Nó giúp cột sống trở nên linh hoạt, giảm chấn động và tăng khả năng chịu lực khi cơ thể con người vận động. Cấu tạo chính của đĩa đệm gồm 3 phần: nhân nhầy ở giữa, mâm sụn và vòng sợi (tạo thành bao xơ).

   Thoát vị đĩa đệm là một căn bệnh xương khớp mạn tính, liên quan tới tình trạng các lớp nhân nhầy ở trong vùng đĩa đệm của cột sống bị thoát khỏi bao xơ đệm. Sau đó chèn ép lên các dây thần kinh hoặc ống sống, gây ra những triệu chứng đau nhức, khó chịu và nhiều biến chứng cho bệnh nhân.

 

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm

  Theo các chuyên gia, các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ và nguyên nhân chính dẫn đến thoát vị đĩa đệm gồm có:

  • Do tuổi tác: Khi quá trình lão hóa diễn ra, đĩa đệm và cột sống bị mất nước, thoái hóa xơ cứng và rất dễ dàng bị tổn thương. Vì thế mà đây là nguyên nhân khó tránh khỏi của rất nhiều trường hợp thoát vị đĩa đệm;
  • Do làm việc nặng, vận động, lao động quá sức hoặc sai tư thế, dẫn đến đĩa đệm và cột sống bị tổn thương, nhất là những công việc tạo nhiều áp lực lên cột sống;
  • Do chấn thương ở vùng lưng;
  • Do các bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải ở vùng cột sống như gù vẹo, thoái hóa cột sống…
  • Yếu tố di truyền;
  • Thừa cân: cân nặng của cơ thể càng lớn, gánh nặng cho những đĩa đệm cột sống càng cao, đặc biệt là ở khu vực thắt lưng;
  • Nghề nghiệp: các đối tượng lao động chân tay, mang vác nặng, sai tư thế đều có nguy cơ cao mắc thoát vị đĩa đệm;

 

Mang vác đồ nặng quá mức dễ bị thoát vị đĩa đệm

Mang vác đồ nặng quá mức dễ bị thoát vị đĩa đệm

 

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm

   Bệnh thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở nhiều vị trí với độ nặng nhẹ khác nhau. Có một số trường hợp người bệnh không có bất kỳ một dấu hiệu triệu chứng nổi bật nào khi ở giai đoạn khởi phát, có người thì thấy các triệu chứng bất thường xuất hiện một cách đột ngột và rầm rộ ngay từ đầu.

   Một số triệu chứng điển hình nhất của bệnh thoát vị đĩa đệm bạn cần lưu ý như là:

  • Tê bì tay chân: Triệu chứng này bắt nguồn từ việc nhân nhầy đĩa đệm thoát vị, chèn ép lên các dây thần kinh, tủy sống. Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến, rõ ràng nhất, gặp ở phần lớn người bệnh.
  • Đau nhức: Dù là bị thoát vị đĩa đệm ở bất kỳ vị trí đốt sống nào bạn cũng sẽ cảm thấy đau nhức. Nếu như vị trí đó nằm ở cổ thì thì tình trạng đau sẽ xảy ra ở cổ hoặc các khu vực xung quanh như là cổ tay. Còn đối với những người bị thoát vị đĩa đệm lưng thì sẽ bị đau nhức ở các dây thần kinh liên sườn hoặc các vùng thắt lưng.
  • Yếu cơ: Trong trường hợp bệnh đã ở giai đoạn nặng thì tình trạng yếu cơ có thể xảy ra. Lúc này mọi hoạt động sẽ bị ảnh hưởng và nếu không khắc phục triệt để thì yếu cơ còn dẫn đến teo cơ thậm chí bị bại liệt.

 

Khi bị thoát vị đĩa đệm, đau nhức là điều không thể tránh khỏi

Khi bị thoát vị đĩa đệm, đau nhức là điều không thể tránh khỏi

 

   Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị sớm còn để lại những biến chứng nặng nề:

  • Khi nhân nhầy chui vào trong ống sống, chèn ép rễ thần kinh, làm hẹp khoang sống sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ bị liệt nửa người hoặc bại liệt cả người.
  • Cảm giác đau nhức, mệt mỏi khiến bạn vận động khó khăn, lâu ngày sẽ khiến cơ trở nên suy yếu, bị teo, các chi teo nhanh chóng, chân tay bé lại, khả năng đi lại, vận động giảm sút.
  • Rối loạn cơ vòng: Khi rễ thần kinh bị tổn thương có thể gây ảnh hưởng đến cơ vòng kiểm soát đường tiểu dẫn đến bí tiểu hoặc ngược lại là đái dầm dề, nước tiểu chảy rỉ ra một cách thụ động

 

Điều trị thoát vị đĩa đệm

   Thoát vị đĩa đệm là bệnh khá nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng đáng sợ. Tình trạng nhẹ có thể gây đau buốt, tê nhức, khó cử động, hạn chế khả năng sinh hoạt. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể gây teo cơ, rối loạn hành vi, thậm chí là tàn phế vĩnh viễn.

   Xét về cơ chế sinh học, khi một đĩa đệm bị thoái hóa, nó sẽ không thể trở về trạng thái như ban đầu. Ngay cả việc thay đĩa đệm nhân tạo hay phẫu thuật cắt bỏ khối thoát vị cũng không phải là giải pháp giúp chữa dứt điểm bệnh.

   Tuy nhiên, nếu thực hiện theo đúng lộ trình điều trị, bệnh nhân có thể phục hồi tốt. Đĩa đệm bị thoát vị có điều trị hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, sự kiên trì và quyết tâm của bệnh nhân, phương pháp điều trị,... Trong đó những phương pháp chính bạn nên tham khảo bao gồm:

   Điều trị nội khoa

   Có một số loại thuốc đặc trị được dùng trong điều trị thoát vị đĩa đệm. Tùy vào từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn và chỉ định dùng thuốc phù hợp như:

  • Nhóm thuốc giảm đau
  • Thuốc kháng viêm không Steroid
  • Nhóm thuốc giãn cơ
  • Thuốc tiêm Corticoid

  Điều trị không dùng thuốc

  • Nghỉ ngơi hợp lý

   Khi bệnh khởi phát, việc nghỉ ngơi là cần thiết để giúp vị trí tổn thương có thời gian phục hồi, đỡ sưng tấy. Bệnh nhân nên hạn chế tập thể dục hay thực hiện các hoạt động cần cúi người, nâng các vật nặng, nên dành nhiều thời gian nằm nghỉ trên giường. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng cần đi lại một chút để lưu thông máu, tránh tê bì nặng thêm hoặc khớp xương bị co cứng nhiều hơn.

  • Vật lý trị liệu

 

Vật lý trị liệu để cải thiện bệnh

Vật lý trị liệu để cải thiện bệnh

 

   Một số bài tập có thể giúp cải thiện các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm. Khi thực hiện phương pháp này bạn cần sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên. Họ sẽ hướng dẫn cho bạn những bài tập phù hợp với tình trạng bệnh và thể lực. Các bài tập thường được áp dụng như: Các bài tập kéo căng để giữ cho cơ linh hoạt; Các bài tập thể dục nhịp điệu giúp giảm đau cổ hoặc lưng, đồng thời tăng sản xuất endorphin, chất dẫn truyền thần kinh hoạt động như một loại thuốc giảm đau tự nhiên và giúp cải thiện tâm trạng.

  • Massage

   Massage là biện pháp có khả năng giúp giảm đau, tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ tăng cường sức khỏe hiệu quả. Hiện có khoảng 80 kiểu massage trị liệu với nhiều kỹ thuật đa dạng. Tuy nhiên, trước khi áp dụng massage, bạn nên trao đổi với người có chuyên môn để chọn loại phù hợp nhất.

  • Liệu pháp nhiệt độ

   Cả chườm nóng và chườm lạnh đều có thể được áp dụng để điều trị các triệu chứng đau do thoát vị đĩa đệm. Nguyên tắc chung là chườm lạnh trong 24 giờ đầu tiên sau chấn thương hoặc cơn đau khởi phát; tiếp theo thì bạn có thể chườm nóng hay lạnh tùy theo sở thích. Một số trường hợp có thể luân phiên sử dụng cả chườm nóng và chườm lạnh.

  • Liệu pháp xung điện

   Các xung điện sẽ mô phỏng hoạt động của tín hiệu thần kinh nhắm vào cơ bắp làm cho các cơ co lại. Phương pháp này được lặp đi lặp lại giúp giảm đau, cải thiện lưu lượng máu, sửa chữa các tổn thương, tăng cường sức mạnh cho cơ bắp, giúp giảm đau trong thoát vị đĩa đệm hiệu quả.

  Can thiệp ngoại khoa

   Đa số các trường hợp thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu các biện pháp điều trị không dùng thuốc và điều trị nội khoa không giúp cải thiện triệu chứng trong khoảng 4-6 tuần, bệnh nhân có thể được chỉ định các phương pháp phẫu thuật như:

  • Vi phẫu

   Theo phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một vết rạch nhỏ và sử dụng các dụng cụ đặc biệt để loại bỏ phần đĩa đệm gây áp lực lên rễ thần kinh, thậm chí có thể lấy cả đĩa đệm bị hư hại ra ngoài. Thủ thuật cải tiến, ít xâm lấn, để lại ít rủi ro nên được lựa chọn phổ biến hàng đầu, tuy nhiên phương pháp có độ yêu cầu về chi phí và trang thiết bị khá cao.

  • Mổ hở

   Phương pháp này còn được gọi là mở ống sống (laminectomy) hoặc giải nén cột sống sau. Bác sĩ thực hiện một đường rạch ở đằng sau lưng, tại vị trí bị thoát vị đĩa đệm, giúp mở rộng ống sống, giải phóng áp lực lên tủy sống bằng cách cắt bỏ gai xương gây chèn ép các rễ thần kinh.

   Rủi ro của phẫu thuật laminectomy là có thể làm tổn thương dây thần kinh cột sống, đau lưng dai dẳng, rò rỉ dịch não tủy…

  • Nội soi

   Phẫu thuật nội soi chữa thoát vị đĩa đệm thường chỉ định dành cho những bệnh nhân bị chèn ép thần kinh cấp tính do thoát vị đĩa đệm, điều trị nội khoa thất bại, thoát vị di trú… Bằng việc mở một đường nhỏ khoảng 2,5cm trên da, bác sĩ sẽ đưa hệ thống ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật vào tiếp cận cột sống và thực hiện việc giải phóng áp lực cho dây thần kinh, tủy sống.

 

Mổ nội soi thoát vị đĩa đệm

Mổ nội soi thoát vị đĩa đệm

  • Hợp nhất cột sống

   Sau khi phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm hoặc phẫu thuật cắt đốt sống, bác sĩ có thể kết hợp với thủ thuật hợp nhất hai bên đĩa đệm lại với nhau để cố định vĩnh viễn cột sống của người bệnh. Phương pháp này còn được gọi là hợp nhất tủy sống. Bác sĩ cũng có thể dùng vít và thanh kim loại hoặc nhựa được thiết kế riêng để hỗ trợ giữ vững cột sống. Việc hợp nhất hai đốt sống sẽ ngăn xương di chuyển và giúp người bệnh không còn cảm thấy đau đớn, tuy nhiên sau khi hồi phục bệnh nhân cần chấp nhận khả năng vận động của cột sống sẽ không thể linh hoạt như trước.

  • Thay đĩa đệm nhân tạo

   Phẫu thuật này có thể được chỉ định trong trường hợp thoát vị một đĩa đệm ở lưng dưới, trải qua khoảng 6 tháng điều trị các phương pháp bảo tồn nhưng không đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị viêm khớp, loãng xương hoặc có nhiều đĩa đệm cùng bị thoái hóa sẽ không thể áp dụng giải pháp này.

   Sau khi được gây mê toàn thân, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành rạch 1 vết ở bụng bệnh nhân. Qua kính vi phẫu, bác sĩ sẽ nới rộng khoảng cách giữa hai đốt sống, thay đĩa đệm bị hư bằng đĩa nhân tạo có chất liệu nhựa hoặc kim loại.

   Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm sau khi phẫu thuật đều cần thời gian theo dõi, hồi phục, vận dụng các biện pháp nghỉ ngơi, vật lý trị liệu để có thể nhanh quay trở lại cuộc sống hàng ngày.

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm. Nếu có băn khoăn thắc mắc nào khác, bạn có thể liên hệ hotline 18001044 (miễn phí) để được tư vấn cụ thể hơn.

 

XEM THÊM:

Bài viết cùng chủ đề

Thoát vị đĩa đệm là gì? Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Với thoát vị đĩa đệm, khi hiểu rõ về căn bệnh này, bạn sẽ có cách giúp bệnh được cải thiện tốt hơn, từ đó nâng cao được chất lượng cuộc sống. Vì vậy, ở bài viết này chúng tôi sẽ giúp bạn biết được thoát vị đĩa đệm là gì?
Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Chương trình khuyến mãi, tích điểm tặng quà