Mọi người đến phòng tập để duy trì một sức khỏe tốt. Nhưng ít ai để ý rằng phòng tập là nơi tập trung của nhiêu loại vi khuẩn, virus và nấm, nếu không cẩn thận bạn rất có nguy mắc các bệnh nhiễm trùng từ phòng tập. Dưới đây là 5 bệnh nhiễm trùng bạn thường gặp ở phòng tập mà bạn cần lưu ý để phòng tránh.
Phòng tập là nơi tập trung nhiều loại vi khuẩn, virus và nấm.
Mụn cóc ở lòng bàn chân
Mụn cóc là bệnh da liễu thường gặp do virus HPV (Human Papillomavirus) gây ra. Virus HPV này xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài, tạo thành những u nhỏ lành tính, bề mặt sần sùi.
Bạn rất có nguy cơ bị nhiễm các chủng HPV gây mụn cóc ở lòng bàn chân khi đi chân trần trong phòng tập, đặc biệt là ở những khu vực ẩm ướt như phòng tắm, khu vực gần bể bơi,..
Để ngăn ngừa mụn cóc ở lòng bàn chân, bạn nên:
- Đi giày của mình trong phòng tập
- Không sử dụng chung giày tập với người khác
- Đi dép ở khu vực ẩm ướt.
Nếu bạn đã bị mụn cóc ở lòng bàn chân, bạn nên:
- Giữ cho mụn cóc ở lòng bàn chân khô ráo
- Tránh chạm, gãi hoặc chọc mụn cóc.
- Đi gặp bác sĩ để có phương án chữa trị tốt nhất.
Chốc lở
Chốc lở là một bệnh nhiễm trùng da phổ biến, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Chốc lở thường do một số loại liên cầu hoặc tụ cầu khuẩn gây ra, khi đó vi khuẩn xâm nhập vào da thông qua các vết cắt hoặc trầy xước trên da. Chốc lở có 2 dạng là có mụn nước và không có mụn nước tùy loại vi khuẩn gây ra.
Chốc do liên cầu khuẩn hoặc tụ cầu khuẩn gây ra.
Ở bệnh chốc không bọng nước (do liên cầu khuẩn gây ra), trên da bệnh nhân xuất hiện một đám các mụn nước nhỏ dễ vỡ, khi vỡ tạo thành các vảy màu mật ong trên các tổn thương. Các tổn thương nhỏ liên kết với nhau thành các mảng vảy lớn.
Chốc có bọng nước do tụ cầu vàng gây ra, có biểu hiện tương tự chốc không có bọng nước, nhưng các mụn nước liên kết với nhau thành các bọng nước lớn. Khi vỡ, các bọng nước lớn này để lại những tổn thương lớn hơn.
Sử dụng chung khăn lau hoặc tiếp xúc với các thiết bị với người khác là một nguyên nhân khiến bạn bị bệnh nhiễm trùng này. Vì vậy để phòng ngừa chốc lở, bạn nên:
- Không sử dụng chung khăn lau và các vật dụng cá nhân với người khác
- Không để vết thương hở tiếp xúc với các thiết bị phòng tập
- Tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ sau khi tham gia tập.
- Lau sạch thiết bị trước và sau khi sử dụng.
Nấm da
Chúng ta nên biết rằng, nấm ở khắp mọi nơi, kể cả trong các phòng tập. Nấm sợi tơ (dermatophytes) gây nấm da thường xuất hiện trong các môi trường nóng ẩm và tối, ví dụ như trong phòng thay đồ hoặc trong giày tập.
Bệnh nấm ngoài da thường thấy nhất ở phòng tập là nấm da chân. Bệnh này gây ra các vảy trắng, mụn nước và cảm giác vô cùng ngứa ở bàn chân. Bạn có nguy cơ bị nấm chân nếu bạn thường xuyên đi chân trần trong phòng thể dục hoặc không vệ sinh chân, giày và tất sạch sẽ, tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Những điều bạn nên làm để ngăn ngừa nấm da:
- Thường xuyên thay tất và quần áo
- Không dùng chung khăn tắm hoặc các vật dụng cá nhân.
- Tắm sau khi tập luyện và đi giày trong khu vực chung của phòng tập.
- Giặt quần áo, giày, tất thường xuyên, phơi khô và cất ở nơi khô ráo, thoáng khí.
Viêm nang lông
Viêm nang lông do tắm hồ bơi không khử trùng sạch sẽ.
Nếu bạn sử dụng hồ bơi hoặc bồn tắm nước nóng của phòng tập, bạn cần phải cẩn thận một loại vi khuẩn nữa Pseudomonas aeruginosa. Vi khuẩn này phát triển mạnh trong bồn nước nóng hoặc hồ bơi không đủ chất khử trùng (như clo). Vi khuẩn này khiến bạn bị phát bạn đỏ và ngứa trên da, đặc biệt là vùng bụng. Ngoài ra, Pseudomonas aeruginosa còn gây ra bệnh nhiễm trùng tai ở những người đi bơi.
Để giảm nguy cơ mắc phải bệnh này, bạn nên:
- Tắm bằng xà phòng sau khi đi bơi
- Giặt đồ bơi sạch sẽ sau khi sử dụng
- Chọn những hồ bơi đảm bảo, hỏi nhân viên hồ bơi để chắc chắn rằng họ kiểm tra nồng độ chất khử trùng và pH của hồ bơi ít nhất 2 lần một ngày.
Viêm nang lông do tắm bể nước nóng thường sẽ tự hết sau vài ngày. Nếu các triệu chứng của bệnh này kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần, bạn nên đến gặp bác sĩ để có các biện pháp điều trị.
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (thường gặp nhất là cảm lạnh và cúm) rất dễ lây lan ở những nơi đông người và kín như phòng tập.
Thông thường, vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể bạn qua những giọt bắn từ người khác khi họ ho hoặc hắt hơi. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được phát tán thông qua các bề mặt bị ô nhiễm (ví dụ các thiết bị, tay nắm cửa,..). Nếu bạn tiếp xúc với một thiết bị có dính virus và chạm vào mắt hoặc lau miệng, bạn rất dễ bị nhiễm virus.
Đặc biệt, thời gian gần đây Covid-19 đang bùng phát trở lại ở một số địa phương, đây cũng là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp bạn cần phòng tránh.
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp ở phòng tập:
- Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tập
- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng trong suốt quá trình tập
Trên đây là 5 bệnh nhiễm trùng bạn có thể mắc phải khi đến phòng tập. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải ngừng đến các phòng tập bởi tập thể dục rất tốt cho sức khỏe. Để bảo vệ cho bản thân khỏi các bệnh trên, bạn hãy vệ sinh sạch sẽ, lau thiết bị, thay và giặt quần áo thường xuyên. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Những lưu ý giúp bạn phòng tránh tình trạng sốc nhiệt khi trời nắng nóng
- Dậy thì muộn có ảnh hưởng như thế nào? Làm sao để khắc phục?