Nguyên nhân tăng huyết áp, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Cập nhập: Thứ ba, 09/05/2023

Mục lục [Ẩn]

 

   Tăng huyết áp là một vấn đề tim mạch có tỷ lệ mắc cao và luôn có chiều hướng gia tăng qua các năm. Cùng với đó, căn bệnh này giống như một “kẻ giết người thầm lặng”, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh bất cứ lúc nào. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân tăng huyết áp, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị nhé!

 

Nguyên nhân tăng huyết áp, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Nguyên nhân tăng huyết áp, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

 

Tăng huyết áp là gì?

   Huyết áp là một chỉ số quan trọng phản ánh áp lực mà máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp bao gồm hai chỉ số là: huyết áp tâm trương có giá trị lớn hơn, nằm ở trên; và huyết áp tâm thu có giá trị thấp hơn, nằm ở dưới. Huyết áp của người bình thường rơi vào khoảng 120/80 mmHg.

   Tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp tâm thu cao trên 120mmHg, hoặc huyết áp tâm trương trên 80mmHg. Đây là một trong những vấn đề tim mạch thường gặp nhất, tiến triển một cách âm thầm, và đứng sau nhiều biến cố nguy hiểm.

   Theo ước tính, cứ khoảng 5 người, lại có 1 người mắc tăng huyết áp, trong đó, điều đáng quan ngại là có rất nhiều người còn không biết mình mắc bệnh. Đồng thời, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tăng huyết áp còn thấp, và người dân cũng chưa có sự nhìn nhận đúng mức về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

 

Phân độ tăng huyết áp

   Tăng huyết áp được chia thành nhiều cấp độ, dựa trên mức tăng của huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, cụ thể:

 

Phân loại

Huyết áp tâm thu

(mmHg)

 

Huyết áp tâm trương (mmHg)

Huyết áp bình thường - cao

(tiền tăng huyết áp)

130 - 139

và/ hoặc

85 - 89

Tăng huyết áp độ 1

140 - 159

và/ hoặc

90 - 99

Tăng huyết áp độ 2

≥ 160

và/ hoặc

≥  100

Cơn tăng huyết áp

≥  180

và/ hoặc

≥  120

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc

≥ 140

< 90

Bảng phân độ tăng huyết áp

 

Nguyên nhân tăng huyết áp

    Hiện nay, 90% các trường hợp tăng huyết áp là nguyên phát, và chỉ có 10% là thứ phát. Theo đó, nguyên nhân tăng huyết áp được xác định là:

  • Tăng huyết áp nguyên phát thường không tìm được nguyên nhân cụ thể (vô căn). Trong trường hợp này, người bệnh có liên hệ với những yếu tố nguy cơ như: tuổi cao, tiền sử gia đình mắc tăng huyết áp, tiểu đường và béo phì, ăn nhiều muối, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, ít vận động, căng thẳng, stress thường xuyên,...
  • Tăng huyết áp thứ phát là hệ quả của các bệnh lý trước đó, ví dụ như:
  • Bệnh thận: viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận mạn, hẹp động mạch thận,...
  • Bệnh lý nội tiết tại tuyến thượng thận, tuyến giáp,...
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Khiếm khuyết bẩm sinh tại mạch máu như: hẹp eo động mạch chủ,...
  • Do dùng thuốc: thuốc tránh thai, thuốc corticoid, chống viêm giảm đau, thuốc thay thế hormone,...
  • Nhiễm độc thai nghén.

 

 Căng thẳng, stress là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp

Căng thẳng, stress là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp

 

Triệu chứng tăng huyết áp

   Khi huyết áp tăng cao, người bệnh có thể gặp một vài triệu chứng như: đau nhức đầu, nặng đầu, chóng mặt, mỏi gáy, nóng phừng mặt, chảy máu mũi, xuất huyết trong kết mạc, tê ngứa các chi, buồn nôn, choáng ngất, đau tức ngực,...

   Tuy nhiên, như đã nhắc đến, tăng huyết áp là căn bệnh diễn biến âm thầm. Các triệu chứng tăng huyết áp đôi khi khá mờ nhạt, không đặc trưng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Chính vì vậy, việc nhận biết tăng huyết áp với nhiều người trở nên rất khó khăn nếu không có các thiết bị hỗ trợ.

   Hiện nay, người dân được khuyến cáo là nên thực hiện việc đo huyết áp tại nhà thường xuyên, nhằm hỗ trợ cho việc xác định, phân loại và điều trị kiểm soát.

 

Cách kiểm tra huyết áp tại nhà

   Trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị giúp đo được chỉ số huyết áp một cách dễ dàng. Trong đó, các loại máy đo huyết áp điện tử được cho là thuận tiện và dễ sử dụng hơn so với các loại máy cơ thông thường. Bên cạnh đó, các loại máy này còn tích hợp đo được nhịp tim, nhịp thở và nhiều chỉ số khác với độ chính xác cao.

   Việc đo huyết áp nên được thực hiện trong phòng tĩnh. Bạn không được hút thuốc, ăn uống, sử dụng đồ uống có cồn hay cafein, không tập thể dục ít nhất nhất 30 phút trước khi bắt đầu đo.

    Đồng thời, trong quá trình đo, bạn không được nói chuyện, hai bàn chân áp thẳng trên sàn nhà, lưng tựa vào ghế, tay thả lỏng đo trên mặt bàn ngang tim. Mỗi ngày, bạn nên đo vào cả buổi sáng và tối. Mỗi lần đo 2 lượt, cách nhau khoảng 1 phút.

   Vào buổi sáng, việc đo huyết áp được thực hiện sau khoảng 1 giờ từ lúc thức dậy, sau khi vệ sinh các nhân, trước khi dùng thuốc huyết áp (nếu có), trước ăn và tập thể dục. Vào buổi tối, việc đo huyết áp được thực hiện trước khi đi ngủ với tư thế như trên.

   Trong một số trường hợp, huyết áp đo ở 2 cánh tay sẽ có sự chênh lệch nhẹ (khoảng 10 mmHg). Bạn nên lấy kết quả ở tay có chỉ số cao hơn. Sau khi đo, bạn hãy ghi chép lại kết quả vào một quyển sổ theo dõi. Đối với người bệnh tăng huyết áp, việc đo được khuyến cáo nên thực hiện 5 lần/tuần trong thời gian đầu. Khi huyết áp ổn định, người bệnh có thể đo 3 lần/tuần.

 

Người bệnh tăng huyết áp được khuyến cáo đo huyết áp thường xuyên

Người bệnh tăng huyết áp được khuyến cáo đo huyết áp thường xuyên

 

Chẩn đoán tăng huyết áp

    Để biết được mình có mắc tăng huyết áp hay không, bạn nên đến các cơ sở y tế để được đo huyết áp một cách chính xác nhất. Hiện nay, tăng huyết áp sẽ được chẩn đoán theo sơ đồ sau:

 

Sơ đồ chẩn đoán tăng huyết áp theo hội tim mạch học Việt Nam

Sơ đồ chẩn đoán tăng huyết áp theo hội tim mạch học Việt Nam

 

   Để dễ hiểu, bạn sẽ được chẩn đoán tăng huyết áp khi:

  • Huyết áp phòng khám - HAPK ≥ 140/90 mmHg.
  • Đo huyết áp tại nhà: HA ≥ 135/85 mmHg.
  • Máy theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ: HA ≥ 135/85 mmHg.

 

Các xét nghiệm cần thiết cho người bệnh tăng huyết áp

   Với người bệnh tăng huyết áp, việc xét nghiệm được thực hiện nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh, cũng như đánh giá mức độ tác động của bệnh đến các cơ quan khác trong cơ thể. Các xét nghiệm này có thể kể đến như:

  • Xét nghiệm tìm nguyên nhân tăng huyết áp: siêu âm ổ bụng, động mạch thận, động mạch chủ, chức năng thận (creatinine, albumin,...), hormone tuyến thượng thận, chức năng tuyến giáp, tuyến yên, chụp CT, MRI, đa ký giấc ngủ,...
  • Xét nghiệm đánh giá tác động của tăng huyết áp đến các cơ quan khác: đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm công thức máu (đường huyết, HbA1c, mỡ máu, điện giải đồ, acid uric,...), tổng phân tích nước tiểu, đo vận tốc sóng mạch, đo huyết áp cổ chân/ cánh tay, chụp võng mạc,...

    Đối với người bệnh tăng huyết áp, các xét nghiệm thường quy đóng vai trò rất quan trọng. Chúng giúp phát hiện sớm những tổn thương mà tình trạng này gây ra, nhờ đó bác sĩ sẽ có phương hướng để giảm thiểu tối đa những biến chứng cho người bệnh.

 

Biến chứng tăng huyết áp

   Tăng huyết áp sẽ tác động đến toàn bộ cơ thể, và điều nguy hiểm là quá trình này diễn ra một cách âm thầm. Nếu không theo dõi tình trạng bệnh và kiểm tra sức khỏe thường xuyên, người bệnh rất có thể sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng tăng huyết áp nguy hiểm như:

  • Biến chứng trên tim mạch: Xơ vữa động mạch dẫn đến thiếu máu cơ tim cục bộ, rối loạn nhịp tim, phì đại cơ tim, suy tim, nhồi máu cơ tim,...
  • Biến chứng trên não: Gây hẹp động mạch cảnh, động mạch não dẫn đến thiếu máu não, đột quỵ nhồi máu não, nhũn não, xuất huyết não,...
  • Biến chứng trên thận: Hủy hoại màng lọc cầu thận, hẹp động mạch thận, suy thận,...
  • Biến chứng trên mắt: Tổn thương các mạch máu tại mắt, xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác, gai thị giác, giảm thị lực, mù lòa,...
  • Biến chứng ngoại vi: Phình động mạch chủ, vỡ thành động mạch, hẹp động mạch chậu, chân, và đùi.
  • Biến chứng chuyển hóa: bệnh tiểu đường,...

 

Bảng phân tầng nguy cơ tim mạch ở người bệnh tăng huyết áp

Bảng phân tầng nguy cơ tim mạch ở người bệnh tăng huyết áp

 

Điều trị tăng huyết áp

   Mục tiêu trong điều trị tăng huyết áp là duy trì chỉ số huyết áp ở mức an toàn, thông thường là dưới 140/90 mmHg. Tuy nhiên, đối với người bệnh tăng huyết áp, có mắc kèm tiểu đường hoặc bệnh thận mạn, chỉ số huyết áp cần được giữ ổn định ở mức dưới 130/80 mmHg.

   Để làm được điều này, người bệnh cần dùng thuốc đều đặn và lối sống lành mạnh, theo đó:

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp:  Thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin 2, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc lợi tiểu, và thuốc chẹn beta. Đây là 5 nhóm thuốc cơ bản trong điều trị tăng huyết áp.
  • Điều trị không dùng thuốc: Tăng cường tập thể dục, giảm cân, giảm ăn muối, chất béo, đường tinh luyện, ngừng dùng các thuốc gây tăng huyết áp (thuốc kháng viêm, giảm đau,...), thư giãn, giảm căng thẳng, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, không uống rượu bia, hút thuốc lá, tránh lạnh,...

   Với các trường hợp xác định được nguyên nhân, người bệnh sẽ được dùng thuốc điều trị theo từng tác nhân gây bệnh. Trong các trường hợp đặc biệt, người bệnh có thể được hủy thần kinh giao cảm động mạch thận, đặt stent động mạch thận để ngăn ngừa biến chứng do tăng huyết áp.

 

Người bệnh được dùng các thuốc giảm huyết áp

Người bệnh được dùng các thuốc giảm huyết áp

 

Phòng ngừa tăng huyết áp bằng cách nào?

   Nhìn chung, các biện pháp phòng ngừa tăng huyết huyết áp cũng tương tự như việc kiểm soát huyết áp không dùng thuốc. Các biện pháp này có thể kể đến như:

  • Sử dụng ít chất béo có hại, thịt mỡ, da động vật, đồ chiên rán nhiều lần, các loại dầu đã qua đun nóng,...
  • Giảm ăn muối, các đồ ăn mặn, đồ đóng hộp, thức ăn nhanh, bánh kẹo ngọt,...
  • Ăn nhiều rau củ, trái cây tươi, các loại hạt,...
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, duy trì 5 ngày mỗi tuần.
  • Giảm cân nếu đang bị thừa cân.
  • Không hút thuốc lá, tránh đến những nơi nhiều khói thuốc.
  • Ngủ đủ giấc, thư giãn tinh thần, để giảm căng thẳng, stress.
  • Kiểm soát các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, mỡ máu, bệnh thận,...
  • Khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi thuộc vào nhóm người có nguy cơ mắc tăng huyết áp.

   Hy vọng, bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cần thiết cho quý độc giả về nguyên nhân tăng huyết áp, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline 0243.766.2222 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Chủ đề: tăng huyết áp

Bài viết cùng chủ đề

Không thay đổi ngay 7 điều này bạn sẽ là 1 trong 17 triệu người bị tăng huyết áp

7 điều cần thay đổi nếu không muốn trở thành nạn nhân của tăng huyết áp

Tăng huyết áp dù mới 23 tuổi – Nguyên nhân do đâu?

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Khổng Tiến Bình - Khoa Nội - Can thiệp tim mạch, hô hấp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tình trạng tăng huyết áp ở người trẻ ngày càng đáng báo động nhưng người dân lại chủ quan.
Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Chương trình khuyến mãi, tích điểm tặng quà