Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu

Cập nhập: Thứ tư, 15/02/2023

 

   Xét nghiệm sinh hóa máu là xét nghiệm giúp định lượng nồng độ của các hoạt chất trong máu, qua đó đánh giá chức năng của một số bộ phận đặc trưng của cơ thể. Vì vậy, đây là một loại xét nghiệm phổ biến hiện nay, được chỉ định trong chẩn đoán và theo dõi hiệu quả điều trị bệnh. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ý nghĩa của các chỉ số thường gặp trong xét nghiệm sinh hóa máu.

 

 chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu

Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu

 

Các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu phản ánh chức năng thận

Ure máu

- Ure là sản phẩm thoái hóa chính của protein trong cơ thể và được lọc qua cầu thận, sau đó đào thải theo đường nước tiểu.

- Chỉ định: Các bệnh lý về thận, kiểm tra chức năng thận trước phẫu thuật, kiểm tra sức khỏe định kỳ…

- Trị số bình thường: 2,5-7,5 mmol/l

     Ure máu tăng cao trong các trường hợp: Suy thận, thiểu niệu, vô niệu, tắc nghẽn đường tiết niệu, chế độ ăn nhiều protein, viêm cầu thận, viêm ống thận…

   Ure máu thấp trong các trường hợp: Suy gan dẫn tới giảm tổng hợp ure, chế độ ăn nghèo protein, truyền dịch nhiều, phụ nữ mang thai.

- Mẫu máu: Lấy vào buổi sáng, lúc đói.

Creatinin máu

- Chỉ định: Các bệnh lý ở thận, bệnh lý ở cơ, kiểm tra chức năng thận trước phẫu thuật…

- Trị số bình thường: Nam: 62-120 µmol/l. Nữ: 53-100 µmol/l

   Creatinin máu tăng trong trường hợp: Suy thận cấp và mãn tính, giảm lưu lượng máu tới thận (sốc, mất nước, xơ vữa động mạch, suy tim sung huyết), tắc nghẽn đường tiết niệu, tiêu cơ vân, gout, chứng to đầu chi, cao huyết áp, tiểu đường, thoái hóa thận, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, sỏi thận, tăng axit uric máu, ung thư tiền liệt tuyến...

    Creatinin máu giảm trong trường hợp: suy nhược cơ thể, bệnh gan mạn tính, giảm khối lượng cơ (suy cơ, loạn dưỡng cơ bắp, tuổi già) hoặc có thai, ăn chay, dùng thuốc chống động kinh...

- Mẫu máu: Lấy vào buổi sáng, lúc đói.

 

Chỉ số đường máu (glucose máu)

Đường máu (glucose máu)

- Chỉ định: Nghi ngờ tiểu đường, đánh giá hiệu quả điều trị tiểu đường để cân nhắc giảm hoặc tăng liều thuốc, kiểm tra trước phẫu thuật, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

- Trị số bình thường: 3,9-6,4 mmol/l

·   Glucose máu tăng trong trường hợp: Bệnh lý đái tháo đường, bệnh gan, điều trị bằng corticoid

·   Glucose máu giảm trong trường hợp: Nhịn ăn quá mức, quá liều thuốc điều trị tiểu đường…

- Mẫu máu: Lấy vào buổi sáng, lúc đói và chuyển xuống khoa xét nghiệm chậm nhất sau 30 phút kể từ khi lấy máu.

- Bên cạnh chỉ số glucose máu, để chẩn đoán và đánh giá hiệu quả quá trình điều trị bệnh tiểu đường, người bệnh thường được kết hợp kiểm tra thêm một chỉ số khác là HbA1C.

HbA1C

- Ý nghĩa: Nồng độ HbA1C phản ánh tình trạng đường máu trong khoảng 2-3 tháng trước khi lấy mẫu máu xét nghiệm (xét nghiệm glucose máu chỉ phản ánh đường huyết tại thời điểm lấy mẫu). Chính vì vậy, HbA1C được đánh giá là thông số có ý nghĩa hơn trong chẩn đoán và kiểm soát bệnh lý đái tháo đường.

 

HbA1C

HbA1C có ý nghĩa quan trọng với người bệnh tiểu đường

 

- Chỉ định: Nghi ngờ tiểu đường, những trường hợp bệnh nhân đái tháo đường gặp khó khăn trong kiểm soát đường huyết.

- Trị số bình thường: 4-6%. HbA1C tăng cao ở những bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường huyết kém.

- Mẫu máu: Buổi sáng, lúc đói, lấy 1ml máu tĩnh mạch chống đông bằng EDTA.

Chỉ số acid uric

- Chỉ định: Các bệnh lý làm biến đổi nồng độ acid uric như bệnh gút, suy thận, bệnh bạch cầu, hoặc ở bệnh nhân dùng thuốc độc tế bào…

- Trị số bình thường: Nam là 180-420 µmol/l, Nữ là 150-360 µmol/l

·   Acid uric tăng trong trường hợp: Bệnh gout, suy thận, bệnh vẩy nến, người bệnh ung thư đang điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị…

·   Acid uric giảm trong trường hợp: Bệnh Willson, hội chứng Fanconi…

- Mẫu máu: Lấy vào buổi sáng, lúc đói.

 

Các chỉ số xét nghiệm mỡ máu

Bao gồm 4 chỉ số: Cholesterol toàn phần, Triglycerid, LDL-C, HDL-C

Chỉ định: Các bệnh lý rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người trên 40 tuổi, những người béo phì…

Cholesterol toàn phần

Trị số bình thường: 3,9-5,2 mmol/l

·   Cholesterol toàn phần tăng trong trường hợp: Rối loạn chuyển hóa lipid máu nguyên phát hoặc thứ phát, xơ vữa động mạch, hội chứng thận hư, vàng da tắc mật ngoài gan…

·   Cholesterol toàn phần giảm trong trường hợp: Hấp thu kém, suy kiệt, biếng ăn, ung thư…

Triglycerid

Trị số bình thường: 0,5-2,29 mmol/l

·   Triglycerid tăng trong trường hợp: Rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, hội chứng thận hư, béo phì…

·   Triglycerid giảm trong trường hợp: Xơ gan, hội chứng kém hấp thu, suy kiệt, cường tuyến giáp…

LDL-C

Trị số bình thường: ≤ 3,4 mmol/l

LDL-C càng cao, nguy cơ bị xơ vữa động mạch càng lớn.

HDL-C

Trị số bình thường: ≥ 0,9 mmol/l

HDL-C có vai trò vận chuyển cholesterol lắng đọng ở thành mạch máu quay trở về gan, giúp ngăn ngừa quá trình tạo mảng xơ vữa, nhờ đó nó còn được gọi là cholesterol tốt.

HDL-C giảm: dễ gây xơ vữa động mạch, hay gặp trong các trường hợp rối loạn mỡ máu, cơn đau thắt ngực…

Người ta thường chú ý tới tỉ số Cholesterol toàn phần/HDL-C, tỉ số này tốt nhất là <4, nếu tỉ số càng cao thì khả năng hình thành các mảng xơ vữa càng lớn.

 

Các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu phản ánh chức năng gan

Men gan

- Bao gồm 3 chỉ số: AST (SGOT), ALT (SGPT), GGT

- Trị số bình thường:

·                     AST (SGOT): ≤ 37 U/L

·                     ALT (SGPT): ≤ 40 U/L

·                     GGT: Nam: 11-50 U/L. Nữ: 7-32 U/L

- Chỉ số men gan tăng cao trong các trường hợp bệnh nhân bị tổn thương tế bào gan như: viêm gan virus, bệnh lý gan do rượu, ung thư gan hoặc dùng một số loại thuốc (kháng sinh, chống đông, giảm đau chống viêm…). Ngoài ra, chỉ số men gan trong xét nghiệm sinh hóa máu cũng có thể dùng để sàng lọc hay chẩn đoán các bệnh lý về cơ, tim.

 

thuốc điều trị có thể ảnh hưởng tới chức năng gan

Một số loại thuốc điều trị có thể ảnh hưởng tới chức năng gan

 

Albumin

- Albumin là một trong những thành phần protein quan trọng nhất của huyết thanh, chiếm tới 58-74% hàm lượng protein toàn phần. Albumin có chức năng tạo áp lực thẩm thấu, vận chuyển một số chất chuyển hóa, ion kim loại, bilirubin, acid béo tự do, hormon, thuốc… và cung cấp acid amin cho tổng hợp protein ở mô.

- Gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể sản xuất albumin. Do đó, chỉ số albumin trong xét nghiệm sinh hóa máu thể hiện rõ tình trạng chức năng gan.

- Trị số bình thường: 35-55 g/L

·                     Albumin giảm trong trường hợp suy gan, hoặc giảm chức năng gan do các bệnh thận, sốc, suy dinh dưỡng, viêm nhiễm…

·                     Albumin tăng cao khi cơ thể bị mất nước.

 

Bilirubin

- Bilirubin trong xét nghiệm sinh hóa máu gồm 3 chỉ số đặc trưng: Bilirubin toàn phần, bilirubin gián tiếp và bilirubin trực tiếp.

- Chỉ định: Bilirubin được dùng để chẩn đoán và theo dõi các trường hợp vàng da do bệnh gan mật, bệnh tụy, tan máu…

- Bilirubin tăng trong các trường hợp: Tan máu, bệnh gan, sỏi ống mật, tắc mật, ung thư tuyến tụy…

 

Ion đồ trong xét nghiệm sinh hóa máu

Ca++

- Ca++ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động co cơ, chức năng tim, dẫn truyền các xung thần kinh của cơ thể.

- Trị số bình thường: 2,15-2,6 mmol/l

·   Ca++ tăng trong trường hợp: Dùng quá nhiều vitamin D, cường cận giáp, loãng xương, đa u tủy…

·   Ca++ giảm trong trường hợp: Suy thận, còi xương, thiếu vitamin D, thiểu năng cận giáp…

Na+

- Na+ có tác dụng giữ nước, khi thừa Na+ trong dịch ngoại bào thì nước sẽ được tái hấp thu nhiều ở thận.

- Trị số bình thường: 135-145 mmol/l

·   Nồng độ Na+ tăng trong trường hợp cường aldosteron, dùng corticoid, mất nước…

·   Nồng độ Na+ giảm trong trường hợp ứ dịch do suy tim, suy thận, xơ gan, mất Na+ do nôn ói và tiêu chảy.

K+

Trị số bình thường: 3,5-5,0 mmol/l

·   K+ tăng cao trong trường hợp: Suy thận, sử dụng các thuốc giữ K+ như thuốc lợi tiểu giữ K+, thuốc ức chế men chuyển…

·   K+ giảm trong trường hợp: Mất K+ quá nhiều do nôn ói, tiêu chảy…

Cl-

Trị số bình thường: 98-106 mmol/l

·   Cl- tăng trong trường hợp ăn mặn, suy thận cấp, toan chuyển hóa, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, shock phản vệ…

·   Cl- giảm trong trường hợp: Nôn kéo dài, tiêu chảy, mất nước cấp gây nhiễm kiềm chuyển hóa, ăn nhạt…

   Xét nghiệm sinh hóa máu là một xét nghiệm phức tạp, phân tích nhiều chỉ số khác nhau. Do đó, đây là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán cao, thường được chỉ định để kiểm tra sức khỏe, chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh. Hãy theo dõi những bài viết tiếp theo của chúng tôi để tìm hiểu rõ hơn về các chỉ số nay và các bệnh lý liên quan.

 

XEM THÊM:

 

Bài viết cùng chủ đề

Chỉ số HbA1c là gì? Bao nhiêu là bình thường? Làm thế nào để hạ chỉ số HbA1c?

Mời bạn đọc bài viết sau đây để tìm hiểu thêm về chỉ số HbA1c và những phương pháp để kiểm soát tốt chỉ số này.

BoniDiabet có giúp giảm được chỉ số HBA1C?

BoniDiabet có làm giảm được chỉ số HBA1C?

Chỉ số HbA1c an toàn nhưng đường huyết cao có nguy hiểm không?

Chỉ số HbA1c an toàn nhưng đường huyết cao có nguy hiểm không? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu

Tìm hiểu về nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

Khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hoặc một số trường hợp khác, bạn sẽ được làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Điều này giúp chẩn đoán sớm bệnh tiểu đường, để có phương pháp điều trị kịp thời.
Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844