Ung thư võng mạc không chỉ làm giảm thị lực mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Điều đáng lo là căn bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu cha mẹ không nắm bắt được thông tin như nguyên nhân, triệu chứng sẽ không thể phát hiện sớm, bệnh dễ trở nặng, tăng nguy cơ hỏng mắt của con trẻ.
Hình ảnh mắt bình thường (bên trái) và mắt bị ung thư võng mạc (bên phải)
Ung thư võng mạc là bệnh như thế nào?
Ung thư võng mạc hay u nguyên bào võng mạc là bệnh lý có khối u ác tính ở mắt. Khối u này ảnh hưởng trực tiếp đến võng mạc và các mô thần kinh mỏng xung quanh.
Võng mạc được cấu tạo từ các mô thần kinh, hoạt động giống như một cuộn phim. Khi ánh sáng đi vào trong mắt, nó xuyên qua giác mạc, thủy tinh thể rồi hội tụ trên võng mạc. Tại đây, ánh sáng được chuyển thành hình ảnh và truyền đến não bộ.
Khi xuất hiện khối u ác tính, khả năng dẫn truyền hình ảnh của võng mạc sẽ kém đi. Theo thời gian, các tế bào ung thư còn lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể, tăng nguy cơ tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời.
Ung thư võng mạc chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ, 90% các ca được chẩn đoán thường dưới 4 tuổi. Đây là bệnh ung thư mắt phổ biến nhất ở trẻ em. Người lớn hiếm khi mắc bệnh.
Các triệu chứng của bệnh ung thư võng mạc
Ung thư võng mạc có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt với các triệu chứng như sau:
- Mắt lác: Đây là triệu chứng thường gặp và dễ nhận biết của bệnh ung thư võng mạc. Mắt người bệnh không nhìn thẳng mà có thể lác vào trong hoặc ra ngoài. Ngoài ra, mắt lác cũng là dấu hiệu tổn thương dây thần kinh số 6.
Mắt lác- triệu chứng ung thư võng mạc
- Phản xạ mắt mèo (leukocoria): Thay vì phản xạ ánh đỏ bình thường trong điều kiện đèn flash, mắt người bệnh lại có phản xạ đồng tử màu trắng.
Cha mẹ có thể nhận thấy điều này qua ảnh chụp. Khi bật đèn flash chụp ảnh ban đêm, thông thường mắt trong ảnh sẽ xuất hiện màu đỏ nhưng nếu đồng tử ở một hoặc cả hai mắt của trẻ lại có màu trắng thì có thể trẻ đã mắc ung thư võng mạc.
Phản xạ mắt mèo
Một số trường hợp ung thư võng mạc còn gây triệu chứng như đau mắt, mắt đỏ, nhìn kém, lồi mắt, dị sắc mống mắt (màu sắc lòng đen ở hai mắt khác nhau), mắt giãn to....
Các giai đoạn của bệnh ung thư võng mạc
Bệnh ung thư võng mạc được phân thành 4 giai đoạn bao gồm:
- Giai đoạn I: Giai đoạn khởi đầu, u còn nhỏ, khu trú ở võng mạc.
- Giai đoạn II: Giai đoạn gây biến chứng, u phát triển to gây tăng nhãn áp.
- Giai đoạn III: Giai đoạn di căn, tế bào ung thư phá vỡ thành nhãn cầu, đi vào hốc mắt, lan vào các mô thần kinh.
- Giai đoạn IV: Di căn đến các bộ phận khác, tế bào ung thư lan đến hạch trước tai, xương hàm, xương hốc mắt hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể, đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân gây ung thư võng mạc
Nguyên nhân gây ung thư võng mạc do bất thường trên nhiễm sắc thể số 13. Trong đó, 60% trường hợp có biểu hiện bệnh lý tại mắt, còn 40% có biểu hiện toàn thân.
Nguyên nhân gây ung thư võng mạc do bất thường trên nhiễm sắc thể số 13
Nhiễm sắc thể số 13 chịu trách nhiệm kiểm soát sự phân chia của tế bào võng mạc, đảm bảo thị lực của mắt. Ở những trẻ có bất thường về nhiễm sắc thể số 13, sự phân chia tế bào võng mạc không được kiểm soát sẽ gây ung thư võng mạc.
Ngoài nguyên nhân trên, còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư võng mạc:
- Di truyền: Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh nếu cha mẹ hoặc người thân trong gia đình đã từng bị ung thư võng mạc.
- Độ tuổi: Những trẻ em được chẩn đoán mắc ung thư võng mạc thường nhỏ hơn 3 tuổi. Thông thường, bệnh bẩm sinh hoặc di truyền sẽ được phát hiện ở năm đầu đời. Còn ung thư võng mạc không di truyền thường xuất hiện khi trẻ được 1-2 tuổi.
Cách chẩn đoán ung thư võng mạc
Trước hết, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh của trẻ và gia đình. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra các thăm dò cận lâm sàng để xác định chính xác hoặc loại trừ bệnh như:
- Soi đáy mắt.
- Chụp mạch huỳnh quang.
- Sinh hiển vi khám mắt.
- Siêu âm mắt.
- Chụp CT, cộng hưởng từ MRI .
Chẩn đoán ung thư võng mạc bằng cách soi đáy mắt
Cách điều trị ung thư võng mạc
Điều trị ung thư võng mạc thường có nhiều phương pháp khác nhau. Tùy thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh sớm hay muộn, độ tuổi, mức độ tiến triển của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp thích hợp.
Các phương pháp điều trị ung thư võng mạc hiện nay bao gồm:
- Khoét bỏ nhãn cầu: Phẫu thuật được chỉ định với khối u có kích thước lớn, thị lực của người bệnh giảm xuống trầm trọng.
- Nếu khối u còn nhỏ, bác sĩ sẽ điều trị bảo tồn bằng cách:
- Đông lạnh: Chỉ định cho khối u nhỏ và ở phía trước võng mạc.
- Chiếu laser: Chỉ định cho u nhỏ và ở phía sau võng mạc.
- Tia xạ: Chiếu từ xa, chỉ định cho u lớn và ở phía sau võng mạc.
- Liệu pháp hóa học: Dùng cho những trường hợp đã di căn hoặc có nhiều nguy cơ di căn toàn thân.
Cách phòng ngừa ung thư võng mạc
Thực tế hiện nay, chưa có cách nào có thể phòng ngừa ung thư võng mạc. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện xét nghiệm di truyền để xác định nguy cơ mắc bệnh cho con. Từ đó, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn kế hoạch chăm sóc y tế phù hợp.
Ví dụ, bạn có thể cho bé kiểm tra mắt ngay sau khi sinh. Bằng cách đó, ung thư võng mạc sẽ được chẩn đoán rất sớm - khi khối u còn nhỏ, cơ hội chữa khỏi và bảo tồn thị lực cao.
Ung thư võng mạc làm giảm thị lực của trẻ, thậm chí còn di căn sang các bộ phận khác, đe dọa tính mạng các bé. Bởi vậy, nếu thấy trẻ có bất thường về mắt, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra sớm và điều trị kịp thời nhé!
XEM THÊM:
- Thận đa nang là bệnh gì? Triệu chứng và cách điều trị
- Mắt phải giật liên tục cảnh báo điều gì? Làm sao để khắc phục tình trạng này?