Bệnh thận đa nang là bệnh di truyền và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc hiểu biết về bệnh và biết cách kiểm soát, đề phòng những biến chứng đó là điều rất quan trọng. Cùng tìm hiểu thêm về căn bệnh này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Thận đa nang là bệnh gì?
Thận đa nang (PKD) là gì?
Bệnh thận đa nang (Polycystic kidney disease – PKD) là một rối loạn di truyền, trong thận của người bệnh phát triển nhiều u nang (không phải khối u ác tính) chứa đầy chất lỏng. Các u nang có kích thước khác nhau và chúng có thể phát triển rất lớn.
Các u nang này không giống các nang trong bệnh nang thận. Với bệnh nang thận, u nang thường vô hại và tồn tại trong thận cho đến cuối đời. Còn với u nang trong thận đa nang thì nó có thể làm thay đổi hình dáng và kích thước thận.
Có hai loại thận đa nang chính là:
- Bệnh thận đa nang gen trội trên nhiễm sắc thể thường (ADPKD), thường được chẩn đoán ở tuổi trưởng thành
- Bệnh thận đa nang gen lặn trên nhiễm sắc thể thường (ARPKD) , có thể được chẩn đoán khi trẻ trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi em bé chào đời
Bệnh thận đa nang có thể gặp ở ở mọi lứa tuổi, chủng tộc trên toàn thế giới và tỷ lệ mắc tương đương nhau giữa nam giới và nữ giới.
Thận của bệnh nhân có nhiều nang chứa chất lỏng và có kích thước lớn
Triệu chứng của bệnh thận đa nang
Trong nhiều trường hợp, bệnh thận đa nang gen trội trên nhiễm sắc thể thường (ADPKD) không gây ra các triệu chứng hoặc dấu hiệu gì. Các trường hợp phát hiện bệnh thường là do khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm ổ bụng. Một số bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng như đau dưới hạ sườn phải, đau vùng chậu hai bên, nặng, tức… nhưng chúng thường chỉ xuất hiện khi u nang trong thận có kích thước đủ lớn (thường là hơn 12mm) hoặc khi có biến chứng cao huyết áp và suy thận. Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiểu tiện, có thể nhiễm trùng đường tiểu ngược dòng gây đái buốt, đái rắt hoặc tiểu tiện ra máu.
Với ARPKD, khi còn là thai nhi trong bụng mẹ, em bé có thận to hơn bình thường nhưng cơ thể có kích thước nhỏ hơn trung bình, hay còn gọi là tình trạng thai nhi chậm phát triển. Các dấu hiệu ban đầu của ARPKD cũng là các biến chứng. Tuy nhiên, một số người bị ARPKD không phát triển các dấu hiệu hoặc triệu chứng cho đến sau này trong thời thơ ấu hoặc thậm chí là tuổi trưởng thành.
Bệnh thận đa nang có nguy hiểm không?
Bệnh nhân thận đa nang có thể gặp các biến chứng như sau:
- Suy thận: Thận đa nang dễ tiến triển đến suy thận và đây là biến chứng thường gặp nhất.
- Nhiễm trùng: Đây là biến chứng thường gặp của bệnh thận đa nang. Theo thống kê, có khoảng 11-34% số bệnh nhân thận đa nang mắc sỏi thận, điều này khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn thận. Nhiễm khuẩn là lý do chính khiến bệnh nhân phải nhập viện. Mặc dù thận của người bệnh có kích thước tăng lên do các nang thận tăng dần theo thời gian nhưng bệnh thường không gây đau. Triệu chứng đau ở bệnh nhân là do biến chứng nhiễm trùng của bệnh.
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp có thể xảy ra sớm, gặp với tỉ lệ 13-20% số bệnh nhân ngay cả khi chưa có suy thận.
- Nang xuất huyết.
- Ung thư thận: Thống kê cho thấy, gần 50% số ca ung thư thận xảy ra ở bệnh nhân bị bệnh thận đa nang.
Ngoài ra, có 10-30% bệnh nhân mắc thận đa nang khi chụp động mạch não phát hiện có phình mạch trong sọ. Tỉ lệ chảy máu trong sọ gặp khoảng 2% số bệnh nhân do vỡ phình mạch.
Tăng huyết áp là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc thận đa nang
Các phòng ngừa và điều trị thận đa nang
Đến nay, y học hiện đại vẫn chưa tìm ra cách phòng ngừa thận đa nang. Với người đã bị bệnh này, các phương pháp điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng và phòng ngừa nguy cơ biến chứng của bệnh.
Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể kê các thuốc như thuốc hạ huyết áp (khi bị tăng huyết áp), thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu, khi có nhiễm khuẩn thận sẽ được kê thêm kháng sinh.
Trong trường hợp nang thận quá lớn gây chèn ép trong ổ bụng thì bệnh nhân có thể được mổ dẫn lưu. Phương pháp lọc máu định kỳ và ghép thận được chỉ định cho bệnh nhân bị biến chứng suy thận giai đoạn cuối.
Khi được chẩn đoán bị thận đa nang, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn.
- Tuyệt đối không điều trị theo các phương pháp dân gian, gia truyền hay dùng thuốc nam mà bỏ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nên ăn nhiều rau quả, hạn chế muối, uống nhiều nước.
- Khi có biểu hiện bất thường hoặc dấu hiệu đau bụng, cần nhập viện ngay.
- Giảm cân: Thừa cân khiến thận của bạn phải làm việc nhiều hơn. Giảm cân giúp bảo vệ thận của bạn.
- Tăng cường vận động cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp giảm cân và giảm căng thẳng, kiểm soát huyết áp.
- Không nên chơi các môn thể thao va chạm mạnh, ví dụ như bóng đá. Bởi những chấn thương, đặc biệt là vùng lưng và hai bên hông có thể khiến nang thận vỡ ra.
- Ngủ đủ từ 7-8 tiếng/đêm, điều này rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời có thể giúp bạn kiểm soát huyết áp và đường huyết tốt hơn.
- Bỏ thuốc lá (nếu đang hút) bởi thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ biến chứng tăng huyết áp và tổn thương thận ở người mắc bệnh thận đa nang.
Bệnh nhân cần bỏ thuốc lá nếu đang hút thuốc
Như vậy, thận đa nang là bệnh lý di truyền và chưa có phương pháp điều trị triệt để. Bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ đồng thời thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý để phòng ngừa biến chứng của bệnh.
XEM THÊM: