Để có thể loại bỏ các nốt viêm nang lông trên vai, lưng, mông và những khu vực khác, bạn nên theo dõi bài viết sau đây. Chúng tôi sẽ giúp bạn biết thực chất viêm nang lông là gì, cách phân biệt với một tình trạng tương tự trên da là dày sừng nang lông, nguyên nhân cũng như cách khắc phục dựa trên cơ sở khoa học. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Viêm nang lông là gì?
Viêm nang lông là gì?
Viêm nang lông (Folliculitis) là các tổn thương, viêm nhiễm ở trong cổ nang lông, nó được biểu hiện ra ngoài bởi những nốt sẩn ngứa màu đỏ bao quanh cổ nang lông. Chúng thường xuất hiện, khu trú ở vùng ngực, vai, lưng, mông… Đây đều là những vùng hay bị tỳ đè hoặc hay ra mồ hôi, hoặc vùng kín, bí bách do mặc quần áo chật.
Viêm nang lông có thể được chia thành 2 loại theo mức độ tổn thương và nguyên nhân đó là:
- Viêm nang lông nông: Tình trạng viêm chỉ xảy ra ở một phần nang lông, chủ yếu do vi khuẩn Pityrosporum, Staphylococcus aureus, dùng dao cạo sai cách, …
- Viêm nang lông sâu: Tình trạng viêm nhiễm xảy ra khắp lỗ chân lông, căn nguyên là viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan hoặc do vi khuẩn gram âm,…
Cần phân biệt giữa viêm nang lông và dày sừng nang lông
Trên da cơ thể, viêm nang lông rất dễ bị nhầm lẫn với 1 tình trạng khác có triệu chứng gần giống với nó, đó là dày sừng nang lông. Với mỗi tình trạng, cách điều trị sẽ khác nhau. Vì vậy, trước hết bạn cần phân biệt được những chấm li ti trên da của mình là do nguyên nhân nào gây ra để có hướng khắc phục hiệu quả.
Dày sừng nang lông trên da (Keratosis pilaris) là vấn đề hoàn toàn khác so với viêm nang lông nhưng rất nhiều người đang bị nhầm lẫn giữa hai tình trạng này.
Dày sừng nang lông là kết quả của sự tích tụ keratin quá mức ở nang lông. Trong đó, keratin là một loại protein cứng có ở lông và tóc với tác dụng bảo vệ da khỏi những chất độc hại và tác nhân gây nhiễm trùng. Các keratin tạo thành một nút sừng tế bào chết làm bít tắc nang lông. Ở người bị dày sừng nang lông, vì quá nhiều lớp sừng hình thành khiến da xuất hiện nốt đỏ và chấm đen, hơi sần và thô ráp.
Về vị trí, dày sừng nang lông thường gặp ở mặt ngoài cẳng chân, mặt sau cánh tay, bả vai, ngoài ra có thể gặp ở cẳng tay và đùi.
Viêm nang lông (trái) và dày sừng nang lông (phải)
Dày sừng nang lông không có tình trạng viêm, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi thì nó có thể viêm hoặc bội nhiễm để trở thành viêm nang lông. Viêm nang lông là một trạng thái nặng hơn so với dày sừng nang lông.
Chỉ khi phân biệt được hai tình trạng kể trên, bạn mới có phương pháp khắc phục hiệu quả. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung nói về nguyên nhân gây viêm nang lông và giúp bạn có phương pháp cải thiện hiệu quả.
Nguyên nhân khiến việc điều trị viêm nang lông dễ bị thất bại
Thực tế cho thấy, dù đã rất nỗ lực nhưng nhiều người vẫn thất bại trong việc điều trị viêm nang lông. Đó là bởi họ không nắm được nguyên nhân gây viêm nang lông mình đang gặp phải và không khắc phục được nó.
Trên da của chúng ta luôn tồn tại 4 loại ký sinh là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm. 4 hệ này sinh sống hòa đồng với nhau, khi chúng được cân bằng thì da khỏe mạnh. Nhưng nếu có 1 loại phát triển mạnh mẽ hơn thì da sẽ bị viêm nhiễm.
Ví dụ, khi vi khuẩn yếu đi (do uống kháng sinh nhiều) thì da dễ nhiễm virus herpes hơn và gây viêm nang lông do herpes. Hoặc nếu bạn dùng xà phòng để tắm kỹ toàn bộ cơ thể, xà phòng tắm có tính kiềm mạnh sẽ làm tiêu diệt vi khuẩn, từ đó làm mất sự cân bằng trên da và khiến virus, nấm phát triển. Khi đó, những tổn thương do virus sẽ tiến triển nặng hơn.
Chỉ khi phân biệt được các tổn thương, viêm nang lông là do nguyên nhân nào (vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng) thì bạn mới có thể áp dụng được phương pháp điều trị hiệu quả.
Ví dụ, viêm nang lông do vi khuẩn thì tổn thương là những nốt sẩn đỏ, khi ở giai đoạn bội nhiễm thì nó sẽ là những nốt mủ hoặc mụn nước mà có lông mọc lên ở giữa nốt đó. Vị trí hay bị viêm nang lông do vi khuẩn là mông và ngực.
Để biết được chính xác tình trạng viêm nang lông của mình là do nguyên nhân nào, bạn cần đi khám tại bệnh viện hoặc phòng khám da liễu trên toàn quốc.
Cách điều trị viêm nang lông
Điều trị viêm nang lông là một quá trình lâu dài, đòi hỏi bạn phải kiên trì và thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tùy thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân gây ra viêm nang lông mà phương pháp điều trị cũng khác nhau giữa mỗi người.
Hiện nay, có các phương pháp điều trị viêm nang lông như sau:
Sử dụng thuốc (thuốc uống và thuốc bôi)
Bệnh nhân thường được sử dụng các loại thuốc giảm viêm, khử trùng và ức chế sự phát triển của mầm bệnh, chẳng hạn như:
- Thuốc kháng sinh bôi ngoài da: Thuốc kháng sinh được dùng với mục đích tiêu diệt vi khuẩn khi nguyên nhân gây ra là do vi khuẩn hoặc trường hợp viêm nang lông do nguyên nhân khác nhưng có bội nhiễm. Một số loại thuốc phổ biến trong nhóm này là: Amoxicillin, B-lactam, ciprofloxacin, cephalosporin, metronidazole,…
- Thuốc sát khuẩn: Thuốc sát khuẩn dùng ngoài da cho viêm nang lông thường sẽ chứa các thành phần như Povidon Iod 0,1%, Chlorhexidine 4%, Hexamidine 0,1%. Thuốc này được dùng với mục đích tiêu diệt mầm bệnh và hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển.
- Thuốc trị nấm: Đây có thể là thuốc bôi tại chỗ hoặc thuốc uống dùng trong trường hợp nguyên nhân viêm nang lông do nấm.
- Kháng virus: Thuốc này dùng trong trường hợp nguyên nhân viêm nang lông là do virus, tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ chỉ định thuốc bôi hoặc thuốc uống.
- Thuốc bôi có thành phần benzoyl peroxide: Thuốc này có tác dụng sát trùng, làm bong lớp biểu bì và vảy trên da, được dùng đối với bệnh viêm nang lông ở mặt do uống kháng sinh dài ngày.
Sử dụng thuốc bôi ngoài da để điều trị viêm nang lông
Một số phương pháp điều trị viêm nang lông khác:
- Liệu pháp ánh sáng.
- Sử dụng tia laser.
- Tiểu phẫu: Được chỉ định trong trường hợp mụn mủ quá lớn.
Những nguyên tắc cần nhớ để giảm viêm nang lông hiệu quả
Có các nguyên tắc trong quá trình điều trị viêm nang lông như sau:
Mặc quần áo rộng và thoáng mát
Nhiều khi, việc mặc quần áo rộng và thoáng, thấm mồ hôi tốt sẽ hiệu quả hơn cả việc bôi thuốc. Tại sao lại như vậy?
Đó là bởi khi mặc đồ bó, đặc biệt là khi chơi thể thao, mồ hôi thoát ra thấm ngược trở lại da, từ đó tạo môi trường bí, vi khuẩn hiếm khí sẽ dễ hoạt động và gây viêm nang lông.
Vệ sinh cá nhân hàng ngày đúng cách
Tránh dùng xà phòng tắm có tính tẩy mạnh. Xà phòng tắm vốn sinh ra là để rửa tay, không phải để tắm. Ngày nay, các loại sữa tắm chuyên dụng đã được sản xuất và bán rất rộng rãi, nó sẽ có pH phù hợp với da cơ thể hơn (có pH từ 5.5-6.5).
Không ngồi liên tục trong 1 thời gian dài
Ngồi liên tục trong thời gian dài là nguyên nhân hàng đầu khiến học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng dễ bị viêm nang lông ở vùng mông.
Vì vậy, khi đã ngồi liên tục từ 30 phút đến 45 phút, hoặc nếu cảm thấy vùng mông nóng quá thì bạn nên đứng dậy đi lại. Trường hợp, nếu quần dính với phần da mông thì nên dùng tay tách nó ra.
Khi sử dụng thuốc điều trị hợp lý, đồng thời thực hiện theo các lưu ý như trên, tình trạng viêm nang lông của bạn sẽ được cải thiện. Lời khuyên tốt nhất vẫn là bạn nên đi khám da liễu để biết được tình trạng mình đang gặp phải là do vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng gây ra, từ đó sử dụng đúng thuốc, đúng cách và thu lại hiệu quả mong muốn.
XEM THÊM: