Nấm da là một trong số những bệnh da liễu có tỷ lệ rất cao, vào khoảng 27,3%. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như trên da, tóc, móng,... Vùng da bị nấm vô cùng ngứa ngáy, khó chịu, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những bệnh nấm da thường gặp, cũng như cách điều trị và phòng ngừa nhé!
Điểm danh một số bệnh nấm da thường gặp, cách điều trị và phòng ngừa
Nấm da là bệnh gì?
Nấm da là một bệnh da liễu do các loại vi nấm gây ra. Bào tử nấm có thể tồn tại trong không khí, môi trường xung quanh, và cả các vật dụng hay vật nuôi. Hiện nay, người ta đã tìm được hơn 30 loại nấm khác nhau, chủ yếu là thuộc vào các chi như: Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum.
Các loại nấm này sống bằng cách ký sinh vào vật chủ như vật nuôi và người. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, nước ta là một nơi lý tưởng cho các loại nấm ký sinh phát triển và gây bệnh.
Nấm thường phát triển tốt ở nhiệt độ 27 - 35 độ C, pH từ 6.9 - 7.2. Bất kỳ vùng da nào cũng có thể trở thành nơi “cư trú” của nấm, tuy nhiên chúng đặc biệt ưa thích những vị trí ẩm ướt dễ ra mồ hôi, vệ sinh kém, hay có nhiều nếp gấp như: bẹn, nách, thắt lưng, kẽ chân, móng hay da đầu,...
Các loại bệnh nấm da thường gặp
Nấm da có rất nhiều loại khác nhau, tuy nhiên chúng đều gây ra cảm giác khó chịu, khiến người bệnh phải gãi nhiều, có thể dẫn đến nhiễm trùng, mưng mủ, lở loét. Điều này khiến sinh hoạt của người bệnh gặp phải rất nhiều trở ngại.
Các loại nấm da thường gặp nhất có thể kể đến như:
Nấm lang ben
Lang ben là căn bệnh gây ra bởi loại nấm da nhóm Pityrosporum, sống ký sinh ở lớp sừng. Bệnh được ghi nhận ở người có tuyến bã tăng cường mạnh hay mắc chứng tăng tiết mồ hôi, thành phần trong mồ hôi thay đổi. Bệnh thường xuất hiện nhiều hơn trong điều kiện nóng ẩm và cơ thể ra nhiều mồ hôi mà không được vệ sinh kỹ.
Khi mới mắc, người bệnh có thể bị nổi những chấm màu hồng, nâu hoặc trắng ở trên da. Các chấm này phát triển lớn dần thành từng mảng, khác biệt hoàn toàn với vùng da lành.
Tổn thương có hình bầu dục hoặc hình đa cung. với đường kính từ 1 - 3cm. Bề mặt có vảy cám mịn, bong ra khi cạo. Bệnh nấm da này không gây đau, ngứa tăng lên khi ra mồ hôi.
Nấm hắc lào
Cả 3 loại vi nấm Trichophyton, Microsporum, Epidermophyton đều có thể gây ra bệnh hắc lào. Bệnh có thể xuất hiện tại da chân, tay, đùi, móng tay, bẹn, và cả da đầu. Thời điểm dễ mắc bệnh nhất là vào thời gian giao mùa đông xuân hoặc xuân hạ, khi thời tiết nóng ẩm và mưa phùn.
Đặc điểm dễ nhận biết nhất của hắc lào là mẩn đỏ, mụn nước nhỏ xuất hiện thành hình đồng tiền. Vùng da tổn thương bị ngứa nhiều và rất khó chịu, ngừa tăng lên khi nóng bức. Nấm hắc lào rất dễ lây lan từ vùng này qua vùng khác của cơ thể, và tạo thành những mảng với kích thước lớn hơn.
Nấm hắc lào gây tổn thương hình đồng tiền
Nấm da đầu
Nấm da đầu là bệnh lý do hai loại nấm sợi có tên Microsporum và Trichophyton gây ra, ảnh hưởng đến cả vùng da đầu và tóc. Nguyên nhân nhiễm nấm da đầu thường là do vệ sinh da đầu kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, thường xuyên để tóc ẩm đi ngủ, hay lây nhiễm từ người hoặc động vật bị bệnh. Triệu chứng điển hình của nấm da đầu là: ngứa ngáy, xuất hiện nhiều gàu, nổi mụn đỏ, rụng tóc nhiều, thậm chí là rụng thành từng mảng.
Nấm kẽ
Nấm kẽ là bệnh gây ra bởi các loại vi nấm Epidermophyton Floccosum, Trichophyton rubrum và Trichophyton mentagrophytes.Vị trí thường gặp nhất là ở kẽ ngón chân thứ 3 và thứ 4, sau đó có thể lan ra các vùng lân cận. Triệu chứng của nấm chân là xuất hiện những đốm đỏ hình tròn và nổi mụn nước. Các mụn này khi vỡ ra, sẽ làm bong tróc da, gây ngứa ngáy.
Nấm móng
Có nhiều loại vi nấm khác nhau có thể gây ra bệnh nấm móng, trong đó thường thấy nhất là dermatophyte. Căn bệnh này được bắt gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người già vì móng giòn và khô hơn. Biểu hiện của nấm móng là: móng dày lên, đổi thành màu vàng nâu, giòn, vụn, dễ gãy, biến dạng, có mùi hôi. Nấm ảnh hưởng đến cả móng tay và móng chân.
Các biện pháp điều trị bệnh nấm da
Các loại thuốc đầu tay được dùng trong điều trị nấm da là thuốc kháng nấm. Phần lớn các trường hợp là bôi ngoài da, tại vị trí bị nấm. Trong trường hợp nhiễm trùng lan rộng, khó điều trị, thì người bệnh sẽ được dùng thêm thuốc uống.
Một số nhóm thuốc có thể chỉ định như:
- Thuốc mỡ: Benzosali, miconazole, clotrimazole, ketoconazole,…
- Thuốc uống: Griseofulvin, terbinafine, Itraconazole, Fluconazole,...
- Thuốc nước như cồn sát trùng ASA, BSI,…
Cùng với đó, người bệnh nên giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh để vết thương ẩm ướt, không dùng xà phòng, giặt quần áo, chăn màn bằng nước nóng và phơi nắng để tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn nấm da lan rộng hoặc lây cho người khác.
Người bệnh có thể dùng thuốc bôi điều trị nấm da
Phòng ngừa bệnh nấm da bằng cách nào?
Các biện pháp phòng ngừa nấm da có thể kể đến như:
- Giữ vệ sinh cá nhân tốt, tắm gội thường xuyên, khi tắm nên kỳ cọ kỹ, nhất là các khu vực như: nách, bẹn, thắt lưng, kẽ ngón chân, móng chân, móng tay,...
- Lau khô mồ hôi sau khi chơi thể thao, tập thể dục, bơi lội và hoạt động mạnh với khăn sạch.
- Không để tóc ẩm khi đi ngủ.
- Bảo vệ da, tránh làm da bị thương, xây xước, cắt móng tay, móng chân thường xuyên
- Lựa chọn quần áo và giày dép phù hợp, tránh dùng đồ bó gây cọ xát lên da. Không đi chân trần trong nhà.
- Giữ vệ sinh môi trường sống, nhất là những nơi cáu bẩn, ẩm thấp,...
- Không sử dụng chung đồ dùng với những người bệnh, hoặc nghi ngờ bị nấm da.
- Không đến gần những vật nuôi đang bị nhiễm nấm.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho quý độc giả về các bệnh nấm da thường gặp, cũng như cách điều trị và phòng ngừa. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Lupus ban đỏ - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Bệnh tự miễn - Nguyên nhân, một số loại thường gặp và cách điều trị