Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh đường tiêu hóa thường gặp, và gây ra nhiều phiền toái. Tuy nhiên, người bệnh thường chủ quan và không hiểu được sự phức tạp trong tiến triển của bệnh lý này.
Vậy trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không? Điều trị bệnh bằng cách nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về điều này trong bài viết dưới đây nhé!
Trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?
Trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không?
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới không thể đóng kín, khiến cho một lượng dịch dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản. Điều này khiến cho lớp niêm mạc thực quản bị kích thích và gây nên nhiều triệu chứng khó chịu như: Ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nghẹn, khó nuốt, đắng miệng, đau tức vùng thượng vị,...
Trào ngược dạ dày thực quản sẽ không có gì đáng ngại nếu được điều trị sớm và dứt điểm. Tuy nhiên, nếu được không điều trị tốt, trào ngược tái phát nhiều lần có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:
Viêm loét thực quản
Đây là biến chứng thường được bắt gặp nhất. Niêm mạc thực quản bị acid dịch vị bào mòn, dẫn đến viêm loét. Thực quản bị viêm loét sẽ gây khó nuốt, đau ngực, buồn nôn, mất cảm giác thèm ăn, đau sau xương ức khi ăn uống,...
Hẹp thực quản
Tình trạng này xảy ra khi các vết loét phát triển thành mô sẹo. Các mô sẹo sẽ tích lũy ngày một nhiều và dày lên khiến khẩu kính thực quản bị thu hẹp. Hẹp thực quản sẽ dẫn đến khó nuốt, có cảm giác vướng nghẹn ở cổ, đau ngực,...
Các vấn đề về hô hấp
Dịch vị chứa acid có thể trào ngược và lọt vào đường hô hấp. Điều này có thể dẫn đến tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi,... Người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng khác như: Chảy nước mũi, ho, khò khè, khàn giọng,...
Barrett thực quản
Barrett thực quản xảy ra khi các tế bào niêm mạc thực quản bị biến đổi dưới kích thích của axit dịch vị. Axit trào từ dạ dày ngược lên thực quản, dẫn đến tổn thương mô thực quản. Khi thực quản cố gắng tự chữa lành vết thương, các tế bào tại lớp lót có thể thay đổi tính chất và cấu trúc của nó và gây ra Barrett thực quản. Barrett thực quản làm tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Ung thư thực quản
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất ở người mắc trào ngược dạ dày thực quản. Ung thư thực quản thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó phát hiện sớm. Khi người bệnh đã cảm nhận sự hiện diện của các triệu chứng, thì khối u đã phát triển lớn, tiên lượng điều trị thấp.
Trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến ung thư
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản bằng cách nào?
Có thể thấy, trào ngược dạ dày thực quản nếu không được điều trị tốt sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Không chỉ chất lượng cuộc sống giảm sút, mà tuổi thọ người bệnh cũng có thể bị rút ngắn.
Chính vì vậy, điều trị dứt điểm trào ngược dạ dày thực quản là điều vô cùng quan trọng. Các phương pháp điều trị bệnh lý này có thể kể đến như:
Điều trị nội khoa
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) như: Omeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol, Esomeprazol,... Các thuốc giúp giảm nồng độ acid trong dạ dày bằng cách ức chế các thụ thể tạo acid trong niêm mạc dạ dày.
- Thuốc trung hòa Acid dạ dày thường dùng là thuốc có chứa các muối nhôm (carbonat, hydroxyd, phosphate) và các muối magie (carbonat, hydroxyd, trisilicate).
- Thuốc kháng thụ thể Histamin H2 như: Ranitidin, Famotidin,... Thuốc có tác dụng làm giảm tiết acid dịch vị dạ dày.
- Thuốc trợ vận động như: Metoclopramide, Domperidone, Baclofen,... Thuốc giúp tăng đào thải acid trong lòng thực quản, tăng cường làm rỗng dạ dày và tăng nhu động của cơ thực quản.
- Thuốc chống trầm cảm như: Imipramine, Nortriptyline, Trazodone, Sertraline,... Các thuốc này có thể được kê đơn để giúp người bệnh giảm lo âu, căng thẳng, stress,...
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi điều trị nội khoa thất bại, hoặc không thể dùng thuốc trong thời gian dài. Các phương pháp điều trị ngoại khoa gồm có:
- Nội soi khâu cơ thắt thực quản.
- Phẫu thuật tạo hình Nissen để thắt chặt cơ và ngăn ngừa trào ngược, phương pháp này có thể được thực hiện bằng mổ nội soi hoặc mổ mở.
- Thắt cơ vòng thực quản bằng thiết bị từ tính: Phẫu thuật cấy ghép một vòng các hạt titan nhỏ chứa từ tính được quấn quanh ngã ba của dạ dày và thực quản. Lực hút từ giữa các hạt đủ mạnh để giữ cơ vòng đóng lại ngăn acid trào ngược lên, nhưng đủ yếu để cho phép thức ăn đi qua.
Thắt cơ vòng thực quản bằng thiết bị từ tính
Phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản tái phát bằng cách nào?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất dễ tái phát trở lại. Vì vậy, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân, béo phì sẽ gây áp lực lên bụng, đẩy dạ dày cao lên và là nguyên nhân khiến acid trào ngược lên thực quản.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm giảm khả năng hoạt động của cơ thắt thực quản.
- Nâng cao đầu giường lên từ 15 - 23cm. Nếu không thể nâng giường lên, người bệnh có thể đặt thêm gối để nâng cơ thể từ thắt lưng trở lên.
- Không nằm xuống ngay sau ăn, mà nên đợi ít nhất ba giờ.
- Nên ăn từ từ và nhai kỹ
- Tránh thực phẩm và đồ uống gây ra trào ngược như: đồ ăn nhiều dầu mỡ, rượu, sô cô la, bạc hà, tỏi, hành tây và caffeine.
- Nên ăn các thực phẩm như: Ngũ cốc nguyên hạt, gạo nguyên cám, yến mạch vì giúp làm giảm lượng acid thừa bên trong dạ dày, giảm triệu chứng trào ngược dạ dày. Sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn hỗ trợ tốt cho đường tiêu hóa. Các loại trái cây chứa ít acid như táo, lê, chuối. Các loại đạm dễ tiêu: thịt thăn lợn, thịt ngan, cá.
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về các biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản và cách điều trị. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 1800.1044. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi!
XEM THÊM:
- Tư thế ngủ tốt cho người bị trào ngược dạ dày – thực quản
- Suy giảm trí nhớ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục