Đau dây thần kinh tọa là bệnh đặc trưng bởi những cơn đau nhói hoặc âm ỉ ở thắt lưng. Cơn đau thường tăng lên khi hoạt động, hay hắt hơi hoặc ho, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Hiện nay, dùng thuốc vẫn là lựa chọn đầu tay trong việc giải quyết vấn đề này. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề đau dây thần kinh tọa uống thuốc gì nhé!
Đau dây thần kinh tọa uống thuốc gì?
Đôi nét về bệnh đau dây thần kinh tọa
Đau dây thần kinh tọa xảy ra khi dây thần kinh này bị chèn ép, thường gặp nhất là do thoát vị đĩa đệm. Tình trạng đó gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và cảm giác ở các chi dưới. Người bị đau dây thần kinh tọa sẽ gặp phải những cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói ở thắt lưng. Đau tăng lên khi hoạt động, ho, hắt hơi; đứng, ngồi lâu, thay đổi tư thế hay đi đại tiện.
Đồng thời, các rễ thần kinh bị chèn ép và tổn thương sẽ gây tê bì, ngứa ran ở vùng mông, mặt ngoài đùi, cẳng chân, khoeo chân, mắt cá và cả ngón chân. Một số người còn có thể bị đau dữ dội, hoặc như điện giật, gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày.
Hiện nay, y học chưa có loại thuốc nào có thể điều trị được các nguyên nhân gây bệnh đau dây thần kinh tọa. Chính vì vậy, người bệnh thường sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc giúp làm giảm triệu chứng.
Đây là các loại thuốc giảm đau ngoại biên, trung ương, giảm đau thần kinh hay giảm co thắt,... và một số loại thuốc hỗ trợ khác. Trong phần tiếp theo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về các loại thuốc này nhé!
Thuốc giảm đau được dùng để kiểm soát triệu chứng đau dây thần kinh tọa
Đau dây thần kinh tọa uống thuốc gì?
Các loại thuốc đang được sử dụng để điều trị triệu chứng đau dây thần kinh tọa có thể kể đến như:
Thuốc giảm đau Paracetamol
Thuốc Paracetamol hay acetaminophen có tác dụng giảm đau trên cả ngoại biên và trung ương. Paracetamol giúp làm giảm các cơn đau nhức thông qua ức chế chọn lọc Cyclooxygenase 3 (COX-3) và giảm nồng độ Prostaglandin ở vùng dưới đồi tại não bộ.
Đây là loại thuốc giảm đau có ít tác dụng phụ nhất do không tác động vào Cyclooxygenase 1. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan. Nếu sử dụng quá liều, người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol.
Liều lượng khuyến cáo khi dùng loại thuốc này để điều trị đau dây thần kinh tọa là từ 1 -3g/ ngày, chia 3 lần với các trường hợp nhẹ và trung bình. Với những trường hợp nặng, người bệnh sẽ được kết hợp với các thuốc khác, ví dụ như codein.
Thuốc giảm đau chống viêm không corticoid - NSAIDs
Đây là nhóm thuốc giảm đau chống viêm thông dụng nhất, được sử dụng trong nhiều bệnh lý khác nhau. Ví dụ như: viêm khớp dạng thấp, bệnh gút,... và cả đau dây thần kinh tọa.
Nhóm này gồm ít nhất 20 chất có cấu trúc hóa học khác nhau nhưng cách thức tác dụng tương tự nhau. Cũng tương tự như paracetamol, tác dụng giảm đau của NSAIDs là nhờ ức chế enzyme cyclooxygenases (COX), làm giảm tổng hợp prostaglandin.
Tuy nhiên, NSAIDs tác dụng trên COX-1 và COX-2 nên vừa có khả năng giảm đau, hạ sốt, vừa giúp chống viêm. Tuy nhiên, chính vì vậy, các thuốc này lại gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, gây viêm loét dạ dày tá tràng.
Những NSAIDs tác dụng chọn lọc trên COX-2 ít gây ảnh hưởng đến dạ dày hơn, nhưng lại làm tăng nguy cơ của các bệnh tim mạch (ngoài aspirin), như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
Ngoài ra, có khoảng 1 - 5% số người dùng NSAIDs có thể gặp tác dụng phụ trên thận, ví dụ như suy thận cấp. Do đó, những người có bệnh lý suy tim, xơ gan, bệnh thận mạn, tăng huyết áp, tiểu đường,... không nên sử dụng thuốc nhóm này.
Các loại thuốc nhóm NSAIDs thường được dùng trên lâm sàng có thể kể đến như: Ibuprofen 400mg (dùng 3 - 4 lần/ ngày), naproxen 500mg (2 lần/ ngày), diclofenac (75 - 150 mg/ ngày), piroxicam 20 mg/ ngày, meloxicam 15 mg/ ngày, celecoxib 200mg/ ngày, etoricoxib 60mg/ ngày,...
Thuốc giảm đau NSAIDs có thể gây tác dụng phụ trên tim mạch và dạ dày
Thuốc gabapentin và pregabalin
Gabapentin và pregabalin là hai loại thuốc được sử dụng để giảm đau thần kinh trong các bệnh lý như: Đau dây thần kinh tọa, viêm các dây thần kinh ngoại biên sau zona, biến chứng đau dây thần kinh trong bệnh tiểu đường,... Ngoài ra, hai thuốc này cũng được sử dụng để điều trị các cơn động kinh.
Liều lượng khuyến cáo của chúng là:
- Gabapentin: Liều uống 600 - 1200 mg/ ngày, liều khởi đầu là 300mg/ ngày trong tuần đầu tiên.
- Pregabalin: Liều dùng 150 - 300 mg/ ngày, liều khởi đầu là 75mg/ ngày trong tuần đầu tiên.
Gabapentin có một số tác dụng phụ như: Chóng mặt, nhìn đôi, nói líu lưỡi, ngủ lịm, tiêu chảy nhẹ,... Pregabalin có thể gây tăng cân, tăng men gan, hạ đường huyết, tiểu không tự chủ, nhịp tim nhanh, rối loạn cương dương,...
Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ như Tolperisone và Eperisone, được sử dụng để giảm các triệu chứng co thắt, nhờ đó giảm các cơn đau do đau dây thần kinh tọa.
Trong đó, Tolperisone cho hiệu quả giãn cơ nhanh chóng nhờ tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra là: Tụt huyết áp, nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, chướng bụng,... Liều dùng Tolperisone được khuyến cáo là 150mg/ ngày, chia thành 3 lần.
Eperisone có tác dụng làm giảm phản xạ đau, tình trạng loạn cơ, giúp thư giãn cơ vân và cơ trơn mạch máu. Tuy nhiên, Eperisone có thể gây rối loạn chức năng của thận và gan, phát ban,... Liều dùng Eperisone được khuyến cáo là 150mg/ ngày, chia thành 3 lần.
Thuốc giãn cơ tolperisone cũng giúp giảm đau
Một số loại thuốc khác
Một số loại thuốc khác được sử dụng để điều trị các cơn đau do đau thần kinh tọa là:
- Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng được dùng trong trường hợp đau tại cột sống cổ, cột sống thắt lưng, và đau do hẹp ống sống hay thoát vị đĩa đệm.
Phương pháp này được sử dụng khi các thuốc đường uống không có hiệu quả. Một mũi tiêm sẽ chứa một liều corticosteroid (triamcinolone, methylprednisolone, dexamethasone) và một liều thuốc tê (lidocaine hay bupivacaine). Tuy giúp giảm đau hiệu quả, nhưng corticosteroid cũng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Vì vậy, tiêm corticosteroid ngoài màng cứng thường không được thực hiện liên tục.
- Mecobalamin là một coenzym vitamin B12 được tìm thấy trong máu và dịch não tủy. Nó được hấp thu vào các mô thần kinh nhiều hơn các dạng khác của vitamin B12. Mecobalamin có tác dụng phục hồi những mô thần kinh bị tổn thương và ngăn chặn sự dẫn truyền các xung thần kinh bất thường. Do đó, nó thường được dùng kết hợp với các thuốc giảm đau khác nhằm làm giảm triệu chứng đau dây thần kinh tọa.
- Các loại vitamin nhóm B khác như B1 và B6, cũng có những tác động trên thần kinh, giúp làm giảm bớt mức độ đau cho người bệnh.
- Các miếng dán có chứa thuốc tê cũng có thể được dùng để giảm đau, bằng cách dán tại vùng thắt lưng.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết để giúp quý độc giả trả lời được thắc mắc “Đau dây thần kinh tọa uống thuốc gì?”. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả!
XEM THÊM: