Tìm hiểu về buồng trứng và các bệnh lý thường gặp

Cập nhập: Thứ năm, 16/02/2023

 

   Buồng trứng là một trong những cơ quan đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện chức năng sinh sản của nữ giới. Vì thế mà việc hiểu về buồng trứng cũng như các căn bệnh thường gặp tại đây là rất quan trọng đối với các chị em. Mời bạn cùng tham khảo bài viết sau để có thêm nhiều thông tin bổ ích cho vấn đề này.

 

Tìm hiểu về buồng trứng

Tìm hiểu về buồng trứng và các bệnh lý thường gặp

 

Tổng quan vị trí, cấu tạo, vai trò của buồng trứng

Vị trí của buồng trứng

   Buồng trứng là cơ quan sinh sản của nữ giới, gồm một cặp nằm ở hai bên trái - phải so với trục dọc của tử cung.

   Buồng trứng có vị trí được xác định là nằm ở hai bên tử cung, phía trên thành chậu hông bé, phía sau vòi tử cung và dưới eo chậu trên khoảng 1cm. 

   Vị trí của buồng trứng không cố định và sẽ có thay đổi sau mỗi lần sinh nở của nữ giới. Ban đầu, ở phụ nữ chưa sinh con thì buồng trứng nằm ở tư thế đứng, trục dọc của nó hướng theo phương thẳng đứng.

Cấu tạo của buồng trứng

   Buồng trứng có hình hạt đậu, hơi dẹt, kích thước chiều dài khoảng 3cm, chiều rộng 1,5cm và chiều dày 1 cm. Cấu tạo của buồng trứng được hình dung đơn giản theo cách chia như sau:

  • Hai mặt trong và ngoài
  • Hai bờ gồm bờ tự do và bờ mạc treo. Bờ tự do không gắn với bộ phận nào khác, trong khi bờ mạc treo một bên được gắn với thanh mạc tử cung, một bên gắn với vỏ ngoài ống dẫn trứng.
  • Hai đầu gồm đầu vòi (hướng về phía vòi trứng) và đầu tử cung (hướng về phía bờ mạc treo tử cung)

   Cấu tạo buồng trứng phân tích theo hướng từ ngoài vào trong được chia thành 3 lớp: lớp áo trắng, lớp vỏ buồng trứng và ở trung tâm là tủy buồng trứng.

   Lớp áo trắng: Là lớp tế bào phủ ngoài buồng trứng và theo tuổi tác nó sẽ mỏng dần và chuyển sang màu trắng đục.

   Vỏ buồng trứng: Nằm ngay dưới lớp áo trắng, chứa các nang trứng và thể vàng. Trong lớp mô đệm của vỏ buồng trứng có các sợi mô liên kết lưới và tế bào hình thoi cùng các tế bào cơ trơn.

   Tuỷ buồng trứng: Nằm ở trung tâm buồng trứng, bao gồm các mô liên kết có dạng sợi chun, tế bào cơ trơn cùng các mạch máu.

    Nang trứng: Ngay từ khi chào đời, trong lớp vỏ buồng trứng của nữ giới đã hình thành nhiều nang trứng nguyên thuỷ. Mỗi nang trứng nguyên thuỷ có một hạch tâm là noãn, được bao quanh bởi một lớp tế bào trụ nhỏ hay tế bào dẹt gọi là các tế bào nang. Khi đến tuổi dậy thì, nang trứng nguyên thủy bắt đầu phát triển thành nang trứng chín và rụng theo chu kỳ.

 

Vị trí buồng trứng

Vị trí buồng trứng

 

Vai trò của buồng trứng

   Buồng trứng là cơ quan sản xuất và nuôi dưỡng trứng, thực hiện chức năng duy trì nòi giống. Vai trò của buồng trứng tương tự như tinh hoàn của nam giới. Nó vừa là cơ quan sinh dục, vừa là tuyến nội tiết.

   Buồng trứng tiết ra estrogen và progesterone. Estrogen có vai trò hình thành đặc điểm giới tính thứ cấp của nữ ở tuổi dậy thì và cho sự trưởng thành và duy trì các cơ quan sinh dục ở trạng thái chức năng trưởng thành của các cơ quan này. Progesterone tạo sự chuẩn bị cho tử cung mang thai, và tiết sữa ở tuyến vú. Các chức năng của progesterone cùng với estrogen làm thúc đẩy những thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt trong nội mạc tử cung.

 

6 bệnh lý về buồng trứng thường gặp nhất

  1. U nang buồng trứng

   U nang buồng trứng là một khối u xuất phát từ buồng trứng có chứa dịch lỏng hoặc đặc hoặc hỗn hợp. U nang buồng trứng có thể là u nang chức năng hoặc u nang thực thể. U nang chức năng thông thường sẽ tự biến mất còn u nang buồng trứng thực thể là tình trạng bệnh lý có khối u tiến triển âm thầm, khi kích thước khối u to có thể chèn ép các tạng lân cận gây nguy hiểm cho sức khỏe.

   U nang buồng trứng có thể có các triệu chứng cần chú ý như:

  • Cảm giác nặng nề, căng tức ở vùng bụng dưới;
  • Đau vùng chậu, đau lưng;
  • Quá trình đại tiện và tiểu tiện gặp một số khó khăn;
  • Đau khi gần gũi với bạn tình;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Đau trong chu kỳ kinh;
  • Xuất huyết âm đạo bất thường…

 

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng

 

  1. Buồng trứng đa nang

   Buồng trứng đa nang là một bệnh lý phụ khoa liên quan đến rối loạn hệ thống các cơ quan nội tiết, chuyển hóa và tâm lý. Người mắc buồng trứng đa nang không chỉ đối mặt với nguy cơ giảm khả năng sinh sản cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác. Bệnh có thể gây nhiều tác động lên buồng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, rối loạn phóng noãn, tăng nồng độ nội tiết tố nam, dẫn đến hình thành nhiều nang nhỏ ở bên trong buồng trứng.

   Khi bị buồng trứng đa nang, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng:

  • Kinh nguyệt không đều: Người bệnh có thể bị mất kinh nguyệt trong nhiều tháng liền do quá trình rụng trứng gặp trục trặc, niêm mạc tử cung không bong ra hàng tháng;
  • Lông tóc phát triển, có hiện tượng rậm lông: Hơn 70% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang gặp tình trạng này. Bên cạnh đó, một số ít người bệnh mắc phải tình trạng ngược lại là rụng tóc, hói đầu, nang tóc yếu… điều này xuất phát từ sự tăng lên của các hormone nam trong cơ thể;
  • Béo phì;
  • Da mặt tăng tiết dầu, xuất hiện nhiều mụn trứng cá và da sạm hơn;
  • Tâm trạng thay đổi thất thường, thường xuyên thấy căng thẳng, lo âu;
  • Cảm giác đau, tức và khó chịu nhiều ở vùng chậu.
  1. Suy buồng trứng sớm

   Suy buồng trứng sớm (buồng trứng lão hóa sớm) là tình trạng ngừng hoạt động chức năng buồng trứng ở những phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước tuổi 40, biểu hiện thường thấy là bất thường về chu kỳ kinh như thiểu kinh hoặc không có kinh kéo theo giảm khả năng sinh sản.

   Phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh tự nhiên hiếm khi còn thấy kinh trở lại nhưng người phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có thể hành kinh trở lại dù không đều. Người mãn kinh tự nhiên không thể có thai nhưng trong một vài trường hợp suy buồng trứng sớm vẫn có thể mang thai.

   Một số phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có những triệu chứng khác tương tự mãn kinh tự nhiên, bao gồm cơn bốc hỏa, vã mồ hôi về đêm, dễ kích động, khó tập trung tư tưởng, ít quan tâm đến tình dục, đau khi quan hệ tình dục, âm đạo khô, mất khả năng sinh sản, rối loạn tiết niệu (tiểu nhiều lần, són tiểu…).

  1. Viêm buồng trứng

   Viêm buồng trứng là bệnh lý thường xuất phát từ những viêm nhiễm xung quanh lây lan đến buồng trứng, gây ra tình trạng rối loạn rụng trứng. Ống dẫn trứng khó thực hiện được chức năng phóng noãn, khiến trứng không thể rụng.

   Khoảng 25% trường hợp vô sinh là do viêm buồng trứng gây ra. Bệnh này nếu không được thăm khám và điều trị sớm có thể dẫn đến tình trạng dính buồng trứng, tắc vòi trứng, tăng nguy cơ vô sinh.

   Dấu hiệu viêm buồng trứng có thể nhận biết bao gồm: đau vùng bụng dưới, đau vùng xương hông và hậu môn, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt kèm sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi,…

  1. Xoắn buồng trứng

   Xoắn buồng trứng (xoắn adnexal) xảy ra khi một buồng trứng bị xoắn quanh các mô hỗ trợ của nó. Đôi khi, ống dẫn trứng cũng có thể bị xoắn. Khi buồng trứng hoặc vòi trứng bị xoắn sẽ làm ngưng hoặc hạn chế dòng máu đến nuôi các cơ quan này.

 

Xoắn buồng trứng

Xoắn buồng trứng

 

   Xoắn buồng trứng là một dạng bệnh lý nghiêm trọng. Nếu không được điều trị nhanh chóng, có thể phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Phụ nữ có thể dễ bị xoắn buồng trứng nếu bị u nang buồng trứng. Bệnh lý xoắn buồng trứng sẽ luôn xuất hiện kèm một số triệu chứng đau đột ngột và đôi khi không có dấu hiệu cảnh báo trước như:

  • Đau dữ dội, đột ngột ở vùng bụng dưới.
  • Chuột rút vùng bụng dưới.
  • Buồn nôn, nôn.

   Trong một số trường hợp, chuột rút và đau ở vùng bụng dưới có thể hết trong vài tuần nếu như buồng trứng đang tự “xoay xở” để quay trở lại vị trí ban đầu.

  1. Ung thư buồng trứng

   Ung thư buồng trứng là khối u ác tính xuất hiện ở một cả hai buồng trứng. Các tế bào ung thư là các tế bào bất thường, phát triển không theo sự kiểm soát của cơ thể và không tuân theo nhu cầu của cơ thể. Các tế bào ung thư này có thể xâm lấn và phá hủy các mô, cơ quan xung quanh. Không chỉ vậy chúng có thể di căn tới các cơ quan ở xa trong cơ thể và gây ung thư thứ phát tại cơ quan đó.

   Ung thư buồng trứng thường gặp một số thể chính:

  • Ung thư biểu mô buồng trứng là các tế bào ung thư phát triển từ các tế bào trên bề mặt buồng trứng đây là loại hay gặp nhất.
  • Ung thư tế bào mầm là ung thư xuất phát từ các tế bào sản xuất ra trứng, loại này ít gặp hơn ung thư biểu mô.
  • Ung thư buồng trứng xuất phát từ các tế bào mô nâng đỡ buồng trứng. Loại này cũng ít gặp.

   Các phương pháp chính để điều trị ung thư buồng trứng:

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc ống dẫn trứng hoặc buồng trứng
  • Phẫu thuật cắt bỏ tử cung
  • Hóa trị
  • Xạ trị

   Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về vị trí, vai trò cũng như các bệnh lý thường gặp ở buồng trứng. Nếu có vấn đề băn khoăn nào khác, bạn hãy gọi tới tổng đài tư vấn sức khỏe miễn phí 1800 1044 để được giải đáp nhé.

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844