Trẻ chậm nói: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục

Cập nhập: Thứ ba, 28/02/2023

 

   Lời nói là cách chúng ta giao tiếp với nhau, truyền đạt tình cảm, suy nghĩ của bản thân trước một sự việc nào đó. Đây cũng được coi là thước đo cho sự thông minh của trẻ nhỏ. Do vậy, trẻ chậm nói luôn là nỗi lo lắng, trăn trở của các bậc phụ huynh. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục ra sao? Mời bạn đọc tìm hiểu ở bài viết dưới đây!

 

Nguyên nhân trẻ chậm nói là gì?

Nguyên nhân trẻ chậm nói là gì?

 

Quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ

   Khi trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường, khả năng ngôn ngữ sẽ tăng dần lên theo độ tuổi, cụ thể:

Giai đoạn 0 - 3 tháng

  • Giật mình với những tiếng động bất ngờ.
  • Quay mặt về phía người nói.
  • Khóc thể hiện đang đói hay giận giữ.
  • Bắt đầu phát âm để thể hiện sự thích thú.

Giai đoạn từ 7 - 9 tháng

  • Nói và lặp lại các âm tiết giống nhau như  “mẹ mẹ” “bà bà”.
  • Bắt đầu phát âm để trả lời khi được gọi tên.
  • Chơi nhiều trò hơn: Vỗ tay, ú òa.
  • Dừng hoạt động khi nghe gọi tên.
  • Gọi để thu hút sự chú ý.
  • Biết dùng cử chỉ, ngôn ngữ để diễn đạt: Lắc đầu để nói "không", gật đầu để nói “có”,...

Giai đoạn 10 - 12 tháng

  • Bập bẹ nói khoảng 4 âm tiết hay nhiều hơn.
  • Đưa đồ chơi cho người lớn khi nghe thấy yêu cầu.
  • Làm theo một mệnh lệnh đơn giản như "không đụng vào".
  • Phản ứng lại bằng các hoạt động của cơ thể khi hiểu các yêu cầu của người lớn.
  • Tăng chú ý vào lời nói trong một khoảng thời gian dài.
  • Bắt đầu nhận ra vật, hình ảnh qua gọi tên.
  • Dùng được âm bật nổ, âm mũi (p, b, d, m).

Giai đoạn 19 - 24 tháng

  • Vốn từ khoảng 200 - 300 từ.
  • Có thể nói kết hợp 2 từ.
  • Bắt chước được câu khoảng 2 - 3 từ.
  • Thường xuyên nói được từ mới.
  • Bắt đầu dùng tên riêng khi nói về bản thân.
  • Có thể hỏi câu: Ở đâu? Cái gì đây?
  • Câu đơn giản có động từ, danh từ, tính từ.
  • Cố gắng "kể chuyện" nhằm chuyển tải thông điệp.
  • Làm theo chỉ dẫn 2 bước đơn giản.
  • Phát âm (p, b, m, n, h, d)

 

Trẻ 2 tuổi có thể nói được nhiều từ hơn

Trẻ 2 tuổi có thể nói được nhiều từ hơn

 

Giai đoạn 31 - 36 tháng

  • Vốn từ khoảng 900 từ.
  • Nói trọn câu ngắn dễ dàng (3 - 4 từ).
  • Trả lời đầy đủ họ và tên.
  • Bắt đầu dùng ngôn ngữ phức tạp hơn.
  • Đặt câu hỏi: Ai? Ở đâu? Cái gì? Vì sao?
  • Dùng đại từ xưng hô: Con, mẹ, cô ấy, bạn ấy...
  • Sử dụng câu phủ định: Không, không có.
  • Dùng nhiều từ chỉ vị trí.
  • Hiểu khái niệm thời gian: Hôm nay, ngày mai...,

Giai đoạn 37 - 42 tháng

  • Có thể nói rõ ràng.
  • Sử dụng câu nối với nhau.
  • Mô tả đồ vật dùng làm gì?
  • Có thể nghe một câu chuyện 10 - 15 phút.
  • Hiểu các khái niệm khó như chất lượng, số lượng, chất liệu.
  • Hiểu khái niệm ngày, đêm, phân biệt các hoạt động khác nhau ở ngày và đêm.
  • Hiểu khái niệm đối lập như đầy/vơi, giống/khác,...
  • So sánh hơn, kém, cao hơn/thấp hơn,...

   Theo thống kê, có khoảng 20% trẻ em bị chậm nói so với các bạn cùng lứa. Một số bé thậm chí còn có biểu hiện rối loạn hành vi do nổi cáu vì không có khả năng diễn đạt điều mình muốn.

   Tình trạng trẻ chậm nói có thể mất đi nhờ sự trợ giúp của gia đình. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nào đó. Vậy cụ thể, nguyên nhân trẻ chậm nói là gì?

 

Nguyên nhân trẻ chậm nói là gì?

   Trẻ chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ là tình trạng ngôn ngữ của trẻ phát triển theo đúng trình tự, nhưng tốc độ chậm hơn so với các bạn cùng tuổi. Biểu hiện của tình trạng này là con phát âm không chuẩn, thậm chí còn nói ngọng, nói líu lưỡi.

   Nguyên nhân dẫn đến trẻ chậm nói bao gồm:

  • Vấn đề ở vòm miệng: Để tạo thành lời nói, hàm trên, hàm dưới và lưỡi phải kết hợp nhịp nhàng với nhau. Bởi vậy, nếu 1 bộ phận nào đó có vấn đề như: Hở hàm ếch, hở môi, dính thắng lưỡi, phanh lưỡi ngắn… đều sẽ khiến trẻ chậm nói.

 

Hình ảnh trẻ bị hở hàm ếch

Hình ảnh trẻ bị hở hàm ếch

 

  • Bệnh lý ở hệ thần kinh và não bộ: Các bệnh lý ở hệ thần kinh và não bộ như bại não, chấn thương sọ não, viêm màng não, não bị dị tật bẩm sinh… đều khiến trẻ khó phối hợp môi, lưỡi và các hàm để tạo ra âm thanh, lời nói.
  • Vấn đề về thính lực: Khả năng nghe của trẻ kém do bẩm sinh, viêm nhiễm tai, chấn thương màng nhĩ hoặc sử dụng một số thuốc gây độc thần kinh… đều khiến con phản ứng chậm với âm thanh và lời nói, gây chậm nói.
  • Trẻ sinh non: Những đứa trẻ sinh non hoặc có cân nặng dưới 2.5kg thường có nguy cơ cao bị chậm nói. Bởi lẽ ở các trường hợp này, một số chức năng của não bộ chưa hoàn thiện, trẻ thường tiếp nhận, xử lý âm thanh và biểu đạt ngôn ngữ kém.
  • Trẻ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử: Nghiên cứu cho thấy, não bộ của trẻ tiếp thu sóng từ các thiết bị điện tử cao gấp 2 lần so với người trưởng thành. Thời gian tiếp xúc càng nhiều, não bộ của con càng có nguy cơ cao bị giảm hoạt động, gây suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung. Chưa hết, trẻ xem tivi, điện thoại nhiều sẽ ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, ít giao tiếp nên dễ bị chậm nói. 
  • Tác động từ gia đình: Cuộc sống hiện đại rất bận rộn khiến nhiều cha mẹ ít hoặc không có thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Hoặc biến cố nào đó trong gia đình khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng, khiến con thu mình lại, dẫn đến tình trạng chậm nói.
  • Trẻ tự kỷ: Bệnh tự kỷ có dấu hiệu điển hình là chậm nói và một số biểu hiện khác như đi kiễng gót, quay tròn người, ngắm nhìn tay, nhìn nghiêng, lắc lư người, nhảy chân sáo, chạy vòng quanh nhà… Nhiều trường hợp con tự kỷ còn có thói quen rập khuôn: Đi về theo đúng một đường, ngồi đúng một chỗ, nằm đúng một vị trí, thích mặc đúng một bộ quần áo, luôn làm một việc theo một trình tự…

   Có thể thấy, trẻ chậm nói do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Khi nhận thấy dấu hiệu con gặp tình trạng này, cha mẹ cần đưa bé đi thăm khám sớm để xác định chính xác nguyên nhân và có giải pháp khắc phục phù hợp.

 

Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói

   Trẻ chậm nói thường có biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào từng lứa tuổi, cụ thể:

Trẻ dưới 12 tháng tuổi

   Ở giai đoạn này, con không đáp ứng với tiếng động là biểu hiện cảnh báo của tình trạng chậm nói.

Trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi

  • Không bi bô mà phát ra các phụ âm như p, b, m, n.
  • Không phản ứng khi được gọi tên mình.
  • Không biết nói một từ nào.
  • Không biết làm các động tác như vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu.
  • Không giao tiếp với người khác kể cả khi cần giúp đỡ hay muốn điều gì đó.
  • Thờ ơ với mọi thứ xung quanh.

 

Trẻ chậm nói thường thờ ơ với mọi thứ xung quanh

Trẻ chậm nói thường thờ ơ với mọi thứ xung quanh

 

Trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi

  • Chưa nói được các từ đơn như "đói", "ăn".
  • Không thể chỉ được các bộ phận của cơ thể khi được hỏi như mắt, tai, mũi, đầu…
  • Không thể giao tiếp bằng bất cứ cách nào (lời nói, cử chỉ,…) kể cả khi cần giúp đỡ.
  • Không biết chỉ vào thứ mình muốn.
  • Không hiểu và không thực hiện được các mệnh lệnh đơn giản như “Đứng yên!”
  • Không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ khi được hỏi.

Trẻ từ 2 đến 3 tuổi

  • Không tự nói ra lời mà chỉ nhại lại lời nói của người khác.
  • Không thể thực hiện những cuộc hội thoại đơn giản, kể cả câu đơn giản như “đi chơi”, “cho con đồ ăn”.
  • Không dùng lời nói để giao tiếp, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp.
  • Không hiểu các chỉ dẫn hay câu hỏi dài như “con có đói không?”, “con muốn đi chơi không?”.
  • Không biết bắt chước hành động hay lời nói của người khác.
  • Khả năng ghép từ kém, không thể nối hai từ với nhau.
  • Không biết công dụng của những đồ vật quen thuộc ở trong nhà như bát thìa, áo quần,…

Trẻ trên 3 tuổi

  • Không sử dụng được đại từ nhân xưng như “con”, “mẹ”, “bố”, …
  • Không thể ghép các từ thành câu ngắn.
  • Không hiểu những chỉ dẫn hay câu hỏi ngắn như “Nhấc chân cao lên”, “Con muốn đi bơi không?”
  • Lời nói không rõ ràng, khiến mọi người xung quanh không hiểu.
  • Vẫn thường xuyên nói lắp bắp với vẻ mặt nhăn nhó.
  • Không đặt câu hỏi.
  • Ít quan tâm hoặc không quan tâm tới sách truyện.
  • Không quan tâm và không tương tác với các bạn nhỏ khác.
  • Đặc biệt khó tách khỏi bố mẹ.
  • Một số trẻ còn có biểu hiện rối loạn hành vi.

   Để phát hiện sớm tình trạng trẻ chậm nói, ngay từ khi con được 3-4 tháng tuổi, cha mẹ nên đưa bé đi khám sàng lọc ở cơ sở y tế uy tín. Nếu không, sau khi nhận thấy một trong các dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa con đi kiểm tra càng sớm càng tốt.

 

Cách khắc phục tình trạng trẻ chậm nói

   Tùy nguyên nhân gây chậm nói ở trẻ, cách khắc phục cũng khác nhau. Nếu tình trạng này do vấn đề bệnh lý gây ra, cha mẹ cần cùng con điều trị dứt điểm các bệnh lý đó. Đồng thời, các mẹ nên:

  • Dành thời gian giao tiếp với trẻ, khuyến khích con nói nhiều hơn và khen ngợi khi con nói các từ mới.
  • Quan tâm, chăm sóc và gần gũi con nhiều hơn, tâm sự hay chia sẻ những câu chuyện hấp dẫn, gây hứng thú cho trẻ.
  • Dạy con bắt đầu từ những từ dễ hiểu, dễ làm quen.
  • Cho trẻ tiếp xúc với các âm thanh khác nhau để con phát hiện các điểm khác biệt, tăng khả năng nhận biết âm thanh và phản xạ.
  • Tập các thói quen tốt cho trẻ như đọc sách, đọc truyện trước khi đi ngủ hay các khung giờ cố định trong ngày.
  • Không ép con: Việc gượng ép con vào khuôn khổ sẽ có tác dụng ngược, vì vậy, cha mẹ hãy động viên, khuyến khích con hoạt động trên tinh thần tự nguyện thay bị ép buộc trẻ.
  • Tránh cho con tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại. Thay vào đó, cha mẹ nên cùng con vận động nhẹ nhàng phù hợp với lứa tuổi.

   Đến đây, hy vọng các bạn đã biết thông tin chi tiết về tình trạng trẻ chậm nói. Dù bận rộn đến đâu, các mẹ cũng nên dành thời gian quan tâm con trẻ để tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

 

Chủ đề: trẻ chậm nói
Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844