Bàn chân phẳng là một bệnh lý nghe có vẻ lạ tai với nhiều người, tuy nhiên nó lại khá phổ biến. Tình trạng này có thể bắt gặp ở cả nam và nữ giới trong mọi độ tuổi. Vậy, bàn chân phẳng là bệnh gì? Nó có nguy hiểm hay không? Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về căn bệnh này nhé!
Bàn chân phẳng là bệnh gì? Có nguy hiểm hay không?
Bàn chân phẳng là bệnh gì?
Bàn chân phẳng hay còn được gọi là bàn chân bẹt, một loại dị tật khá phổ biến trên thế giới. Thông thường, khi mới sinh ra, những đứa trẻ sẽ có bàn chân không có vòm, không lõm, còn gọi là bàn chân bẹt. Điều này là do lớp mỡ dưới da trải dài theo gan chân.
Khi đến 2 - 3 tuổi, lớp mỡ này rút đi, vòm bàn chân sẽ được hình thành cùng với hệ thống dây chằng. Vòm bàn chân bình thường hoạt động như một chiếc lò xo, giúp cơ thể chịu lực, giữ cân bằng, đi đứng nhẹ nhàng, đồng thời giảm phản lực từ mặt đất dội lên khi đi lại.
Tuy nhiên, có một số trẻ không bao giờ phát triển vòm này hoặc vòm bàn chân rất thấp. Lúc này, bàn chân sẽ tiếp xúc gần như hoàn toàn với mặt đất khi đứng thẳng, gan bàn chân lõm vào trong và mũi bàn chân hướng ra bên ngoài khi di chuyển.
Có các dạng bàn chân bẹt khác nhau bao gồm :
- Bàn chân bẹt linh hoạt: Đây là dạng thường gặp nhất, xuất hiện từ khi còn nhỏ tuổi. Vòm bàn chân sẽ biến mất khi đứng hoặc khi chân chạm đất hoàn toàn và xuất hiện khi bệnh nhân nhấc chân lên khỏi mặt đất.
- Bàn chân bẹt cứng: Tình trạng này xảy ra do gân gót chân kết nối quá chặt với xương gót chân và cơ bắp chân, từ đó có thể gây đau khi đi bộ hoặc chạy.
- Rối loạn chức năng của gân chày sau: Loại bàn chân bẹt này thường phát hiện ở người trưởng thành, xảy ra khi gân kết nối cơ bắp chân và mặt trong của mắt cá chân bị chấn thương, rách hoặc sưng.
Người mắc bàn chân phẳng sẽ không có vòm chân
Nguyên nhân gây bệnh bàn chân phẳng là gì?
Nếu tình trạng bàn chân phẳng không tự biến mất khi trẻ lớn lên, thì đây có thể là trường hợp trẻ bị chậm phát triển hoặc bị dị dạng cấu trúc gây ảnh hưởng đến sự liên kết bình thường của xương bàn chân. Tình trạng này có liên quan đến các rối loạn di truyền hoặc do béo phì, thói quen đi chân đất, đi dép hoặc xăng-đan có đế lót bằng phẳng từ khi còn nhỏ tuổi.
Đối với người lớn, bệnh bàn chân phẳng là hiện tượng sụp đổ các xương và mô liên kết ở giữa bàn chân. Nguyên nhân thường là do thoái hóa gân xương chày, chạy dọc theo mắt cá chân khi già đi.
Ngoài ra, sự thay đổi cấu trúc cơ học của bàn chân theo thời gian cũng có thể là yếu tố gây ảnh hưởng đến cấu trúc của vòm bàn chân, từ đó khiến các dây chằng hỗ trợ xương bàn chân bị mất độ căng. Hậu quả cuối cùng của tình trạng trên là mất vòm bàn chân.
Những đối tượng có nguy cơ gặp phải tình trạng này có thể kể đến như: phụ nữ trên 40 tuổi, người béo phì, tăng huyết áp, từng bị chấn thương bàn chân trước đây, chiều dài chân không bằng nhau, viêm khớp dạng thấp, mang thai, hội chứng Marfan, tiểu đường, vẹo cột sống, đi giày quá chật, giày cao gót.
Bệnh bàn chân phẳng có nguy hiểm không?
Người mắc bệnh bàn chân phẳng sẽ có thể gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống. Khi đi lại, phần cạnh trong của bàn chân có xu hướng áp xuống đất, lâu dần sẽ khiến bàn chân bị biến dạng. Do đó, khi chạy nhảy hoặc chơi thể thao, họ dễ bị té hoặc gặp chấn thương vì bàn chân không đủ linh hoạt khi chạm đất. Đồng thời phần gót vẹo ra ngoài, chân đổ vào trong khiến khớp cổ chân, khớp gối cũng bị ảnh hưởng. Theo thời gian, bệnh lý này còn có thể gây ra một số ảnh hưởng như:
- Biến dạng xương khớp, cẳng chân và đầu gối xoay vào bên trong.
- Làm lệch trục cột sống gây đau nhức khớp cổ chân, khớp bàn chân, khớp gối, khớp háng, dẫn đến vẹo cột sống, đau lưng và cổ.
- Ngón chân cái bị đẩy về phía ngón sát bên, làm tăng nguy cơ bị đau gót chân, viêm cân gan chân.
- Khiến dáng đi xấu.
- Trẻ thường cáu gắt, mệt mỏi, biếng ăn,...
Điều trị bệnh bàn chân phẳng bằng cách nào?
Ưu tiên hàng đầu trong điều trị bệnh bàn chân phẳng luôn là bảo tồn, và không xâm lấn. Tuy nhiên, trong các trường hợp nặng, phẫu thuật sẽ được cân nhắc để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.
Các bài tập hỗ trợ điều trị
- Lăn chân với bóng tennis: Ngồi vững trên ghế và đặt một quả bóng tennis dưới lòng bàn chân trái, dùng chân để lăn bóng, tập trung vào khu vực vòm bàn chân và duy trì tư thế ngồi thẳng lưng. Bạn thực hiện thao tác trên liên tục trong vòng 2 – 3 phút, rồi đổi bóng sang chân phải và lặp lại bài tập.
- Nâng vòm bàn chân: Đứng thẳng người, hai chân rộng bằng vai, dời trọng lượng cơ thể lên phần ngoài rìa bàn chân, và nâng vòm bàn chân lên cao nhất có thể. Các ngón chân bắt buộc tiếp xúc với mặt đất trong suốt quá trình luyện tập. Bạn lặp lại động tác trên 10 – 15 lần và thực hiện cả bài tập thêm 1 – 2 đợt nữa.
Bài tập nâng vòm bàn chân
Phẫu thuật
Trong trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật có thể được chỉ định để hỗ trợ giảm đau do hội chứng bàn chân phẳng, thậm chí là tạo ra một vòm bàn chân mới. Có hai loại phẫu thuật chính được áp dụng đề điều trị hội chứng bàn chân phẳng là:
- Phẫu thuật tái tạo giúp đặt lại các gân và hợp nhất các khớp, từ đó xếp bàn chân lại đúng cách.
- Phẫu thuật cấy ghép xương giúp ghép lại xương hỗ trợ vòm bàn chân và điều chỉnh tình trạng bàn chân phẳng. Bộ phận cấy ghép bằng kim loại sẽ được bác sĩ đưa vào bàn chân để tạo vòm và hỗ trợ chân.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về bệnh bàn chân phẳng. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả!
XEM THÊM:
- Top 9 bệnh xương khớp người Việt hay mắc và cách phòng ngừa
- Hội chứng jet lag là gì? Triệu chứng và cách điều trị