Nguyên nhân và cách điều trị sỏi thận

Cập nhập: Thứ sáu, 24/03/2023

 

   Sỏi thận là căn bệnh phổ biến thường gặp nhất ở đường tiết niệu và hay tái phát, gây ra những đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Hiện nay, bệnh sỏi thận rất phổ biến ở các nước nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam. Vậy nguyên nhân và cách điều trị bệnh sỏi thận như thế nào? Mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

 

Nguyên nhân và cách điều trị sỏi thận

Nguyên nhân và cách điều trị sỏi thận

 

Bệnh sỏi thận là gì?

   Bệnh sỏi thận là bệnh lý khi nồng độ chất khoáng và muối trong nước tiểu cao, được lắng đọng lại trong thận và đường tiết niệu. Các chất này lắng đọng lâu ngày kết tinh lại thành tinh thể muối khoáng giống như hạt sỏi (chủ yếu là tinh thể của Canxi).

   Bệnh thường gặp ở nam giới, tuổi mắc bệnh thường từ 30 – 55 tuổi. Nam giới có cấu tạo đường tiết niệu phức tạp hơn nên sỏi thường khó tự đào thải hơn ở nữ giới. Bệnh có nguy cơ tái phát ở những người đã từng mắc trước đó. Sỏi thận chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận.

Có một số loại sỏi thận thường gặp như:

  • Sỏi canxi: Đây là loại sỏi thường gặp nhất, chiếm 80 - 90%. Khi canxi kết hợp với các gốc oxalat, carbonat, phosphat tạo thành tinh thể lắng đọng thành sỏi thận. Sỏi này rất cứng và cản quang, có hình dáng gồ ghề, màu vàng hoặc màu nâu.
  • Sỏi cystine: Loại này thường gặp ở bệnh nhân rối loạn cystine niệu di truyền. Sỏi cystine là sỏi không cản quang, có bề mặt trơn láng.
  • Sỏi acid uric: Đây là loại sỏi được hình thành do acid uric trong cơ thể rối loạn chuyển hóa có thể do bệnh gút, thường gặp ở nam giới.
  • Sỏi phosphat: Chủ yếu là sỏi amoni magie phosphat kích thước lớn, gây nhiễm khuẩn proteus niệu. Sỏi có màu vàng và hơi bở. Loại sỏi này thường rất lớn có thể lấp kín các đài bể thận gây ra sỏi san hô.

 

Nguyên nhân gây sỏi thận

   Sỏi thận được hình thành và di chuyển đến bất kỳ vị trí nào trên đường đi của nước tiểu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mắc bệnh sỏi thận, nhưng chủ yếu là do thói quen sinh hoạt. Dưới đây là một số nguyên nhân gây nên bệnh suy thận.

  • Do thói quen uống ít nước dẫn đến lượng nước trong cơ thể không đủ để tuần hoàn thận. Vì vậy chức năng lọc của thận giảm, nước tiểu đặc chứa nồng độ ion muối khoáng cao, dễ kết tinh thành sỏi thận.
  • Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Ăn nhiều đồ dầu mỡ, ăn mặn quá và sử dụng thức ăn chứa nhiều gốc ion muối như rau muống, khế,... cũng làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
  • Nhiễm trùng đường sinh dục và tiết niệu do vệ sinh không thường xuyên làm cho nguy cơ mắc sỏi thận cao.
  • Béo phì: Người béo phì có nguy cơ mắc sỏi thận cao gấp đôi so với người có cân nặng bình thường. Do đó việc duy trì cân nặng ở mức hợp lý là rất cần thiết nếu không muốn mắc phải căn bệnh này.
  • Sử dụng thuốc có thành phần gây sỏi thận như thuốc lợi tiểu, thiazid, một số loại thuốc kháng sinh, bao gồm cả thuốc kháng sinh ciprofloxacin và sulfa,...
  • Bệnh gút: Tình trạng này khiến acid uric tích tụ trong máu và hình thành các tinh thể trong khớp và thận.
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2: Bệnh lý này có thể làm tăng hàm lượng axit trong nước tiểu, dẫn tới sự kết tinh tạo sỏi thận.
  • Cường cận giáp: Đây là tình trạng các tuyến cận giáp tiết ra quá nhiều hormone, làm tăng nồng độ canxi trong máu và nước tiểu, dẫn tới hình thành sỏi thận.

 

Béo phì

Béo phì là nguyên nhân gây sỏi thận

 

Dấu hiệu của bệnh sỏi thận

   Bệnh sỏi thận diễn ra âm thầm, dựa vào một số dấu hiệu dưới đây để xác định tình trạng bệnh.

  • Đau bụng và thắt lưng: Cơn đau từ thắt lưng xuống vùng mạn dưới sườn rồi lan xuống xương chậu và cuối cùng là bụng dưới. Đây là triệu chứng do sỏi thận di chuyển gây cọ xát tổn thương đường tiết niệu.
  • Tiểu ra máu: Các trường hợp sỏi có bề mặt nhám, gai san hô,... khi cọ xát vào đường tiểu thì gây tiểu ra máu. Bình thường sỏi thận không gây ra hiện tượng này. Tuy nhiên, do người bệnh hoạt động nhiều hoặc vận động mạnh sẽ gây tiểu ra máu.
  • Đi tiểu khó, tiểu buốt: Người bệnh gặp khó khăn khi đi tiểu, thường tiểu buốt do khi đi tiểu kéo theo sỏi thận dẫn đến tình trạng đau, viêm nhiễm.
  • Người bệnh có cảm giác buồn nôn và nôn do khi bị sỏi thận sẽ gây ra những ảnh hưởng trong đường tiêu hóa.
  • Cảm giác sốt và ớn lạnh do khi bị sỏi thận rất dễ dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.

 

dấu hiệu của sỏi thận

Buồn nôn và nôn là dấu hiệu của sỏi thận

 

Cách điều trị sỏi thận

   Tùy theo từng trường hợp cũng như kích thước sỏi thận để áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau. Đối với trường hợp sỏi nhỏ và được phát hiện sớm thì có thể điều trị nội khoa, đây là phương pháp sử dụng thuốc tăng cường bài tiết sỏi, phương pháp này khá an toàn và hiệu quả cao. Còn đối với trường hợp sỏi lớn gây đau hoặc làm giảm chức năng thận, dẫn tới chảy máu hoặc nhiễm trùng cần sử dụng một số phương pháp điều trị sau đây:

  • Phương pháp mổ mở lấy sỏi: Đây là phương pháp được áp dụng với loại sỏi san hô cần mổ mở để gắp sỏi ra ngoài.
  • Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể: Phương pháp này là dùng sóng xung kích ngoài cơ thể, sử dụng sóng âm thanh để phá vỡ các viên sỏi lớn để chúng có thể dễ dàng đi xuống niệu quản vào bàng quang của người bệnh. Thủ thuật này có thể không thoải mái và có thể cần gây mê nhẹ (tiền mê). Nó có thể gây ra vết bầm tím trên bụng, lưng và chảy máu quanh thận hay các cơ quan lân cận.
  • Phương pháp lấy sỏi qua da: Phương pháp nội soi để lấy sỏi thận khi không tán sỏi được. Đây là một ứng dụng kỹ thuật cao hiện đại trong phẫu thuật nội soi, cho phép thay thế hoàn toàn cho phương pháp mổ mở truyền thống hiện đang áp dụng phổ biến ở các sỏi tiết niệu >25mm, đặc biệt là sỏi san hô.
  • Phương pháp nội soi niệu quản: Khi một viên sỏi bị mắc kẹt trong niệu quản hoặc bàng quang, bác sĩ có thể sử dụng một dụng cụ gọi là ống soi niệu quản để lấy sỏi ra. Một sợi dây nhỏ có gắn camera được đưa vào niệu đạo và bàng quang. Sau đó, bác sĩ sử dụng một chiếc lồng nhỏ để gắp sỏi và lấy nó ra.

   Bên cạnh các phương pháp điều trị ở trên, thì người bệnh cũng cần phải thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt như uống nhiều nước, vận động cơ thể thường xuyên và không nhịn tiểu để có thể kích thích sỏi ra ngoài cơ thể.

   Sỏi thận không chỉ gây đau đớn cho người bệnh mà còn có thể để lại những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hy vọng thông qua bài viết này, mọi người sẽ có thêm kiến thức trong việc xác định và điều trị bệnh sỏi thận.   

 

XEM THÊM:

Chủ đề: sỏi thận

Bài viết cùng chủ đề

Người bệnh gout nên làm gì để phòng ngừa sỏi thận?

Người bệnh gout nên làm gì để phòng ngừa sỏi thận?

Sỏi thận, sỏi tiết niệu: Phương pháp nào giúp điều trị dứt điểm?

Có phương pháp nào giúp điều trị dứt điểm sỏi thận, sỏi tiết niệu không? Xin mời quý vị và các bạn cùng theo dõi bài viết.

Chuyên gia giải đáp: Nước tiểu có bọt có phải là bệnh thận không?

Chuyên gia giải đáp: Nước tiểu có bọt có phải là bệnh thận không?
Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844