Động kinh là một bệnh lý thường gặp, tỷ lệ mắc bệnh ở Việt Nam tương đương với khu vực châu Âu, rơi vào khoảng 4,9-7,5 người/1.000 người (0,49-0,75%). Chi phí điều trị động kinh không quá lớn, tuy nhiên đây là bệnh mãn tính nên chi phí cộng dồn sẽ nhiều và người bệnh cũng không thể làm việc như người bình thường nên động kinh luôn là một gánh nặng về kinh tế của gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.
Động kinh: Nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh động kinh là gì? Nguyên nhân gây bệnh động kinh
Động kinh là một bệnh lý rối loạn thần kinh trung ương theo từng cơn ngắn do sự phóng điện đột ngột, quá mức của các neuron.
Chức năng của hệ thần kinh bao gồm: vận động, cảm giác, nhận thức, phản xạ và chức năng thực vật. Tùy thuộc vào vị trí tổn thương mà cơn động kinh gây ra những rối loạn khác nhau. Một cơn động kinh có 2 tính chất:
- Xuất hiện đột ngột, bệnh nhân không kịp đề phòng, sau đó tự thoái lui
- Cơn động kinh có tính chất định hình, tức là cơn sau giống hệt cơn trước
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh động kinh, điểm chung của những nguyên nhân này là chúng để lại những vết sẹo, những tổn thương trên hệ thần kinh. Một số nguyên nhân tiêu biểu bao gồm:
- Các cơn co giật do sốt cao kéo dài ở trẻ em
- Di chứng của viêm màng não, viêm não
- Chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp
- Khối phát triển nội sọ: u não, áp xe não
- Bệnh lý mạch máu não: đột quỵ
- Sang chấn sản khoa: thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do quá trình trở dạ của người mẹ diễn ra lâu, thai nhi bị thiếu oxy, từ đó dẫn đến tổn thương trên hệ thần kinh. Tổn thương não này có thể gây ra động kinh hoặc bại não ở trẻ em
Sang chấn sản khoa có thể gây động kinh ở trẻ
- Rối loạn phát triển: chứng tự kỷ
- Di truyền: Hầu hết các trường hợp, gen chỉ là một phần của nguyên nhân gây động kinh. Một số gen có thể khiến một người trở nên nhạy cảm hơn với các điều kiện môi trường gây động kinh
Phân loại, triệu chứng của động kinh
Phân loại động kinh
Việc phân loại động kinh hiện nay thường được áp dụng theo bảng phân loại cơn động kinh của ILAE năm 2017:
Cơn động kinh cục bộ (khu trú)
Là những cơn động kinh do bất thường ở một phần của não bộ, được chia làm 3 loại nhỏ hơn:
- Cơn cục bộ đơn thuần: rối loạn chức năng vận động, cảm giác, thần kinh thực vật
- Cơn cục bộ phức tạp: những rối loạn chức năng đi kèm với thay đổi hoặc mất ý thức
- Cơn cục bộ liên tục
Cơn động kinh toàn thể
Các cơn động kinh xảy ra ở tất cả các vùng của não được gọi là động kinh toàn thể. Có 6 loại động kinh toàn thể:
- Cơn vắng ý thức (cơn động kinh nhỏ): người bệnh ngây người, nhìn vào khoảng không trong vài giây (mất ý thức tạm thời), sau đó nhanh chóng tỉnh táo trở lại.
- Cơn giật cơ
- Cơn co giật
- Cơn co cứng
- Cơn co cứng - co giật (cơn động kinh lớn): loại nghiêm trọng nhất, xảy ra với nhiều triệu chứng nhất
- Cơn mất trương lực cơ
Triệu chứng cơn động kinh lớn
Một cơn động kinh lớn bao gồm 3 giai đoạn: giai đoạn co cứng (10-20 giây), giai đoạn giật (1-2 phút, ít khi quá 6 phút), giai đoạn duỗi (5-10 phút).
Giai đoạn co cứng
- Bệnh nhân trợn ngược mắt, quay đầu về một phía, hàm răng nghiến chặt có thể cắn phải môi, lưỡi.
- Chi trên ở tư thế gập (khuỷu tay, cổ tay, ngón tay…). Chi dưới ở tư thế duỗi nhưng các ngón chân gập lại.
- Mắt bệnh nhân tím dần, các phản xạ mắt đều mất. Đang co cứng, bệnh nhân bỗng hít mạnh rồi thở hắt ra và bắt đầu chuyển sang giai đoạn co giật.
Giai đoạn co giật
- Bệnh nhân co giật mạnh các cơ một cách nhịp nhàng, cân xứng với cường độ tăng dần.
- Có thể co giật thành từng đợt, mồ hôi ra nhiều, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ.
Triệu chứng điển hình của một cơn động kinh lớn
Giai đoạn duỗi cơ
- Bệnh nhân nằm mềm nhũn, bất động, thở rống, khò khè.
- Bệnh nhân động kinh có thể tiếp tục ngủ say, sau đó tỉnh dậy mà không nhớ gì đã xảy ra. Bệnh nhân cũng có thể tỉnh dần, trải qua một trạng thái ý thức lờ mờ, u ám, người mệt mỏi. Trong trạng thái đó, họ trở nên hung dữ, manh động hoặc có một số hành vi nguy hiểm.
Điều trị bệnh động kinh
Điều trị bệnh động kinh bao gồm điều trị trong cơn co giật và điều trị duy trì.
Điều trị trong cơn động kinh
Đa phần các cơn động kinh đều kéo dài trong một thời gian ngắn, sau đó người bệnh tự hồi phục nên không cần điều trị bằng thuốc để ngắt cơn động kinh.
- Nên để bệnh nhân càng dễ chịu càng tốt, thường cho bệnh nhân nằm, bảo vệ đầu, nới lỏng quần áo hoặc khăn quàng cổ.
- Tránh để chấn thương xảy ra với người bệnh như không để người bệnh gần lò sưởi, cầu thang…).
- Không cố mở miệng bệnh nhân và nhét bất cứ thứ gì vào miệng vì có thể làm bệnh nhân hít vào gây tổn thương phổi.
- Khi bệnh nhân đã hết cơn co giật, nên nói chuyện nhẹ nhàng, động viên người bệnh vì cuối cơn động kinh, tâm trạng của người bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều.
Điều trị duy trì
Để dự phòng cơn động kinh tái phát, người bệnh được điều trị bằng các thuốc chống động kinh. Các thuốc chống động kinh thế hệ cũ (như phenobarbital, phenytoin, carbamazepine, valproate) vẫn đang được sử dụng nhiều.
Ngày nay, với sự ra đời của thuốc chống động kinh thế hệ mới (như topiramate, gabapentin, pregabalin, perampanel…), bác sĩ có thêm nhiều lựa chọn hiệu quả, ít tác dụng phụ, giúp giảm số cơn động kinh từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nếu người bệnh không có bất kỳ cơn động kinh nào trong 2 năm liên tục, đồng thời kết quả điện não đồ bình thường thì người bệnh có thể được cân nhắc ngừng sử dụng thuốc chống động kinh.
Một số phương pháp khác có thể sử dụng khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả bao gồm: phẫu thuật điều trị động kinh, kích thích dây thần kinh X (dây thần kinh phế vị), kích thích não sâu. Các phương pháp này hiện nay chưa thực sự phổ biến, cần theo dõi nhiều hơn để đánh giá hiệu quả trên thực tế.
Các phương pháp mới giúp điều trị bệnh động kinh vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu, theo dõi trên lâm sàng. Hy vọng trong tương lai, những phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả tích cực, giúp điều trị dứt điểm căn bệnh động kinh. Cám ơn các bạn đã đón xem!
XEM THÊM:
- Suy gan cấp - Nguyên nhân, biến chứng và cách phòng ngừa
- 5 thông tin cần biết để cải thiện bệnh rối loạn tiền đình hiệu quả