Hệ thần kinh là bộ phận kiểm soát tất cả chức năng của cơ thể. Đây là một hệ thống phức tạp và có nhiều bệnh lý khác nhau, các bệnh lý ở đây được gọi chung là các rối loạn thần kinh. Hiểu đúng về rối loạn thần kinh giữ vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh, vì vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây để có được cái nhìn rõ ràng nhất về tình trạng này.
Rối loạn thần kinh là gì?
Rối loạn thần kinh là gì và có bao nhiêu người bị ảnh hưởng bởi chúng?
Bệnh thần kinh hay rối loạn thần kinh (tên tiếng Anh là Neurological disoders) được định nghĩa là tất cả những rối loạn về cấu trúc, chức năng của hệ thống thần kinh trung ương hoặc hệ thống thần kinh ngoại vi hoặc cả hai. Nói cách khác, rối loạn thần kinh là các bệnh lý của não bộ, tủy sống, dây thần kinh sọ, dây thần kinh tủy, khớp thần kinh, hạch thần kinh…
Những rối loạn thần kinh thường gặp bao gồm: động kinh, Alzheimer và các chứng mất trí nhớ khác; bệnh mạch máu não bao gồm đột quỵ, đau nửa đầu và các rối loạn đau đầu khác; bệnh đa xơ cứng; bệnh Parkinson; u não; nhiễm trùng thần kinh…
Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới WHO, có hàng trăm triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi rối loạn thần kinh. Hơn 6 triệu người chết vì đột quỵ mỗi năm, trong đó có hơn 80% số ca tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Hơn 50 triệu người bị động kinh trên toàn thế giới. Ước tính có khoảng 47,5 triệu người mắc chứng mất trí nhớ với 7,7 triệu ca mắc mới mỗi năm, trong đó Alzheimer được xem là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng mất trí nhớ chiếm 60-70% trường hợp. Tỷ lệ mắc chứng đau nửa đầu là hơn 10% trên toàn thế giới.
Rối loạn thần kinh gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe toàn cầu
Đây là những con số biết nói, phản ánh mức ảnh hưởng to lớn của các bệnh lý rối loạn thần kinh tới sức khỏe toàn cầu. Dưới đây là một số bệnh lý rối loạn thần kinh thường gặp.
Đột quỵ
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) dùng để chỉ sự thay đổi lưu lượng máu lên não. Có hai dạng đột quỵ:
- Thiếu máu cục bộ: dòng chảy của máu lên não bị cản trở, thường do huyết khối hoặc tắc mạch.
- Xuất huyết: máu tràn lên các vùng của não bộ, chủ yếu do vỡ các túi phình động mạch não.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam. Các dấu hiệu ban đầu của đột quỵ như: tê liệt và yếu cơ, khó hoặc không thể nói, mắt mờ dần, nhìn không rõ, chóng mặt, đau đầu dữ dội. Phát hiện và cấp cứu kịp thời cho người bệnh đột quỵ trong những phút đầu tiên là rất quan trọng nhằm bảo toàn tính mạng cho người bệnh. Các biện pháp can thiệp sau cơn đột quỵ giúp phục hồi khả năng vận động và các vấn đề nhận thức như mất trí nhớ, mất khả năng ngôn ngữ, thiếu định hướng…
Parkinson
Parkinson là bệnh lý rối loạn thần kinh tiến triển, ảnh hưởng chủ yếu tới chức năng vận động. Thống kê cho thấy căn bệnh này xảy ra ở khoảng 1% người trên 50 tuổi và con số này sẽ tăng dần theo độ tuổi.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thi Hùng - Giám đốc Y khoa Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM), người đã có trên 30 năm kinh nghiệm trong điều trị bệnh Parkinson: Bệnh do sự thoái hóa của các tế bào thần kinh vùng chất đen của thân não. Khi số lượng tế bào thần kinh bị tổn thương hơn 60% thì người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng run tay (bắt đầu từ một tay, sau đó lan sang cả tay còn lại), cứng cơ, mất thăng bằng, giảm khả năng di chuyển, rối loạn ngôn ngữ. Tuy nhiên, kể cả khi số lượng tế bào bị tổn thương chưa tới mức đó thì người bệnh cũng đã bắt đầu có các biểu hiện như trầm cảm, mất ngủ, rối loạn hành vi trong giấc ngủ.
Parkinson là bệnh rối loạn thần kinh chưa thể điều trị khỏi nhưng điều trị bằng thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh. Ở một số trường hợp nặng, người bệnh có thể sẽ phải tiến hành phẫu thuật để điều chỉnh lại một số phần nhất định của não bộ.
Alzheimer
Alzheimer là một trong những dạng rối loạn thần kinh dẫn đến sa sút trí tuệ thường gặp nhất ở người trên 65 tuổi. Bệnh đặc trưng bởi sự mất dần các nơ-ron thần kinh, synap trong vỏ não và một số vùng dưới vỏ não.
Ở những giai đoạn đầu, Alzheimer chỉ gây ảnh hưởng nhẹ tới khả năng ghi nhớ, tư duy, khả năng tập trung. Tuy nhiên khi đến giai đoạn nặng, người bệnh gần như mất hoàn toàn trí nhớ; khả năng ngôn ngữ chỉ nói được một số cụm từ đơn giản; các khối cơ bị thoái hóa khiến người bệnh nằm liệt giường, mất khả năng ăn uống, sinh hoạt và trở nên lệ thuộc hoàn toàn vào người nhà. Cuối cùng, bệnh nhân Alzheimer thường tử vong do các nguyên nhân như: nhiễm trùng vết loét do tì đè, viêm phổi, suy dinh dưỡng…
Alzheimer - Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng sa sút trí tuệ
Hiện nay, cũng chưa có phương pháp nào giúp điều trị triệt để căn bệnh này. Tuy nhiên với sự phát triển của nền y học, các biện pháp can thiệp như sử dụng thuốc, rèn luyện trí não, thay đổi lối sống… đã được chứng minh là có thể giúp ngăn ngừa, làm chậm quá trình tiến triển của Alzheimer, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Động kinh
Động kinh là bệnh lý xảy ra do sự rối loạn của hệ thần kinh trung ương, cụ thể là hoạt động của não bộ bị thay đổi dẫn đến một nhóm tế bào của vỏ não bị kích thích, gây ra sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát. Sự kích thích của vỏ não ở những vùng khác nhau có thể gây các triệu chứng khác nhau như: co giật, co cứng chân tay, cảm giác bất thường hoặc các cơn vắng ý thức đột ngột…
Các biến chứng có thể dẫn tới tử vong của động kinh là rất hiếm gặp, nhưng các cơn vắng ý thức đột ngột có thể dẫn tới những hậu quả khó lường như tai nạn, té ngã gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong. Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị bằng thuốc có thể giúp người bệnh giảm tần suất xuất hiện các cơn động kinh.
Đau nửa đầu migraine
Đau nửa đầu migraine (bán đầu thống) là bệnh có tính chất đau theo nhịp mạch. Cường độ đau từ nhẹ, thoáng qua cho tới đau dữ dội. Đôi khi xuất hiện đau nửa đầu bên phải hoặc có thể là đau nửa đầu bên trái, đau cả hai bên đầu hoặc luân chuyển từ bên này sang bên kia theo chu kỳ. Một cơn đau nửa đầu migraine có thể kéo dài trong vài giờ hoặc kéo dài tới vài ngày. Đi cùng với những cơn đau đầu có thể là các triệu chứng như buồn nôn, nôn, nhạy cảm ánh sáng.
Nguyên nhân dẫn tới bệnh đau nửa đầu migraine được xác định là do chức năng não bộ bị rối loạn làm giải phóng các chất prostaglandin, serotonin khiến mạch máu não giãn nở, từ đó gây ra các cơn đau.
Bệnh đa xơ cứng
Bệnh đa xơ cứng (hay còn gọi là bệnh xơ cứng rải rác) là bệnh tự miễn gây ảnh hưởng tới tế bào thần kinh ở não và tủy sống. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các bao myelin - lớp bảo vệ xung quanh các dây thần kinh, khiến chúng bị tổn thương nghiêm trọng, làm chậm và tắc đường truyền xung động thần kinh.
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh đa xơ cứng là mệt mỏi, cử động khó khăn, yếu cơ, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ và nhận thức, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, các cơn động kinh cũng có thể xuất hiện ở bệnh nhân đa xơ cứng.
Vì đây là bệnh lý tự miễn nên có thể điều trị bệnh đa xơ cứng bằng các nhóm thuốc ức chế miễn dịch như corticoid. Dù vậy, đây vẫn là bệnh lý mãn tính, chưa có phương pháp điều trị triệt để, chỉ có thể làm chậm tiến triển của bệnh, cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng.
U não
U não là bệnh lý rối loạn thần kinh có sự hình thành mô bất thường ở trong não hoặc tủy sống. U não gồm hai loại là u não lành tính (không phải ung thư) và u não ác tính (ung thư). Cả hai loại u não đều gây ảnh hưởng đến tế bào não, khiến não bị tổn thương thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
Có khoảng 120 loại u não khác nhau, tùy theo vị trí, kích thước, tốc độ phát triển của khối u mà người bệnh sẽ có một số triệu chứng khác nhau như:
- Đau đầu hoặc nhức đầu
- Các cơn co giật vùng đầu
- Khó tập trung, khó nói chuyện
- Yếu hoặc tê liệt một bên cơ thể
- Mất thị lực hoặc thính lực
- Hay quên, hoặc mất trí nhớ
- Lú lẫn và mất phương hướng
Cách chẩn đoán bệnh rối loạn thần kinh
Triệu chứng của các bệnh rối loạn thần kinh thường khá tương đồng, chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng là không đủ để chẩn đoán xác định và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Người bệnh cần tới thăm khám tại các chuyên khoa thần kinh để được khám khai thác các thông tin tiền sử gia đình, thói quen sinh hoạt, triệu chứng lâm sàng.
Sau khi khám tổng quát, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng (đo điện não, siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp vi tính…) để chẩn đoán xác định bệnh lý gặp phải, từ đó đưa ra phác đồ phù hợp.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) não giữ vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý rối loạn thần kinh
Triệu chứng của các bệnh lý rối loạn thần kinh thường khá mờ nhạt trong những giai đoạn đầu. Mỗi người cần trang bị đầy đủ kiến thức về những căn bệnh này để sớm phát hiện những điều bất thường đang diễn ra trong cơ thể. Hãy theo dõi chúng tôi, hoặc liên hệ 1800.1044 (miễn cước) để tìm hiểu thêm những kiến thức y khoa hữu ích.
XEM THÊM: